SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng rối loạn cương dương ở người bệnh rối loạn trầm cảm tái diễn

[23/05/2024 08:47]

Rối loạn cương dương là rối loạn chức năng tình dục ở nam giới có liên quan với rối loạn trầm cảm, vì vậy các tác giả Vũ Văn Hoài - Bệnh viện Bạch Mai và Nguyễn Văn Tuấn - Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn cương dương ở người bệnh rối loạn trầm cảm tái diễn điều trị ngoại trú.

Rối loạn trầm cảm tái diễn được đặc trưng bởi các giai đoạn trầm cảm lặp đi lặp lại và không có bất kỳ tiền sử về giai đoạn tăng khí sắc và tăng năng lượng độc lập (hưng cảm). Tỉ lệ mắc trầm cảm đang ngày càng gia tăng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên toàn thế giới ước tính có 300 triệu người mắc trầm cảm, tương đương với 4,4% dân số. Các giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần với các biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể bao gồm các rối loạn chức năng tình dục.

Rối loạn cương dương được định nghĩa là không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cứng của dương vật đủ để thỏa mãn quan hệ tình dục. Tỉ lệ mắc rối loạn cương dương trên toàn cầu là 3 - 76,5% và tăng lên theo tuổi, gây ra nhiều hậu quả làm giảm năng suất làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh và bạn tình. Rối loạn cương dương thường gặp ở nam giới mắc trầm cảm. Tác giả Shiri và cộng sự (2007) đã báo cáo có tới 42% người bệnh trầm cảm mắc rối loạn cương dương. Liu và cộng sự (2018) cũng đã chứng minh nguy cơ mắc rối loạn cương dương tăng 39% ở người bệnh trầm cảm và tỉ lệ mắc rối loạn cương dương ở người bệnh trầm cảm cao hơn 1,39 lần so với những người không mắc trầm cảm. Rối loạn cương dương làm tăng nguy cơ cũng như làm nặng lên các triệu chứng trầm cảm, chính trầm cảm hay các thuốc chống trầm cảm cũng là nguy cơ gây ra rối loạn cương dương, mối quan hệ hai chiều này đang ngày càng được nghiên cứu rộng rãi. Trong thực hành lâm sàng, việc nắm được những đặc điểm rối loạn cương dương ở người bệnh có thể giúp các bác sĩ lâm sàng có kế hoạch điều trị phù hợp với mỗi người bệnh.

Các tác giả đã nghiên cứu trên 103 người bệnh được chẩn đoán rối loạn trầm cảm tái diễn theo tiêu chuẩn ICD-10 (1992) điều trị ngoại trú tại Phòng khám chuyên khoa Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 08/2022 đến tháng 08/2023. Các số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0 và sử dụng các thuật toán mô tả tính giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, tỉ lệ.

Kết quả cho thấy: tuổi trung bình là 39,5 ± 14,99 tuổi, phần lớn đối tượng nghiên cứu < 40 tuổi (59,2%). Có 57,3% người bệnh có rối loạn cương dương, trong đó mức độ vừa chiếm tỉ lệ cao nhất (39,0%), thường diễn biến trên 1 năm (64,4%). Trong số những người bệnh rối loạn cương dương, đa số người bệnh “đôi khi” cương cứng dương vật một phần hoặc hoàn toàn khi bị kích thích tình dục bằng bất kỳ hình thức nào (50,7%), phần lớn người bệnh “đôi khi” có thể cương cứng dương vật  đủ để quan hệ tình dục (47,5%), hay thâm nhập vào đối tác khi cố gắng quan hệ tình dục, và cương cứng đạt yêu cầu khi cố gắng quan hệ tình dục (theo quan điểm của người bệnh) (42,4%); và có gần một nửa số người bệnh khó khăn trong duy trì sự cương cứng để hoàn thành quan hệ tình dục ở mức độ “hơi khó” (45,8%).

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 172 Số 11 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài