Nghiên cứu chỉ tiêu xác định sự thay đổi đột ngột quỹ đạo bão trên khu vực Biển Đông
Mục tiêu của bài báo này là xác định chỉ tiêu để phân loại các cơn bão có sự thay đổi đột ngột về quỹ đạo trên khu vực Biển Đông. Dữ liệu được sử dụng là số liệu quan trắc bão từ nguồn RSMC của Nhật Bản thời kỳ 1970-2020.
Hướng thay đổi quỹ đạo bão được nghiên cứu dựa trên phân loại các cơn bão theo hai trường hợp chính: Thay đổi đột ngột theo hướng Tây (lệch trái) và thay đổi theo hướng Bắc (lệch phải). Đối với các cơn bão lệch trái, nghiên cứu sử dụng ngưỡng độ lệch chuẩn 1 sigma để xác định, còn lệch phải sử dụng ngưỡng cao hơn là 2 sigma. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong thời kỳ 2001-2020 đối với bão trên Biển Đông có 26 cơn bão lệch trái và 21 cơn bão lệch phải và với bão gần bờ có 21 cơn bão lệch trái và 9 cơn bão lệch phải.
Dự báo hướng di chuyển của bão là một thách thức lớn do nhiều yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của nó. Ví dụ như đối với địa hình, sự tương tác với các dạng địa hình như núi cao hoặc đồng bằng rộng lớn, có thể gây ra sự giảm tốc độ gió hoặc thay đổi hướng di chuyển của bão. Hơn nữa, các yếu tố môi trường như nhiệt độ biển, áp suất không khí và độ ẩm cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Tất cả những yếu tố này đều cần được xem xét một cách kỹ lưỡng để dự báo hướng di chuyển của cơn bão. Dự báo hướng di chuyển của bão đã khó, dự báo được các cơn bão thay đổi quỹ đạo đột ngột càng khó khăn hơn.
Ảnh minh họa
Trên cơ sở chuỗi số liệu bão thời kỳ 1970-2010 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã tính toán giá trị của độ lệch chuẩn của tất cả các trường hợp thay đổi quỹ đạo bão trong các khoảng thời gian 12 giờ và 06 giờ từ đó tìm ra ngưỡng thay đổi đột ngột. Nghiên cứu phân chia sự thay đổi đột ngột thành 2 loại hướng chính là Bắc và Tây. Sự thay đổi đột ngột về phía Bắc được xác định nếu góc đổi hướng vượt quá 40° (37°) trong khoảng thời gian 12 giờ (6 giờ); đối với hướng Tây là vượt quá 25° (25°) trong khoảng thời gian 12 giờ (6 giờ). Trong cả hai trường hợp, sự đổi hướng phải ổn định trong 36 giờ, nghĩa là trong 24 giờ trước và 12 giờ sau thời điểm thay đổi đột thì mới được tính là đổi hướng đột ngột rõ ràng. Kết quả của nghiên cứu đã phân loại được 15 trường hợp đột ngột chuyển hướng Bắc và 14 trường hợp chuyển hướng Tây trong giai đoạn 2000-2010 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu có thể thấy việc định nghĩa một cơn bão thay đổi hướng đột ngột vẫn còn rất khác nhau giữa các nghiên cứu và chưa có một định nghĩa cụ thể nào được chấp nhận rộng rãi. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tiêu chí phân loại các cơn bão thay đổi hướng đột ngột một cách khoa học hơn cho khu vực Biển Đông của Việt Nam, từ đó phân tích các đặc điểm của chúng. Việc phân loại các cơn bão có sự thay đổi hướng đột ngột có ý nghĩa quan trọng bởi từ kết quả phân loại, có thể mô phỏng để nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm của các nhân tố nội lực, ngoại lực ảnh hưởng đến hướng di chuyển của bão và từ đó cung cấp các thông tin cần thiết để các dự báo viên có thể tham khảo cải thiện chất lượng dự báo sự thay đổi đột ngột của quỹ đạo bão trên Biển Đông.
Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu Số 29 – Tháng 3/2024