SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Suy giáp thai kỳ ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tại trung tâm xét nghiệm y khoa yeslab

[21/05/2024 12:12]

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ suy giáp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tại Trung Tâm Xét Nghiệm Y Khoa Yeslab và các yếu tố liên quan. So sánh tỷ lệ suy giáp giữa khoảng tham chiếu của TOSOH và ATA 2017.

Tại Việt Nam, tỉ lệ suy giáp thai kỳ ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu được ghi nhận trong một số nghiên cứu dao động từ 10,9% đến 16,3%. Suy giáp thai kỳ có liên quan đến sinh non, biến chứng tim thai, nhẹ cân, tăng tần suất sinh mổ, bất thường nhau thai, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và xuất huyết sau sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi chưa có khả năng tự sản xuất hormon tuyến giáp và hoàn toàn phụ thuộc vào lượng hormon được cung cấp từ mẹ. Do đó, suy giáp xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của thai nhi, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ của đứa trẻ sau này. Bệnh tuyến giáp là một trong những rối loạn nội tiết phổ biến thứ hai ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai chỉ sau đái tháo đường thai kỳ. Tỷ lệ mắc bệnh suy giáp trong thai kỳ ở các nước thu nhập thấp và trung bình được báo cáo là 5% - 31,6%, cao hơn tỷ lệ mắc bệnh ở các nước phát triển. Trong 3 tháng đầu tiên, suy giáp phát triển ở khoảng 16% phụ nữ mang thai. Một nghiên cứu quy mô lớn dựa vào cộng đồng với hơn 500.000 phụ nữ mang thai từ Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ suy giáp thai kỳ là 15,5%.

Đối tượng nghiên cứu

 Tiêu chuẩn chọn bệnh:

+ Phụ nữ mang đơn thai, thụ thai tự nhiên, thai sống;

+ Thai phụ có kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ TSH;

+ Không sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm (hormone tuyến giáp, kháng giáp trạng, amiotarone…).

 Tiêu chuẩn loại trừ: Phụ nữ mang thai mắc các bệnh cấp tính như: nhiễm khuẩn, lao phổi, suy gan, suy thận.

Địa điểm nghiên cứu: TTXNYK Yeslab, Quận Phú Nhuận, TPHCM.

Thời gian nghiên cứu: Từ 9/2022 đến 5/2023.

Phương pháp nghiên cứu

 Phương pháp chọn mẫu: Nghiên cứu áp dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn lựa chọn đều được đưa vào nghiên cứu.

 Quản lý và phân tích số liệu:

 Xét nghiệm định lượng nồng độ TSH huyết thanh trong nghiên cứu được phân tích trên hệ thống miễn dịch TOSOH AIA 360 bằng kỹ thuật miễn dịch enzyme huỳnh quang (FEIA) nguyên lý miễn dịch Sandwich. Kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ TSH được nhập, kiểm tra và làm sạch bằng phần mềm Microsoft Office Excel 2019.

 Tình trạng suy giáp được chẩn đoán bằng xét nghiệm TSH, T3, T4, trong đó TSH là chỉ số tốt nhất để sàng lọc và đánh giá chức năng tuyến giáp. Tỉ lệ suy giáp được xác định dựa vào trung vị nồng độ TSH ở 2 khoảng tham chiếu: khuyến cáo của hãng TOSOH (dành cho người châu Á) và hướng dẫn của ATA 2017 (dành riêng PNMT ba tháng đầu).

Quy trình nghiên cứu: Bước 1: Lập danh sách thai phụ có kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ TSH từ 9/2022 đến 5/2023 dựa vào dữ liệu trên phần mềm Labconect được sử dụng tại TTXNYK Yeslab. Bước 2: Thu thập thông tin thai phụ. Bước 3: Làm sạch số liệu và phân tích kết quả.

 Phương pháp thu thập số liệu: Lấy dữ liệu thứ cấp từ hồ sơ người bệnh.

 Xử lý dữ liệu: bằng phần mềm SPSS 16.0.

 Đạo đức trong nghiên cứu: Nghiên cứu đã được chấp thuận và thông qua bởi Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch theo Quyết định số 855/TĐHYKPNT- HĐĐĐ ngày 20 tháng 4 năm 2023.

: Tỉ lệ suy giáp thai kỳ ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu theo TOSOH và ATA 2017 tại TTXNYK Yeslab là 4,2% và 5,9%. So sánh tỉ lệ suy giáp thai kỳ giữa TOSOH và ATA 2017 nhận thấy nhóm phụ nữ mang thai từ 30 tuổi trở lên, tỉ lệ suy giáp theo TOSOH và ATA 2017 là 2,5%, 0,8% và không có sự khác biệt (p>0,05). Với phụ nữ mang thai dưới 8 tuần tuổi, tỉ lệ suy giáp theo ATA 2017 cao hơn TOSOH (5,0% và 3,4%), khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Nồng độ TSH (chỉ số đánh giá tỉ lệ suy giáp thai kỳ) có liên quan với tuổi thai, tuy nhiên không liên quan với tuổi thai phụ.

Tình trạng suy giáp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thăm khám tại TTXNYK Yeslab là 4,2% (hãng TOSOH) và 5,9% (ATA 2017). Khuyến nghị sử dụng khoảng tham chiếu nồng độ TSH theo ATA 2017 khi tầm soát suy giáp ở phụ nữ mang thai. Vì có sự liên quan giữa tuổi thai và nồng độ TSH đề xuất thực hiện kiểm tra nồng độ TSH ở phụ nữ mang thai định kỳ và càng sớm càng tốt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Tạp chí y dược học Cần Thơ Số 71/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ