Khảo sát về hội chứng khí huyết lưỡng hư khí trên sinh viên năm thứ nhất tại Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ năm 2021 -2022
Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ hội chứng khí huyết lưỡng hư và mô tả tần suất các triệu chứng của hội chứng này trên sinh viên tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2021-2022.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm 2018, khoảng 74% dân số toàn cầu có tình trạng mệt mỏi. Đặc biệt tình trạng mệt mỏi trên sinh viên ở các trường đại học được nhiều nhà khoa học quan tâm: nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài tình trạng sức khỏe, tình hình tài chính, điều kiện môi trường sống không thuận lợi thì khó khăn trong học tập cũng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cơ thể suy kiệt cho sinh viên. Trong Y học cổ truyền (YHCT), khí huyết là thành phần quan trọng nhất cấu thành cơ thể người và duy trì hoạt động sống. Nếu khí huyết hư nhược, không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan. Khí huyết lưỡng hư (KHLH) chỉ hội chứng khí hư và huyết hư cùng tồn tại, xuất hiện ở người có thể chất yếu, có tình trạng mệt mỏi về mặt tâm lý và sinh lý hoặc mắc bệnh thời gian dài. Hội chứng KHLH được mô tả trong nhiều tài liệu kinh điển, các triệu chứng cùng được nhắc đến như là tinh thần mệt mỏi, hụt hơi, chóng mặt hoa mắt, hồi hộp mất ngủ, sắc mặt trắng xanh không tươi hoặc ám vàng, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, chân tay tê dại, móng tay chân nhạt hoặc lượng kinh nguyệt ít, sắc nhạt chất loãng, huyết băng lậu hạ, chất lưỡi non bệu, mạch tế vô lực, ăn kém, ăn không ngon miệng
Đối tượng nghiên cứu:
Tiêu chuẩn lựa chọn: Là sinh viên chính quy năm thứ I của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm học 2021-2022.
Tiêu chuẩn loại trừ: Sinh viên không đồng ý tham gia nghiên cứu, vắng mặt tại thời điểm nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp thu thập số liệu: Thu thập số liệu bằng ứng dụng Google Form. Phần hành chính gồm các câu hỏi về họ và tên, lớp, khóa, giới tính. Phần chuyên môn gồm bộ câu hỏi các triệu chứng và các yếu tố liên quan đến hội chứng KHLH.
Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Các kết quả thu thập được theo biểu mẫu thống nhất, được nhập bằng Microsoft Excel, làm sạch số liệu, quản lý và phân tích số liệu bằng phần mềm thống kê SPSS 22.0.
Ghi nhận 24 sinh viên mắc hội chứng khí huyết lưỡng hư (7,3%). Triệu chứng xuất hiện với tần suất cao là tinh thần mệt mỏi (47,4%) và yếu sức (32,6%), các triệu chứng còn lại là đau đầu chóng mặt, hụt hơi, hồi hộp mất ngủ xuất hiện với tần suất thấp hơn (25,1%; 24,2%; 14,2%). Mức độ trầm cảm, stress, lo âu và chu kỳ kinh nguyệt không có liên quan đến tỷ lệ xuất hiện của hội chứng khí huyết lưỡng hư.
Tỷ lệ sinh viên năm thứ I có hội chứng KHLH chiếm 7,3%. Tần suất triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất của sinh viên năm thứ I có hội chứng KHLH gồm tinh thần mệt mỏi (47,4%) và yếu sức (32,6%), tiếp đến là đau đầu chóng mặt (25,1%), hụt hơi (24,2%), hồi hộp mất ngủ (14,2%). Một số yếu tố như chu kỳ kinh nguyệt, chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt không có mối liên quan với hội chứng KHLH.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024