SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sử dụng cây lục bình (Eichhornia crassipes (Mart) Solms) làm giá thể trồng nấm sò trắng (Pleurotus pulmonarius (Fr.) Quél.) tại Thừa Thiên Huế

[25/05/2024 08:25]

Cây lục bình hay còn gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản, bèo sen (Eichhornia crassipes (Mart) Solms) thuộc họ bèo lục bình (Pontederiaceae), có nguồn gốc ở Châu Mỹ (Brazin). Những năm gần đây, cây lục bình được xem như cỏ dại, sống trôi nỗi trên sông, rạch, ao, hồ, cản trở tàu thuyền lưu thông, ngăn cản nước chảy….

Thực vật cấu tạo là cellulose có thể sử dụng làm nguyên liệu trồng nấm. Thân lá tươi cây lục bình chứa 92,6% nước, protein  2,9%, carbonhydrat 0,9%, cellulose 22%, khoáng tổng số 1,4%, trong đó calcium 40,8 mg%,  phosphus 0,8 mg%, về vitamin có carotene 0,66 mg%, vitamin C 20 mg%. Thân lá lục bình phơi khô cũng cung cấp lượng dinh dưỡng cho nấm phát triển tương đương với rơm.

Việc sử dụng cây lục bình để trồng nấm đã được sử dụng ở một số nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam cây lục bình được dùng làm giá  thể để trồng nấm rơm vì giá thể làm bằng cây lục bình có khả năng giữ được độ ẩm lâu, giảm công tưới, tốn ít meo nấm hơn, đem lại chất lượng nấm ngon và giòn hơn so với nấm rơm truyền thống mà lại giàu dinh dưỡng, không chứa độc tố. Sử dụng cây lục bình làm giá thể sản xuất nấm rơm đã cho năng suất tương đương với nguyên liệu rơm. Khi so sánh năng suất và hiệu quả trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm và rơm phối trộn với cây lục bình vụ đông xuân 2014 - 2015 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho thấy năng suất trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm phối trộn với cây lục bình cao hơn so với năng suất trồng nấm rơm hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm. Năng suất trung bình ở công thức 1/3 rơm và 2/3 lục bình đạt 1,81 kg/mét mô, cao gấp 3 lần so với công thức 100% rơm chỉ đạt 0,64 kg/mét mô. Trồng nấm trên giá thể lục bình cho thấy năng suất nấm cao gấp 4 lần trồng trên rơm, rạ bởi rễ lục bình có đến 16 dưỡng chất cần thiết cung cấp cho cây trồng.

Ở Namibia, Châu Phi sử dụng cây lục bình trong chương trình xóa đói giảm nghèo và các trang trại sản xuất nấm bào ngư, 100 kg cây lục bình khô cho 24 kg nấm bào ngư. Ở Thái Lan cây  lục bình làm  giá  thể  trồng  nấm  bào  ngư  năng  suất nấm đạt 20,3% tổng lượng cây lục bình khô. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc sử dụng cây lục bình để trồng nấm sò chưa được nghiên cứu nhiều. Vì vậy việc  sử dụng cây lục bình (E. crassipes) làm giá thể để trồng nấm sò trắng (Pleurotus pulmonarius) nhằm bổ sung nguồn nguyên liệu trồng nấm tại Thừa Thiên Huế là việc làm cần thiết.

1. Đối tượng và vật liệu nghiên cứu

Thí nghiệm được tiến hành với giống nấm sò trắng (Pleurotus  pulmonarius (Fr.) Quél.), được cung cấp tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nấm, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Vật liệu nghiên cứu gồm mùn cưa cao su, cám gạo, bột ngô, đường glucose; cây lục bình (Eichhornia crassipes (Mart) Solms);  các chất phụ gia cám gạo, bột ngô, CaCO3

Cây lục bình tươi được thu thập từ hồ Tịnh Tâm, thành phố Huế. Tiến hành loại bỏ rễ, rửa sạch, cắt khúc 3 - 5 cm, phơi khô, bổ sung 2% vôi, tạo ẩm bằng nước sạch và ủ đống. Sau 3 ngày, tiến hành đảo đống lần 1, ủ tiếp 3 ngày, đảo lần 2. Nguyên tắc đảo là hoán vị nguyên liệu, lúc đảo nén vừa phải và dùng bạt phủ lại như cũ. Thời gian ủ 7 ngày đối với cây  lục  bình. Trong khi đảo, chỉnh độ ẩm khoảng (65 - 70%). Nếu quá ẩm hoặc quá khô cần điều chỉnh bằng cách phơi hoặc thêm nước, ủ lại 1 -  2 ngày sau đó tiến hành trộn giá thể và hấp khử trùng. Đối với mùn cưa sàng mịn trước khi ủ, và quy trình ủ giống quy trình ủ cây lục bình.

2. Nội dung nghiên cứu

Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế của nấm sò trắng trên nguyên liệu mùn cưa cao su với tỷ lệ phối trộn nguyên liệu cây lục bình khác nhau. Đồng thời, phân tích hàm lượng của một số kim loại trong giá thể cây lục bình và quả thể nấm sò trắng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB) với 3 lần nhắc lại, mỗi công thức với số lượng 15 bịch. Tổng số ô thí nghiệm cơ sở là 15 ô, số bịch là 75 với thành phần phối trộn và công thức thí nghiệm.

* Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi

Thời gian phủ kín nguyên liệu (ngày): Tính từ khi cấy giống cho đến khi tơ nấm ăn vào nguyên liệu và phủ  kín bịch nấm. Thời gian xuất hiện quả thể (ngày): Tính từ khi cấy giống đến lúc xuất hiện mầm quả thể. Thời gian quả  thể  trưởng thành và thu hái (ngày): Tính từ khi cấy giống đến lúc quả thể trưởng thành thu hái được. Kích thước quả thể nấm sò (cm): Dùng thước chia vạch để đo chiều dài và rộng của quả thể. Khối lượng quả thể (g/cụm quả thể) cân bằng cân điện tử. Năng suất (kg nấm tươi/ tấn nguyên liệu khô) là tổng các lần thu. Hiệu quả kinh tế (lãi ròng) là hiệu số của tổng thu và tổng chi. Tỷ suất lợi nhuận (tổng thu/ tổng chi).

* Phương pháp phân tích nguyên liệu cây Lục Bình và quả thể nấm

Phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu cây lục bình tại Trung tâm Kỹ thuậtTiêu chuẩn Đo lường chất lượng Thừa Thiên Huế:  Sử dụng phương pháp đo phổ hấp thu nguyên tử kỹ thuật lò graphite sau khi tro hóa khô (TCVN 10643:2014). Cây lục bình sau ủ, tiến hành lấy mẫu ở các vị trí khác nhau của đống ủ, sau đó trộn đều, trãi ra khay và tiếp tục lấy mẫu theo 5 điểm chéo gốc.

Phân tích hàm lượng kim loại nặng trong mẫu quả thể nấm sò tại Bộ môn Khoa học đất và  Môi trường, Viện Khoa học kỹthuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ: Mẫu thu được của từng công thức, làm sạch gốc, xé nhỏ, trộn đều, trãi  ra khay và lấy mẫu theo 5 điểm chéo gốc. Công  phá mẫu bằng hỗn hợp HNO3 và HCl, xác định Pb và Cd trong dung dịch bằng máy quang phổ hấp thu nguyên tử theo tiêu chuẩn: TCVN 6649-2000 và TCVN 6496-2009.

* Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu thu thập được xử lý bằng Excel 2007 và phần mềm Statistic 10.0 với các chỉ tiêu như giá trị trung bình, phân tích ANOVA 1 nhân tố, so sánh  giá trị  LSD0,05 của các công thức thí nghiệm và sai số chuẩn (SE).

4. Kết luận

Hàm lượng Pb và Cd trong cây lục bình là 1,09 mg/kg và 0,06 mg/kg đảm bảo dinh dưỡng và an toàn trong sử dụng làm giá thể trồng nấm. Sử dụng Công thức II với tỷ lệ phối trộn:  25% cây lục bình + 64% mùn cưa + 5% cám gạo + 5% bột ngô + 1% CaCO3 để trồng nấm sò cho kết quả khả quan nhất về thời gian sinh trưởng và phát triển 53,2 ngày, năng suất  đạt 36,44% và hiệu quả kinh tế đạt 4,547 triệu đồng/1 tấn nguyên liệu so với các Công thức có tỷ lệ phối trộn cây lục bình khác. Hàm lượng Pb trong quả thể nấm sò dao động từ  0,01  -  0,24 mg/kg nấm tươi và hàm lượng Cd dao động từ 0,02 - 0,19 mg/kg nấm tươi, so với quy chuẩn QCVN 8-2: 2011/BYT đều nằm trong ngưỡng an toàn.

Có thể sử dụng cây lục bình với tỷ lệ phối trộn 25% trên mùn cưa cao su để trồng nấm sò trắng nhằm bổ sung nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương cho người dân trồng nấm.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 6, số 3, năm 2022)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài