Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan ở người bệnh đang điều trị lao đa kháng thuốc tại Việt Nam
Người bệnh lao đa kháng phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở cả hai khía cạnh thể chất và tinh thần. Nghiên cứu thực hiện bởi Nguyễn Vũ Anh Thư và Ngô Thị Thuỳ Dung - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhằm xác định điểm trung bình chất lượng cuộc sống sau 6 tháng điều trị và một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người bệnh lao đa kháng thuốc tại các cơ sở y tế trong Chương trình Quản lý Lao kháng thuốc tại Việt Nam.
Trên toàn thế giới, bệnh lao vẫn là là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, và là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu vào năm 2021 ước tính có khoảng 10,6 triệu người bị bệnh lao và 1,6 triệu người đã tử vong do lao.1 Ứớc tính có khoảng 450.000 trường hợp đã mắc và 191.000 người tử vong do lao kháng Rifampicin và kháng đa thuốc. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 trong 3 người mắc lao kháng thuốc được điều trị.1 Việt Nam hiện vẫn nằm trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 170.000 ca lao mắc mới mỗi năm (176/100.000). Trong đó, tỉ lệ kháng đa thuốc trong người bệnh mới là 3,6%, trong nhóm điều trị lại khoảng 17%. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức khoảng 70% với người bệnh lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với người bệnh lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Bệnh lao ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe và hạnh phúc của người bệnh, bao gồm cả thể chất, tâm lý, tài chính và xã hội. Sự phức tạp của phác đồ điều trị và thời gian điều trị kéo dài, tỉ lệ biến cố bất lợi cao, sự kỳ thị và những khó khăn trong cuộc sống gia đình, khả năng sinh sản và việc làm dẫn đến chất lượng cuộc sống (CLCS) của người bệnh bị suy giảm, đặc biệt ở những người mắc lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Sự suy giảm chất lượng cuộc sống có thể dẫn đến kết quả điều trị kém, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do lao và tác động tiêu cực đến việc kiểm soát bệnh.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, người bệnh lao có chất lượng cuộc sống kém hơn so với những người khỏe mạnh và sự suy giảm chất lượng cuộc sống ở người bệnh lao đa kháng thuốc kém hơn so với người bệnh lao nhạy cảm với thuốc. Tại Việt Nam, các nghiên cứu đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh lao đa kháng còn hạn chế. Vào năm 2020, nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng “Ứng dụng công nghệ mới mHealth nhằm tăng cường quản lý lao đa kháng thuốc tại Việt Nam: nghiên cứu V-SMART” được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp can thiệp sử dụng kỹ thuật số “mHealth” trong việc hỗ trợ quản lý biến cố bất lợi ở trên người bệnh lao đa kháng thuốc thuộc Chương trình Quản lý Lao kháng thuốc ở Việt Nam. Chất lượng cuộc sống là một trong những khía cạnh được đánh giá trong nghiên cứu V-SMART. Nghiên cứu của các tác giả đã sử dụng một phần số liệu từ nghiên cứu V-SMART với mục tiêu “Xác định điểm trung bình chất lượng cuộc sống sau 6 tháng điều trị và một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người bệnh lao đa kháng thuốc tại các cơ sở y tế trong Chương trình Quản lý Lao kháng thuốc tại Việt Nam”, các tác giả hy vọng rằng việc đánh giá chất lượng cuộc sống ở giai đoạn 6 tháng sau điều trị góp phần cho thấy tác động của điều trị bệnh lao đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như tìm hiểu các yếu tố có thể giúp tăng cường chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần tăng hiệu quả của điều trị.
Nghiên cứu V-SMART được thực hiện tại các cơ sở y tế trong Chương trình Quản lý Lao kháng thuốc trên 07 tỉnh, bao gồm các thành phố có tỷ lệ mắc lao đa kháng cao nhất (Hà Nội và Hồ Chí Minh) và 5 tỉnh khác (An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, và Tiền Giang). Nghiên cứu V-SMART tiến hành thu thập số liệu từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2023.
Chất lượng cuộc sống được đánh giá bằng bộ câu hỏi SF-36 phiên bản 2.0. Kết quả cho thấy, điểm trung bình chất lượng cuộc sống sau 6 tháng điều trị ở khía cạnh thể chất là 44,2 ± 10,5 thấp hơn so với quần thể bình thường và khía cạnh tinh thần là 49,8 ± 11,4 tương đương với quần thể bình thường. Điểm mạnh trong nghiên cứu là sử dụng thang đo chuẩn hoá, có độ tin cậy và tính giá trị cao. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu cắt ngang nên không suy luận được mối liên quan nhân quả và nghiên cứu chưa có nhóm chứng để so sánh. Ngoài ra, nghiên cứu này chưa có sự so sánh về chất lượng cuộc sống giữa các nhóm người bệnh điều trị các phác đồ khác nhau và chưa đi sâu vào phân tích tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh.
Sau khi phân tích đa biến, người bệnh trẻ tuổi, nam giới, trình độ học vấn trung học phổ thông và trung học cơ sở có điểm chất lượng cuộc sống sau 6 tháng điều trị khía cạnh thể chất cao hơn người bệnh lớn tuổi, nữ giới, trình độ học vấn chưa tốt nghiệp tiểu học. Người bệnh sống với người khác có điểm trung bình chất lượng cuộc sống ở khía cạnh tinh thần cao hơn nhóm sống một mình. Do đó, trong điều trị lao đa kháng không chỉ tập trung vào điều trị bệnh mà còn tập trung vào theo dõi tác dụng phụ của thuốc, kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng nhằm cải thiện sức khoẻ thể chất của người bệnh.
Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 172, Số 11 (2023)