SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của LHRHa và nhiệt độ nước đến sinh sản của cá tỳ bà bướm hổ Sewellia lineolata)

[25/05/2024 09:05]

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng về phát triển cá cảnh như khí hậu thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú. Nhiều loài cá cảnh phân bố ở Việt Nam như cá Thanh ngọc (Ctenops pumilus), cá Lòng tong (Rasbora spp.), cá Xiêm (Bettasplendens), cá Mang rổ (Toxotes chatareus), cá Nóc nước ngọt (Tetraodon fluviatilis), … đã và đang được nhiều người ưa chuộng trong nuôi cảnh.

Việt Nam có 13 loài cá cảnh nước ngọt khai thác từ tự nhiên đang được kinh doanh trên thị trường, chiếm 17,8% tổng số loài cá cảnh đang kinh doanh. Hầu hết các loài cá này chủ  yếu được khai thác từ các tỉnh phía Nam.

Cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế là địa phương có tiềm năng về cá cảnh nước ngọt tự nhiên, trong đó cá Tỳ bà bướm hổ (Sewellia  lineolata) được  đánh giá là có triển vọng nuôi cảnh cao, đây là loài cá đang được khai thác từ tự nhiên phục vụ cho nhu cầu nuôi cảnh trong nước và xuất khẩu. Cá Tỳ bà bướm hổ là loài cá nước ngọt có kích thước nhỏ, phân bố ở các sông, suối đầu nguồn một số tỉnh miền Trung Việt Nam như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Tuy được ưa chuộng trong nuôi cảnh nhưng đến nay cá Tỳ bà bướm hổ vẫn chưa có nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu về loài cá này mới chỉ dừng lại ở mức độ phân loại, phân bố và một số đặc điểm sinh học. Các nghiên cứu sâu về sinh sản loài cá này chưa được ghi nhận ở Thừa Thiên Huế, Việt Nam và trên thế giới. Nghiên cứu “Ảnh hưởng của LHRHa và nhiệt độ đến sinh sản cá Tỳ bà bướm hổ (Sewellia lineolata)” sẽ góp phần xây dựng quy trình sinh sản loài cá này trong thời gian tới.

1. Nội dung

Nghiên cứu gồm 2 nội dung:

-  Nội dung 1: Ảnh hưởng của chất kích thích sinh sản LHRHa đến sinh sản cá Tỳ bà bướm hổ

-  Nội dung 2: Ảnh hưởng của nhiệt độ nước đến sinh sản cá Tỳ bà bướm hổ.

2. Địa điểm nghiên cứu

-  Đối tượng nghiên cứu: cá Tỳ bà bướm hổ (Sewellia lineolata) khai thác tại Thừa Thiên Huế.

- Địa điểm nghiên cứu:

+ Địa điểm thu mẫu: Mẫu cá Tỳ bà bướm hổ sử dụng trong nghiên cứu được khai thác trực tiếp tại các thủy vực thuộc xã Bình Điền (nay là một phần của  xã Bình Tiến), thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Địa điểm thực hiện thí nghiệm:Các thí nghiệm sinh sản được bố trí tại Khoa Thủy sản,  Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp thu và bảo quản mẫu

Cá Tỳ bà bướm hổ bố mẹ sử dụng trong nghiên cứu được khai thác bằng vợt lưới với định kỳ 2 lần/tháng. Mẫu sau khi thu được vận chuyển sống về phòng thí nghiệm Khoa Thủy  sản, Trường  Đại  học Nông Lâm, Đại học Huế để lưu giữ và triển khai các thí nghiệm bằng phương pháp vận chuyển hở (sục khí trong suốt quá trình vận chuyển).

Cá sau khi đem về phòng thí nghiệm được lựa chọn những cá thể đạt kích thước trưởng  thành và chuyển sang nuôi thuần dưỡng.

3.2.  Phương pháp kích thích sinh sản bằng LHRHa

Đến nay nghiên cứu chưa ghi nhận được công bố, thông tin nào về sinh sản nhân tạo các loài cá thuộc chi Sewellia. Vì vậy, trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu về sinh sản cá nước ngọt đã công bố, nghiên cứu đã thiết kế thí nghiệm gồm 4 mức LHRHa (Luteinizing hormone-releasing hormone analog) khác nhau  kết hợp với 10 mg DOM (Domperidone).

Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp ngẫu nhiên hoàn toàn, gồm 5 nghiệm thức, lặp lại 3 lần. Mỗi nghiệm thức gồm 60 cá thể (30 cá cái và 30 cá đực).

Đối chứng (ĐC1): Chỉ tiêm nước muối sinh lý (không tiêm LHRHa)

Nghiệm thức 1 (NT1.1): 50 µg LHRHa/kg cá + 10 mg DOM/kg cá

Nghiệm thức 2 (NT1.2): 100 µg LHRHa/kg cá + 10 mg DOM/kg cá

Nghiệm thức 3 (NT1.3): 150 µg LHRHa/kg cá + 10 mg DOM/kg cá

Nghiệm thức 4 (NT1.4): 200 µg LHRHa/kg cá + 10 mg DOM/kg cá 

Hocmon LHRHa được tiêm một lần ở gốc vây lưng. Liều tiêm cho cá đực 80 µgLHRHa/kg cá + 5 mg DOM/kg cá.

Bể đẻ của cá có kích thước 60 x 40 x 35 cm (dài x rộng x cao), nền đáy cát và sỏi. Bể được tạo dòng chảy và lọc nước. Điều kiện môi trường nước trong quá trình thực hiện.

-  Tiêu chuẩn tuyển chọn và lưu giữ cá bố mẹ: Cá Tỳ bà bướm hổ đạt kích thước sinh sản sau khi khai thác từ tự nhiên được lưu giữ và luyện làm quen với môi trường nuôi nhân tạo. Điều kiện môi trường nước bể nuôi thuần dưỡng tương tự bể đẻ. Trong 2 ngày đầu không cho cá ăn, từ ngày thứ 3 cho cá ăn bằng thức ăn công  nghiệp (Grobest No:0), với lượng bằng 5% khối lượng thân cá. Cá Tỳ bà bướm hổ cái có chiều dài toàn thân trung bình đạt 49,72  ±0,36 mm và khối lượng đạt 2,16 ± 0,05 g/cá thể; cá đực có chiều dài toàn thân trung bình đạt 55,86  ±  0,66 mm và khối lượng đạt 2,57± 0,12 g/cá thể.

3.3. Kích thích sinh sản bằng sốc nhiệt độ

Dựa vào nhiệt độ nước môi trường sống tự  nhiên của cá Tỳ bà bướm hổ, loài cá này sinh sản tập trung vào thời điểm có sự thay đổi về nhiệt độ, nghiên cứu đã thiết kế thí nghiệm nâng nhiệt độ để kích thích cá Tỳ bà bướm hổ sinh sản, cụ thể:

- Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm kích thích cá Tỳ bà bướm hổ sinh sản bằng nâng nhiệt độ được bố trí theo phương thức ngẫu nhiên hoàn toàn gồm 3 nghiệm thức, lặp lại 3 lần. Mỗi nghiệm thức gồm 60 cá thể (30 cá cái và 30 cá đực).

Đối chứng (ĐC2): Nhiệt độ  23ºC (mức nhiệt của môi trường tại thời điểm thử nghiệm)

Nghiệm thức 2.1 (NT2.1): Nhiệt độ 26ºC

Nghiệm thức 2.2 (NT2.2): Nhiệt độ 29ºC

Với nhiệt độ nước nuôi ban đầu là 23ºC, nhiệt độ sẽ được nâng lên từ từ đến 2 mức 26ºC và 29ºC bằng heater nâng nhiệt (Sundom 100W). Thời gian nâng nhiệt từ 23ºC lên 26ºC là 40 phút và lên 29ºC là 60 phút.

Bể đẻ của cá có kích thước 60 x 40 x 35 cm (dài x rộng x cao); nền đáy cát và sỏi; có sục khí và tạo dòng chảy. Ngoài nhiệt độ, các yếu tố môi trường khác trong quá trình thí nghiệm nằm trong ngưỡng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cá.

Cá Tỳ bà bướm hổ cái sử dụng trong thí nghiệm có chiều dài toàn thân trung bình 53,26  ± 2,68 mm, khối lượng trung bình 2,70 ± 0,07 g/cá thể; cá đực có chiều  dài toàn thân trung bình 53,92 ± 0,38 mm, khối lượng trung bình 2,72 ± 0,18 g/cá thể.

3.4.  Phương pháp xác định các chỉ tiêu sinh sản

Cá sau khi tiêm chất kích thích sinh sản (hoặc  nâng  nhiệt  độ) được  tiến  hành theo dõi thời gian hiệu ứng, các hoạt động sinh sản, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng. Trứng sau khi đẻ được đưa vào ấp trong các chậu nhựa có dung tích 9,6 lít (thể tích nước là 6 lít). Mật độ ấp là 100 trứng/chậu. Sử dụng sục khí nhẹ trong suốt quá trình ấp. Tỷ lệ cá đẻ trứng, tỷ lệ thụ tinh của trứng và tỷ lệ nở của trứng được tính theo các công thức sau:

Tỷ lệ cá đẻ trứng (%)= Số cá cái đẻ trứng/ Tổng số cá cái đưa vào sinh sản × 100  (1)

Tỷ lệ thụ tinh của trứng (%)= Số trứng thụ tinh/ Tổng số trứng kiểm tra × 100  (2)

Tỷ lệ nở của trứng (%)= Số cá bột/ Tổng số trứng thụ tinh × 100  (3)

3.5. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu về giá trị trung bình, độ lệch chuẩn được tính toán bằng phần mềm Microsoft Excel 2017; số liệu về so sánh sự sai  khác của các chỉ  số sinh sản giữa các nghiệm thức được  xử lý bằng mềm SPSS 20.0, phép thử DUNCAN.

4. Kết luận

Có thể sử dụng hocmon LHRHa với liều lượng 150 µg/kg và 200 µg/kg cá kết hợp với 10 mg DOM/kg cá để kích thích sinh sản cá Tỳ bà bướm hổ.Có thể dùng biện pháp nâng nhiệt độ từ 23ºC lên 26ºC và 29ºC để kích thích sinh sản cá Tỳ bà bướm hổ.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 6, số 2, năm 2022)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài