Đánh giá điều kiện khí tượng nông nghiệp bất lợi đối với sản xuất lúa trong vụ đông xuân năm 2023 so với năm 2022
Những điều kiện khí hậu, thời tiết có tác động đến nông nghiệp trước hết là ánh sáng, nhiệt độ và nước. Đó là những yếu tố không thể thiếu và thay thế được đối với sự sống nói chung, sự sinh trưởng, phát triển và cấu thành năng suất cây trồng nói riêng. Ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết đối với nông nghiệp thể hiện ở cả điều kiện thuận lợi, bất lợi. Khi đánh giá ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết đối với sự hình thành năng suất cây trồng trong rất cần thiết phải đánh giá các điều kiện khí tượng trong vụ theo mức độ thuận lợi, bất lợi của nó đối với sự sinh trưởng của cây trồng cụ thể.
Lúa là cây lương thực chính ở Việt Nam với mục tiêu phát triển nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Năm 2023, lương thực có tăng trưởng tích cực và giữ vai trò trụ cột trong ngành nông nghiệp. Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn.
Theo kết quả đánh giá của Tổng cục Thống kê năm 2023, diện tích gieo cấy lúa đông xuân 2023 cả nước đạt gần 2.952,5 nghìn ha, giảm 39,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2022. Tại các địa phương phía Bắc: Diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2023 sơ bộ đạt 1.067,7 nghìn ha, giảm 10,4 nghìn ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 476,8 nghìn ha, giảm 7,5 nghìn ha, giảm nhiều nhất tại phía Bắc; vùng Bắc Trung Bộ đạt 347,9 nghìn ha, giảm 1,3 nghìn ha. Tại các địa phương phía Nam: Diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2023 đạt 1.884,8 nghìn ha, giảm 29,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2022. Nguyên nhân giảm diện tích chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm, tuy nhiên năng suất đạt ở mức 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2022, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 64,4 tạ/ ha tăng 2,2 tạ/ha; các địa phương phía Nam năng suất đạt 70,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm 2023 tăng so với vụ đông xuân năm trước, ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn.
Nhằm đáp ứng thông tin KTNN phục vụ xây dựng các bản tin thông báo KTNN, và báo cáo nhanh về điều kiện thời tiết tác động đến sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải đánh giá ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết đối với cây trồng. Việc đơn giản hóa nhận dạng điều kiện thời tiết thuận lợi và bất lợi đối với cây trồng sẽ là cần thiết nhằm đáp ứng thông tin nhanh, phân tích nhận định về điều kiện KTNN trong thời gian tới, cũng như khuyến cáo phục vụ sản xuất được hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa
Bài nghiên cứu nhằm đánh giá những điều kiện thời tiết bất lợi đối với cây lúa vụ đông xuân năm 2023 nhằm đúng rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng nhận định khuyến nghị về điều kiện KTNN áp dụng trong nghiệp vụ được hiệu quả hơn.
Đánh giá điều kiện khí tượng nông nghiệp (KTNN) đối với vụ sản xuất đã qua nhằm đúc rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong những năm tiếp theo là rất quan trọng. Bài báo đã đánh giá được ảnh hưởng của thời tiết đối với sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2023 ở Việt Nam. Dữ liệu hàng ngày của 143 trạm khí tượng trong cả nước được sử dụng bao gồm số giờ nắng, nhiệt độ trung bình, lượng mưa. Sử dụng phương pháp nhận dạng thời tiết, nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết bất lợi đến sản xuất trong 3 giai đoạn phát triển chính của cây lúa. Kết quả đánh giá cho thấy điều kiện nhiệt và ẩm bất lợi trong vụ đông xuân năm 2023 cao hơn năm 2022, nhưng chủ yếu ở vùng núi cao không phải đất trồng lúa. Thiệt hại trong vụ đông xuân năm 2023 cũng thấp hơn so với năm 2022. Do đó, về tổng thể điều kiện KTNN bất lợi đối với sản xuất lúa trong vụ đông xuân năm 2022 cao hơn năm 2023. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lúa vụ đông xuân năm 2023 cao hơn so với năm 2022.
Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu Số 29 – Tháng 3/2024