SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tính dễ bị tổn thương đối với gió mạnh trong bão khu vực ven biển Trung Trung Bộ

[25/05/2024 09:16]

Khu vực Trung Trung Bộ của Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu bão và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuy nhiên, hiểu biết về tính dễ bị tổn thương (TDBTT) đối với thiên tai còn rất hạn chế. Nghiên cứu này đánh giá TDBTT đối với gió mạnh trong bão khu vực ven biển Trung Trung Bộ bằng cách xác định bộ chỉ số đánh giá TDBTT bao trùm các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với bối cảnh khu vực Trung Trung Bộ.

Bão là một xoáy thuận nhiệt đới (vùng gió xoáy đường kính có thể tới hàng trăm km, hình thành trên biển nhiệt đới) có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão. Các cơn bão mạnh có sức gió làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện, gây thiệt hại rất nặng, các cơn bão rất mạnh và siêu bão có sức phá hoại cực kỳ lớn, có thể gây đắm tàu biển có trọng tải lớn.

Trung bình mỗi năm có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7), có thể có gió giật hoạt động trên Biển Đông, bao gồm cả những cơn hình thành tại chỗ và những cơn di chuyển từ Thái Bình Dương vào. Trong số đó chỉ có khoảng 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam. Năm 2023, có 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, trong đó 3 cơn ảnh hưởng tới Việt Nam, chiếm 38%.

Ảnh minh họa

Khu vực Trung Trung Bộ trải dài từ 14o32’ đến 18o05’ vĩ độ Bắc và từ 105o37’ đến 109o04’ kinh độ Đông, bao gồm 06 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Với đường bờ biển dài 769 km, Trung Trung Bộ là một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão và ATNĐ.

Khái niệm về tính dễ bị tổn thương lần đầu tiên xuất hiện trong nghiên cứu thảm họa trong khoa học địa chất, mô tả mức độ mà các đối tượng nghiên cứu dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài do mức độ phơi bày và độ nhạy cảm của chúng. Đánh giá tính dễ bị tổn thương (TDBTT) phản ánh được khả năng ứng phó của một hệ thống trước một tác động cũng như sự thiếu năng lực nội tại của hệ thống trong việc ứng phó với các tác nhân bên ngoài. Đánh giá TDBTT cũng phản ánh các đặc điểm của một nhóm người về khả năng ứng phó, chống chọi và phục hồi sau tác động của thiên tai. Trong đó, TDBTT do thiên tai được coi là khả năng một hệ thống chịu thiên tai bị hư hại do thiên tai.

Năm 2022, Việt Nam cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá TDBTT đối với BĐKH. Trong đó, TDBTT được coi là xu hướng của hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu. TDBTT được cấu thành bởi mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Mức độ dễ bị tổn thương trước thiên tai phụ thuộc vào ảnh hưởng tổng hợp của hai yếu tố trên. Bộ chỉ số đánh giá TDBTT được xây dựng, áp dụng cho 6 tỉnh Trung Trung Bộ, kết quả đánh giá được thể hiện theo không gian đến cấp huyện giúp nhận định mức độ dễ bị tổn thương của khu vực nghiên cứu đối với bão, cung cấp cơ sở cải thiện khả năng phòng chống thiên tai ở khu vực nghiên cứu.

Nghiên cứu này phân tích mức độ dễ bị tổn thương đối với gió mạnh trong bão theo không gian đến cấp huyện ở 6 tỉnh của khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy 30% các huyện có mức độ tổn thương rất cao. Các huyện có TDBTT rất cao đối với gió mạnh trong bão tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra có một số huyện ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu này có thể đóng vai trò là tài liệu tham khảo có giá trị cho nghiên cứu trong tương lai ở khu vực Trung Trung Bộ và các khu vực khác đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Đồng thời, kết quả có thể góp phần nâng cao kiến thức toàn diện về tình trạng dễ bị tổn thương của xã hội trước thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, từ đó có thể cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách và chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và thúc đẩy quản lý thiên tai hiệu quả cho các tỉnh ven biển Việt Nam nói chung và khu vực Trung Trung Bộ nói riêng.

 

Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu Số 29 – Tháng 3/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài