SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước đầu đánh giá tính an toàn của liệu pháp miễn dịch tự thân ở bệnh nhân ung thư phổi

[23/05/2024 08:35]

Tác giả Nguyễn Thanh Bình - Trường Đại học Y Hà Nội và các đồng tác giả đến từ Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu là đánh giá tính an toàn của liệu pháp miễn dịch tự thân ở bệnh nhân ung thư phổi.

Trong những thập kỷ gần đây, liệu pháp miễn dịch đang có nhiều bước tiến đột phá trong điều trị ung thư, dưới dạng liệu pháp độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Các liệu pháp miễn dịch hiện nay được nghiên cứu trong điều trị khối u như kháng thể đơn dòng, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, các cytokin, vaccin điều trị ung thư và tế bào miễn dịch tự thân. Trong các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liệu pháp miễn dịch có những ưu điểm vượt trội so với liệu pháp điều trị ung thư truyền thống, có thể kéo dài thời gian sống thêm và cải thiện tình trạng sức khỏe cũng như giảm thiểu tác dụng phụ cho người bệnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng liệu pháp miễn dịch còn phức tạp và hiệu quả chưa được chứng minh một cách trọn vẹn. Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch có thể gây ra các phản ứng bất lợi nghiêm trọng do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Liệu pháp miễn dịch tự thân, sử dụng chính các tế bào miễn dịch từ cơ thể bệnh nhân đã được chứng minh có tính an toàn cao và tránh được hiện tượng thải ghép miễn dịch. Liệu pháp này đã đem lại những kết quả tích cực trong các nghiên cứu điều trị ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Liệu pháp này sử dụng các loại tế bào miễn dịch của cơ thể người bệnh như tế bào diệt tự nhiên (NK) hay tế bào T gây độc (Tc)… Các thử nghiệm lâm sàng pha I/II đã chứng minh được hiệu quả cũng như tính an toàn của các tế bào gamma delta T (gdT) và tế bào diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi. Đối với một phương pháp điều trị mới, thì tính an toàn sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi sử dụng cho bệnh nhân. Một số nghiên cứu lâm sàng trên thế giới cho thấy các tế bào gdT và tế bào NK ít gây biến cố nghiêm trọng trên người bệnh mà chủ yếu là những tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua. Tại Việt Nam, hầu như có rất ít nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của hai loại tế bào này trong điều trị ung thư.

Nghiên cứu mô tả, tiến cứu trên 10 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được truyền khối tế bào miễn dịch tự thân (tế bào diệt tự nhiên (NK) hoặc tế bào gamma delta T (gdT)), tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhằm đánh giá tính an toàn của liệu pháp trong quá trình điều trị, kết thúc điều trị, sau điều trị 3 tháng và 6 tháng. Các chỉ số đánh giá được phân loại theo hướng dẫn CTCAE 5.0 năm 2017.

Kết quả cho thấy, 5 bệnh nhân truyền tế bào NK có các biến cố phổ biến gồm mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, tiêu chảy, táo bón đều chiếm 6,7%, thấp nhất là triệu chứng nôn (3,3%). Còn 5 bệnh nhân truyền tế bào gdT xảy ra các biến cố phổ biến là sốt (6,7%), còn lại là các biến cố chán ăn, đau cơ, đau khớp đều chiếm 3,3%, 1 bệnh nhân giảm nhẹ bạch cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu sau điều trị 6 tháng. Tất cả các tác dụng phụ không mong muốn trên lâm sàng và cận lâm sàng đều nhẹ và thoáng qua, ở độ 1 theo CTCAE 5.0 và không cần điều trị gì. Do đó, nghiên cứu này đã bước đầu cho thấy tính an toàn của liệu pháp miễn dịch tự thân tế bào NK/gdT trong điều trị ung thư phổi.

Với kết quả trên, nghiên cứu thực hiện 10 bệnh nhân ung thư phổi sử dụng liệu pháp miễn dịch tự thân tế bào NK hoặc gdT bước đầu cho thấy tính an toàn cao. Các bệnh nhân chỉ gặp những biến cố bất lợi nhẹ, thoáng qua và không cần can thiệp. Một số biến cố bất lợi ít gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, tiêu chảy, táo bón, đau cơ khớp, giảm nhẹ bạch cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 172, Số 11 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ