Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến bệnh ghẻ tại Bệnh Viện Da Liễu Thành Phố Cần Thơ
Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng và xác định một số yếu tố liên quan đến bệnh ghẻ tại Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ năm 2022-2023.
Bệnh ghẻ xuất hiện với đặc điểm lâm sàng đa dạng, triệu chứng cơ năng khó chịu nhất là ngứa nhiều về đêm, một người trong gia đình mắc bệnh khả năng cao các thành viên sống chung cũng có triệu chứng ngứa tương tự; triệu chứng về thương tổn như sẩn, mụn nước, vết trầy sướt thường xuất hiện tuỳ theo độ tuổi mắc bệnh, rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác. Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo chăn màn, chiếu chăn dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề cho bệnh nhân như: nhiễm trùng, chàm hoá, viêm cầu thận cấp [3]. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng hơn 200 triệu người mắc bệnh. Theo một số tài liệu, ước tính tỷ lệ mắc bệnh ghẻ trong những năm gần đây khoảng từ 0,2% đến 71% [4]. Bệnh ghẻ lưu hành ở nhiều vùng nhiệt đới nghèo tài nguyên, với tỷ lệ mắc bệnh trung bình ước tính là 5-10% ở trẻ em.
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ghẻ điều trị tại Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ từ tháng 05/2022 đến tháng 05/2023.
Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện phù hợp với đối tượng nghiên cứu.
Nội dung nghiên cứu: Đặc điểm lâm sàng: thời gian mắc bệnh, thương tổn da, vị trí thương tổn, thể lâm sàng bệnh ghẻ, triệu chứng ngứa. Một số yếu tố liên quan: mối liên quan giữa nhóm tuổi và thời gian mắc bệnh, mối liên quan giữa nghề nghiệp và thời gian mắc bệnh, mối liên quan giữa thể lâm sàng và nhóm tuổi, mối liên quan giữa thể lâm sàng và triệu chứng ngứa, mối liên quan giữa thời gian mắc bệnh và triệu chứng ngứa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thể ghẻ thông thường chiếm 69,5%, ghẻ bội nhiễm chiếm 24,4% và 6,1% ghẻ chàm hóa. Triệu chứng ngứa ở bệnh nhân mắc bệnh ghẻ trong đó ngứa nhiều về đêm chiếm 100%, có nhiều người cùng ngứa chiếm 15,9% và triệu chứng ngứa cả ngày lẫn đêm là 6,1%. Thương tổn da hay gặp nhất là sẩn hồng ban 84,1%, rảnh ghẻ 59,8%, mụn nước 51,1%. Vị trí thương tổn hay gặp nhất là vùng cẳng tay 72%, kẽ ngón tay và lòng bàn tay 65,9%, vị trí bụng và quanh thắt lưng 58,5%. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ghẻ từ 1 đến 3 tháng ở nhóm tuổi ≥60 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân mắc ghẻ thông thường có triệu chứng ngứa nhiều về đêm và có nhiều người cùng ngứa lần lượt là 64,6% và 4,9%, cao hơn so với tỷ lệ bệnh nhân mắc ghẻ thông thường có triệu chứng ngứa cả ngày và đêm.
Bệnh thường gặp ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người ≥60 tuổi với thể lâm sàng là ghẻ thông thường xuất hiện với tần suất cao, thời gian mắc bệnh thường kéo dài từ 1 tháng đến 3 tháng với các thương tổn ở da như: sẩn hồng ban, rãnh ghẻ thường xuất hiện ở vùng cẳng tay và cánh tay cùng với các triệu chứng ngứa về đêm, ngứa cả ngày lẫn đêm khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Triệu chứng ngứa ở bệnh nhân mắc bệnh ghẻ trong đó ngứa nhiều về đêm chiếm 100%, có nhiều người cùng ngứa chiếm 15,9% và triệu chứng ngứa cả ngày lẫn đêm là 6,1%. Qua nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa nhóm tuổi với thời gian mắc bệnh và thể lâm sàng của bệnh ghẻ.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024