Đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán vi nấm gây bệnh trên da bằng phương pháp soi trực tiếp và nuôi cấy định danh ở bệnh nhân đến xét nghiệm tại Bệnh Viện Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ
Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ nhiễm nấm da bằng phương pháp soi trực tiếp và nuôi cấy định danh, Mô tả một số đặc điểm lâm sàng và yếu tố liên quan nhiễm nấm da.
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm nấm da trên bệnh nhân nghi nhiễm là 42,4% - 56,5%. Đa số các khuyến cáo cần làm xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của nấm trước khi đưa ra các biện pháp điều trị kháng nấm bởi vì chẩn đoán nhiễm nấm trên lâm sàng có thể không chính xác dẫn tới hiệu quả điều trị thấp. Bệnh nấm da là bệnh nhiễm nấm chỉ xâm nhập vào tổ chức sừng: lớp sừng thượng bì, nang lông, lông, tóc và móng. Tuy không gây tử vong nhưng khi bị nhiễm nấm, người bệnh có cảm giác ngứa, khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt. Bệnh nấm da do nhiều loại nấm khác nhau gây ra được chia thành 2 nhóm chính là nấm sợi với 3 chủng là Trichophyton sp, Microsporum sp, Epidermophyton sp và nấm men Candida sp và Malassezia.
Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân có sang thương tại da đến khám và xét nghiệm Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong thời gian từ tháng 06/2022 đến tháng 5/2023.
Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.
Nội dung nghiên cứu: Xác định tỷ lệ nhiễm nấm da bằng phương pháp soi trực tiếp và nuôi cấy định danh trên bệnh nhân đến khám và xét nghiệm nấm da tại Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ. Mô tả đặc điểm lâm sàng nhiễm nấm da, phân tích các yếu tố liên quan đến nhiễm nấm da như: yếu tố cơ địa, yếu tố tiếp xúc.
Tỷ lệ nhiễm nấm da xác định bằng phương pháp soi trực tiếp là 53,8%, bằng nuôi cấy là 55,9 %. Mức độ tương đồng giữa xét nghiệm soi trực tiếp với nuôi cấy cao, hệ số Kappa 95,8%. Loài nấm gây bệnh cao nhất là Candida albicans 16,1% và Candida tropicalis 13,3%, thấp nhất là Trichophyton mentagrophytes 0,7%. Triệu chứng lâm sàng phổ biến là ngứa 93,75%. Vị trí tổn thương thường gặp là mặt cổ 31,25% và thân mình 31,25%. Tổn thương da gồm sẩn da 60%, vảy da 50% và có ranh giới tổn thương giữa da lành và da bệnh 30%. Có mối liên quan giữa nhiễm nấm da và các yếu tố như ra nhiều mồ hôi, tình trạng da dầu, sống tập thể, dùng chung khăn và sử dụng thuốc Corticoid (p<0,05).
Nhiễm nấm da xác định bằng 2 phương pháp soi trực tiếp và nuôi cấy là 80/143 trường hợp chiếm 55,9%. Đa số bệnh nhân có triệu chứng ngứa 93,75%. Vị trí tổn thương da thường gặp là mặt cổ và thân mình chiếm tỷ lệ lần lượt là 31,25%. Có mối liên quan giữa ra nhiều mồ hôi, tình trạng da dầu, môi trường sống tập thể, dùng chung khăn và sử dụng corticoid với nhiễm nấm da (p < 0,05).
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024