SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số yếu tố liên quan đến rối loạn nhịp tim trong viêm cơ tim cấp ở trẻ em

[23/05/2024 09:40]

Tác giả Đặng Thị Hải Vân - Trường Đại học Y Hà Nội và các cộng sự tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu xác định tỉ lệ các loại rối loạn nhịp tim và phân tích một số yếu tố liên quan đến rối loạn nhịp tim ở trẻ viêm cơ tim cấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2018 - 2023.

Viêm cơ tim cấp là tình trạng cơ tim bị viêm cấp tính do nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là do virus. Biểu hiện lâm sàng của viêm cơ tim rất đa dạng, từ không có biểu hiện lâm sàng đến bệnh cảnh cấp tính và nặng. Tình trạng nặng trong giai đoạn cấp do hoại tử tế bào cơ tim làm giảm khả năng co bóp có thể gây nên bệnh cảnh nguy kịch như sốc tim, rối loạn nhịp, thậm chí ngừng tuần hoàn dẫn đến tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện điều trị kịp thời thì chức năng tim có thể hồi phục, một số ít trường hợp tiến triển thành bệnh cơ tim giãn. Các rối loạn nhịp tim thường xuất hiện ở bệnh nhân viêm cơ tim, đặc biệt trong giai đoạn cấp. Nghiên cứu của Cathlen R.Pruitt (2021) có 34,8% bệnh nhân viêm cơ tim cấp xuất hiện rối loạn nhịp, trong đó nhịp nhanh thất (73,9%), nhịp nhanh kịch phát trên thất (13%), rung thất (8,6%), block nhĩ thất hoàn toàn (4,3%). Chính những rối loạn nhịp ác tính làm cho bệnh trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ không có bệnh tim cấu trúc trước đó.

Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 118 trẻ viêm cơ tim cấp được thực hiện nhằm xác định tỉ lệ rối loạn nhịp tim và phân tích một số yếu tố liên quan đến rối loạn nhịp xảy ra ở trẻ viêm cơ tim cấp được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 5 năm, từ 2018 đến 2023.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 8,1 ± 4,8 tuổi (từ 12 ngày tuổi đến 18 tuổi). Nhóm trẻ trên 6 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (72,0%). Tỉ lệ xuất hiện rối loạn nhịp tim là 46,6%, thường gặp ở nữ giới (61,8%). Loại rối loạn nhịp tim hay gặp nhất là nhịp nhanh thất (58,2%) và block nhĩ thất hoàn toàn (47,3%). Thời điểm xuất hiện rối loạn nhịp trung bình là 3,4 ± 1,2 ngày. Tỉ lệ trẻ xuất hiện một loại rối loạn nhịp tim là 56,4%, hai loại là 23,6% và ba loại là 20,0%. Phân tích hồi quy đa biến cho thấy biến đổi điện tâm đồ gồm ST chênh và điện thế thấp, tăng lactat, hạ kali máu là yếu tố nguy cơ độc lập của sự xuất hiện rối loạn nhịp ở trẻ viêm cơ tim cấp.

Với kết quả trên, các tác giả nghiên cứu cho thấy khoảng gần một nửa số bệnh nhân viêm cơ tim cấp xuất hiện rối loạn nhịp tim trong giai đoạn cấp. Đặc biệt rối loạn nhịp thất và block dẫn truyền nhĩ thất chiếm đa số. Cần cảnh giác sự xuất hiện rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân có biến đổi điện tâm đồ ST chênh và điện thế thấp khi nhập viện. Phát hiện kịp thời và điều trị rối loạn nhịp tim là một phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân viêm cơ tim cấp.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 172 Số 11 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài