Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng đạm và kali đến cây nghệ vàng (CURCUMA LONGA L.) tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Cây nghệ vàng (Curcuma longa L.) thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Đây là cây gia vị, cây dược liệu truyền thống ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hoạt chất sinh học curcumin và tinh dầu nghệ là thành phần quan trọng nhất trong củ nghệ vàng có khả năng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh phổ biến hiện nay, góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Cây nghệ vàng rất dễ trồng, không tốn quá nhiều thời gian và công sức như các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, để cây nghệ vàng cho năng suất cao thì cần phải thực hiện đúng các kỹ thuật cơ bản.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhu cầu sử dụng curcumin trong các lĩnh vực y tế và chăm sóc sắc đẹp, cả cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, ước tính khoảng 100 tấn/năm. Trong khi đó, năng lực cung cấp nội địa chưa thể đáp ứng được nhu cầu đó. Hơn nữa, cây nghệ vàng rất có tiềm năng tại Việt Nam đang chưa được khai thác đúng mức. Hiệu quả kinh tế của cây nghệ vàng được dự báo là cao gấp từ 6 - 7 lần so với trồng lúa. Do đó, mục tiêu đưa cây nghệ vàng trở thành cây trồng chính tại Việt Nam, qua đó tăng thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho đông đảo nông dân địa phương. Ngoài ra, giúp sản xuất ra nhiều nguyên liệu hữu cơ chất lượng cao và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho chiết xuất curcumin, sản xuất thực phẩm chức năng và các sản phẩm giá trị cao khác từ cây nghệ vàng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cây nghệ vàng chủ yếu được trồng nhỏ lẻ tại các nông hộ ở Thừa Thiên Huế để tự cung tự cấp, số ít bán ra thị trường. Tuy nhiên, do diện tích trồng rất ít nên chưa đủ trở thành hàng hóa có giá trị cung ứng cho thị trường. Về lý luận, nghệ là cây ưa sáng nhưng có khả năng chịu bóng do đó dễ dàng linh hoạt bố trí vào các vườn tạp giúp tăng hệ số sử dụng đất ở nông hộ. Hiện nay, sản xuất nghệ trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo tập quán truyền thống, chưa khai thác hết tiềm năng năng suất và hiệu quả kinh tế. Do vậy, việc nghiên cứu để đưa ra liều lượng đạm và kali phù hơp cho cây nghệ góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất là rất cần thiết.
1. Đối tượng nghiên cứu
Giống nghệ vàng (Curcuma longa L.); phân kali clorua, phân đạm urê.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm gồm 3 công thức (CT):CTI: 200 kg N + 30 kg K2O; CTII: 230 kg N + 60 kg K2O; CTIII: 260 kg N + 90 kg K2O; Đối chứng (ĐC): bón theo nông dân (không bón N, K2O). Trong đó nền phân bón: 2 tấn HCVS + 500 kg vôi + 160 kg P2O5, mỗi ô thí nghiệm 15 m2, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD) 3 lần lặp lại. Được thực hiện ở đất đỏ vàng trên đá macma axít (Ferralic Acrisols). Biện pháp kỹ thuật áp dụng cho cây nghệ theo Lê Khả Tường.
Xác định các chỉ tiêu nghiên cứu:
Chiều cao cây (cm) đo từ mặt đất đến đỉnh sinh trưởng; tổng số lá: đếm số lá trên cây; diện tích lá (LA: Leaf Area) = chiều dài lá x Chiều rộng lá × 0,75 × Số lá trên cây (m2 lá/cây) theo Montgomery; chỉ số diện tích lá (LAI: Leaf Area Index) = LA bình quân/cây × số cây/m2 đất (m2 lá/m2đất); đường kính củ (cm): Đo đường kính củ tại vị trí lớn nhất của củ; chiều dài củ (cm): Đo chiều dài củ tại thời điểm thu hoạch; khối lượng củ (gam): cân khối lượng 10 củ đại diện/công thức. Chỉ tiêu nông sinh học tham chiếu vào bộ tài liệu đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định cho cây họ gừng của UPOV.
Đánh giá khả năng chịu hạn trên đồng ruộng thực hiện theo phương pháp mô tả đánh giá cây họ gừng của Trung tâm Tài nguyên thực vật. Đánh giá sâu bệnh trên đồng ruộng theo: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều tra phát hiện dịch hại cây trồng” (QCVN 01-382010/BNNPTNT, 2010).
Xác định hàm lượng curcumin: theo phương pháp của Soxhlet. Xác định độ ẩm bằng phương pháp sấy khô đến khối lượng không đổi. Xác định hàm lượng tinh dầu bay hơi theo TCVN 7039:2002.
Đất trước và sau thí nghiệm được lấy ở độ sâu 5,0 - 15 cm, lấy 5 điểm chéo góc trộn lại với nhau (mỗi điểm 0,5 kg). Phân tích đất: mùn theo phương pháp Tiurin; đạm: Kjeldahl; lân tổng số: so màu quang điện, lân dễ tiêu: Oniani; kali tổng số và dễ tiêu: quang kế ngọn lửa, pHKCl: pH met. Phân tích tại trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
Xử lý số liệu: Giá trị trung bình, chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất phân tích phương sai một nhân tố (One-way ANOVA) sau đó so sánh LSD0,05, bằng phần mềm Statistic 10.0 và Excel 2019.
3. Kết luận
Tại Thừa Thiên Huế nghiên cứu đã xác định được liều lượng đạm và kali bón cho cây nghệ vàng là 200 kg N + 150 kg K2O trên nền phân bón 2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 500 kg vôi + 120 kg P2O5. Với liều lượng bón này, cây nghệ vàng có các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển đảm bảo. Năng suất thực thu và hiệu quả kinh tế đạt cao nhất tương ứng: 42,8 tấn/ha và 273,4 triệu đồng/ha.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 6, số 3, năm 2022)