Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ hai chất điều hòa sinh trưởng (IBA VÀ NAA) đến giâm hom chè vằng (Jasminum subtriplinerve Blume) tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Chè vằng (Jasminum subtriplinerve Blume) còn được gọi là chè cước man, cẩm văn, dây vắng, mỏ sẻ; là một loại thảo mộc cổ truyền của Việt Nam, thuộc chi Jasminum, họ Oleaceae. Ở Việt Nam, chi Jasminum gồm 30 loài, có tám cây có giá trị để sử dụng làm thuốc, trong đó có chè vằng.
Chè vằng mọc phân tán giữa các loại cây bụi khác ở vùng đồng bằng, trung du, vùng núi có độ cao dưới 1.500 m và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Chè vằng phân bố ở nhiều địa điểm ở Việt Nam và ở nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Myanma, Campuchia, Lào, và một số tỉnh miền nam Trung Quốc. Theo truyền thống của người Việt, chè vằng được sử dụng rộng rãi như một loại trà dưới dạng sắc thuốc hay pha nước uống và chế biến thành dạng cao rất được ưa chuộng; đặc biệt là người dân miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, chè vằng còn được sử dụng như một loại thuốc nam, bởi vì chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe của con người như alkaloid, glycoside, flavonoid.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng chè vằng rất lớn, có nhiều công ty đã quan tâm đến sản xuất cao lá chè vằng; để đáp ứng đủ cây giống chè vằng để trồng trọt thì cần phải nhân giống quy mô lớn. Đối với các phương pháp nhân giống sinh dưỡng, phương pháp giâm hom cành là đơn giản nhất; đặc biệt là đối với các loài cây trong chi Jasminum. Khả năng ra rễ của hom cành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cây mẹ, mùa giâm hom, tình trạng dinh dưỡng của hom, điều kiện khí hậu, chăm sóc. Ngoài ra, chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phần rễ và sinh trưởng phần chồi của hom cành. Trong những năm gần gây, việc nghiên cứu giâm hom cành ở các loài cây trong chi Jasminum đã thực hiện và có những kết quả nhất định, tuy nhiên nghiên cứu với cây chè vằng còn rất hạn chế.
Các nghiên cứu đã ghi nhận rộng rãi rằng hom cành được xử lý bằng các chất điều hòa sinh trưởng loại auxin cải thiện sự ra rễ ở các loài thân gỗ và bán thân gỗ. Các loại auxin khác nhau như Indole Butyric Acid (IBA), Naphthalene Acetic Acid (NAA) đã được chứng minh về thúc đẩy sự ra rễ ở hom cành của nhiều loài thực vật, có thể được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau. Các nghiên cứu cho thấy rằng, nồng độ chất ĐHST thay đổi tùy theo bản chất của cây và theo nguyên tắc chung, cây thân gỗ yêu cầu nồng độ cao hơn cây thân thảo. Khi sử dụng riêng rẽ IBA, NAA (khoảng nồng độ từ 250-1500 ppm) và sử dụng kết hợp hai chất ĐHST này để nghiên cứu giâm hom cho J. multiflorum cho thấy, hom cành giâm với IBA 500 ppm + NAA 250 ppm đạt kết quả cao nhất về hiệu quả giâm hom. Các nghiên cứu liên quan đến nhân giống chè vằng rất ít, các thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp giâm hom còn chưa đạt được kết quả toàn diện, chưa có đủ cây con cho mục tiêu phát triển cây giống đại trà. Để tạo cơ sở cho phương pháp nhân giống thích hợp cũng như cung cấp cây giống phục vụ cho hoạt động gây trồng, nghiên cứu này xác định mức độ ảnh hưởng các nồng độ IBA, NAA đến các chỉ tiêu sinh trưởng của hom chè vằng trong thời gian 3 tháng tại vườn ươm.
1. Vật liệu, hóa chất nghiên cứu
Vật liệu: Loại chè vằng ở ngoài tự nhiên vùng gò đồi ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Lựa chọn cành bánh tẻ, đường kính từ 3-5 mm, không có hoa quả, có kích thước 2,5 m tính từ phía ngọn đi xuống, lấy từ một số cây mẹ sinh trưởng tốt, không sâu bệnh.Hóa chất: Chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) thực vật gồm có IBA và NAA đã được pha chế thành dạng bột; chất diệt nấm Benlate 0,5%.
2. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ của từng chất ĐHST là IBA và NAA đến các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của cây chè vằng (Jasminum suptriplinerve Blume.,)
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên RCBD, các thí nghiệm chỉ thay đổi nồng độ của hai chất ĐHST và đồng nhất các yếu tố khác. Mỗi loại chất ĐHST được thiết kế với 4 nồng độ lần lượt là 250, 500, 750, 1000 ppm và công thức đối chứng (ĐC) không sử dụng chất điều hòa sinh trưởng; với 3 lần lặp. Mỗi lần lặp theo dõi 30 hom/30 bầu, với tổng số hom thí nghiệm là 90 hom đối với mỗi nồng độ.
3.2. Phương pháp giâm hom
Hom được cắt từ cành bánh tẻ vào buổi sáng, dùng dao sắc cắt vát góc 450 phía gốc hom, chiều dài hom từ 10-13 cm, đảm bảo ít nhất có 2 chồi ngủ, cắt bớt 2/3 diện tích lá trên hom và ngâm hom vào nước sạch, sau đó xử lý hom bằng dung dịch Benlate 0,5% trong 15 phút để diệt nấm.
Đối với các công thức thí nghiệm, các hom tiếp tục được xử lý riêng rẽ với hai loại chất ĐHST với các nồng độ khác nhau. Sau đó, nhúng phần gốc của hom giâm (khoảng 0,5-2 cm) vào các chất điều hòa sinh trưởng đã được pha chế thành dạng bột trong 5-10 giây, sau đó ấn nhẹ để loại bỏ phần dư thừa trước khi giâm hom. Tiếp theo, cắm hom vào túi bầu chứa giá thể trộn sẵn ở các ô thí nghiệm với 40% đất thịt + 40% đất cát + 20% phân vi sinh. Bầu đã được xử lý nấm trước đó 2 ngày, trước khi cắm hom phải tưới ướt đẫm giá thể, phần gốc hom được cắm ngập trong giá thể 2,5-3 cm.
Sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động và chế độ phun theo quy trình chung áp dụng giâm hom trong cùng điều kiện tại địa điểm nghiên cứu. Giai đoạn đầu giâm hom, thời gian giữa hai lần phun cách nhau 3-4 phút, mỗi lần phun 20 giây. Giai đoạn hom bắt đầu có rễ và đã có lá mới, thời gian giữa 2 lần phun cách nhau 5-7 phút, mỗi lần 20 giây. Định kỳ 10-15 ngày phá váng 1 lần, nhổ sạch cỏ. Tùy điều kiện thời tiết mà có chế độ tưới thích hợp.
4. Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi
4.1. Các chỉ tiêu
Tỷ lệ hom sống, tỷ lệ hom ra rễ, tỷ lệ hom ra chồi được tính theo công thức sau: % 100 . TL = N/Nt x 100 (1) trong đó: TL là tỷ lệ hom sống (hoặc tỷ lệ hom ra rễ hoặc tỷ lệ hom ra chồi); N là số hom sống (hoặc số hom ra rễ hoặc số hom ra chồi); Nt là tổng hom thí nghiệm (hoặc tổng hom thí nghiệm hoặc tổng số hom sống).
Tổng số chồi trên 1 hom, tổng số lá trên 1 hom, tổng số rễ trên 1 hom, được quan sát bằng mắt thường; chiều dài của chồi dài nhất trên 1 hom, chiều dài rễ trung bình trên 1 hom, được đo bằng thước thẳng chính xác đến milimet.
Chỉ số ra rễ là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh chất lượng bộ rễ của cây hom, và được tính bằng tích giữa số rễ trung bình/hom và chiều dài rễ trung bình/hom, theo công thức sau:
C = a x b (2); trong đó: a là số rễ trung bình/hom, b là chiều dài rễ trung bình/hom.
4.2. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được thu thập và xử lý trên phần mềm IBM SPSS Statistics 22, bao gồm các chỉ tiêu trung bình, phân tích phương sai 1 nhân tố (ANOVA), Duncan’ test.
5. Kết luận
Nhân giống chè vằng (Jasminum subtriplinerve Blume) bằng phương pháp giâm hom sử dụng hai chất ĐHST riêng rẽ IBA, NAA bước đầu đã thu được các kết quả khả quan. Ở các nồng độ 250, 500, 750 và 1000 ppm; tỷ lệ sống đạt 68,69-84,44% và 70,00-82,22%; tỷ lệ ra chồi đạt 90,35-99,89% và 88,89-98,59%; số chồi trung bình đạt 1,95-2,64 và 2,15-3,01; chiều dài chồi dài nhất đạt 7,77-9,60 cm và 6,08-9,62 cm; tổng số lá trên từng hom đạt 7,23-11,78 và 7,63-12,07. Đối với đặc tính của rễ, tỷ lệ ra rễ bằng tỷ lệ sống ở các công thức thí nghiệm và công thức ĐC; số rễ trung bình trên mỗi hom đạt 5,01-8,39 và 5,21-98,19; chiều dài rễ trung bình trên mỗi hom đạt 3,51-6,32 và 4,45-6,80; chỉ số ra rễ đạt 17,70-53,60 và 23,12-55,61.
Các kết quả thí nghiệm theo dõi ở ngày thứ 90 cho thấy, giá trị nồng độ chấtĐHST tối ưu cho nhân giống chè vằng là 1000 ppm IBA và 750 ppm NAA, đều đạt giá trị lớn nhất cho tất cả các chỉ tiêu theo dõi. Để hoàn thiện hơn khâu nhân giống cây chè vằng, tiếp tục nghiên cứu thêm về việc sử dụng kết hợp hai loại chất ĐHST này với các dạng xử lý khác nhau, phục vụ cho việc tập trung hóa vùng nguyên liệu chè vằng, đảm bảo nguồn nguyên liệu không bị cạn kiệt, đáp ứng cho các phần chế biến sâu từ cây chè vằng.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 6, số 3, năm 2022)