Đa dạng thực vật ngập mặn và ảnh hưởng của nước biển dâng đến thực vật ngập mặn ở huyện Thạnh Phú và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đa dạng sinh học loài và đánh giá một số chỉ số đa dạng sinh học thực vật ngập mặn huyện Thạnh Phú và Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Ảnh minh họa
Rừng ngập mặn tỉnh Bến Tre có chiều rộng đai rừng trung bình từ 50 đến 2000 m và chủ yếu tập trung 3 huyện ven biển (Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú). Vùng rừng ngập mặn huyện Thạnh Phú và Bình Đại, tỉnh Bến Tre có diện tích khoảng hơn 3 ngàn ha, trong đó huyện Thanh Phú có diện tích đất có rừng là 1.981 ha, huyện Bình Đại có 1.385ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, nơi ươm nuôi nhiều loài hải sản có giá trị như nghêu, sò, ba khía, tôm…và gắn liền với sinh kế của người dân ven biển nhờ các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại. Tuy nhiên, vùng rừng ngập mặn nơi đây có xu hướng suy giảm do tác động của tự nhiên và con người. Hiện nghiên cứu liên quan đến đa dang thực vật ngập mặn khu vực huyện Bình Đại và Thạnh Phú chưa nhiều. Hơn nữa, số liệu về đa dạng sinh học, đa dạng về thành phần loài cây ngập mặn thực thụ và loài cây tham gia còn chưa đầy đủ, do đó Trần Quốc Cường (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này, tập trung vào đa dạng thành phần loài cây ngập mặn, đa dạng cấu trúc.
Nghiên cứu được thực hiện trong 3 đợt khảo sát vào tháng 8 năm 2018, tháng 7 năm 2020 và tháng 8 năm 2023. Tại vùng rừng ngập mặn Bình Đại và Thạnh Phú thiết kế ngẫu nhiên mỗi khu vực 4 mặt cắt Kết quả nghiên cứu, ghi nhận 43 loài cây ngập mặn thuộc 22 họ, trong đó 23 loài thực vật ngập mặn thực thụ ở Thạnh Phú, 17 loài cây ngập mặn thực thụ ở Bình Đại và 20 loài cây ngập mặn tham gia. Khu vực nghiên cứu có 5 nhóm dạng sống được xác định là thân cỏ, cây bụi, dây leo, gỗ nhỏ, gỗ lớn. Định lượng chỉ số đa dạng sinh học chỉ ra tính đa dạng thực vật rừng ngập mặn khu vực nghiên cứu biến động với chỉ số H’ từ 0,51 đến 1,26. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của nước biển dâng đến thực vật ngập mặn cũng được thảo luận. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng để xuất giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực nghiên cứu, cũng như bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 754, trang 71-78.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 754