Thực trạng sảng ở bệnh nhân thở máy và một số yếu tố liên quan
Bệnh nhân sảng có thời gian nằm viện lâu hơn, tỷ lệ tử vong sau 6 tháng cao hơn bệnh nhân không sảng. Xác định, điều trị và phòng ngừa sảng ngày càng được coi là ưu tiên chính trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện bệnh nhân điều trị hồi sức tích cực vì nó là một biến chứng thường xuyên xảy ra, có thể lên đến 80% ở nhóm bệnh nhân phải thở máy. Để bổ sung vào nguồn dữ liệu về sảng ở Việt Nam, tác giả Đinh Thị Thanh Huệ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các cộng sự tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Sức khỏe Tâm thần thực hiện nghiên cứu với 2 mục tiêu: mô tả thực trạng sảng ở bệnh nhân thở máy và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tình trạng sảng ở nhóm bệnh nhân này.
Ảnh minh họa
Sảng (Derilium) được định nghĩa như một thay đổi cấp tính trong chức năng nhận thức toàn thể gây tác động đến sự tập trung, thức tỉnh, định hướng hoặc nhận thức. Nhận biết sảng có vai trò quan trọng trong lâm sàng vì nó là một biến chứng thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân tại đơn vị hồi sức tích cực (ICU), mặc dù tỷ lệ của nó khác nhau trong các nghiên cứu. Sảng là một yếu tố dự báo không chỉ cho việc tăng tỷ lệ tử vong mà còn cho sự tăng thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ đặt lại ống nội khí quản, tăng nguy cơ suy giảm nhận thức lâu dài và tăng nguy cơ chuyển viện đến các cơ sở chăm sóc dài hạn. Trong đơn vị hồi sức tích cực, sảng ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian sống sau 6 tháng, thời gian bệnh nhân cai thở máy, đồng thời góp phần tăng viêm phổi bệnh viện và tăng thời gian nằm viện. Vì không có một xét nghiệm đặc hiệu nào có thể chẩn đoán được sảng nên việc chẩn đoán sảng dựa vào các dấu hiệu lâm sàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các công cụ sàng lọc đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện (nhận biết) các dấu hiệu sớm của sảng và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
Các tác giả đã thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang 34/84 bệnh nhân thở máy thỏa mãn điều kiện được đưa vào nghiên cứu trong 6 tháng (từ 03 đến 08/2022) tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Khi có số liệu thì được làm sạch và nhập bằng excel, phân tích bằng Stata14; sử dụng các phép thống kê mô tả: tỷ lệ phần trăm, trung bình, SD. Sử dụng các phép kiểm định khi bình phương, T-test và sử dụng mô hình phân tích hồi quy đơn biến để xác định mối liên quan.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sảng trong nghiên cứu là rất cao (61,76%), chủ yếu là sảng giảm động (66,67%) và sảng tăng động là (33,33%); trung bình thời gian từ khi vào viện tới khi bị sảng là 12,19 ± 12,76 ngày; thời gian từ khi vào ICU tới khi bị sảng 6,14 ± 6,41 ngày; thời gian BN sảng nằm tại ICU trung bình khá cao (13,88 ± 8,42 ngày). Bệnh lý chính của các bệnh nhân có sảng hay gặp nhất là nhiễm trùng (42,86%). Đặc điểm nhân khẩu học, tình trạng bệnh lý không liên quan tới sảng. Điểm SOFA, số ngày sử dụng thuốc an thần có liên quan tới sảng với p < 0,05 và tỷ suất chênh lần lượt là OR = 1,42 (95%CI: 1,03 - 1,95) và OR = 1,56 (95%CI: 1,09 - 2,24). Tỷ lệ bệnh nhân thở máy bị sảng sảng chiếm tỷ lệ cao đặc biệt ở những bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dài ngày, do đó cần đánh giá và theo dõi chặt tình trạng sảng ở những bệnh nhân này. Đặc biệt việc quản lý đau không tốt và rối loạn chu kỳ ngủ thức của bệnh nhân cũng làm tăng tỷ lệ mắc sảng ở bệnh nhân ICU. Ngoài ra, những bệnh nhân bị sảng cần phải theo dõi và đánh giá điểm SOFA của bệnh nhân để có can thiệp và xử trí kịp thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 171 Số 10 (2023)