Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Nam Trung Bộ
Hiện nay tình trạng thiếu nước ngọt vẫn đang hiện hữu tại các vùng khan hiếm nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có khu vực Nam Trung Bộ. Tổng trữ lượng có thể khai thác ở khu vực Nam Trung Bộ là 50.691 m3/ng trong đó tỉnh Khánh Hòa có trữ lượng có thể khai thác lớn nhất với 12.758 m3/ng; tỉnh Ninh Thuận có trữ lượng có thể khai thác nhỏ nhất với 1.834 m3/ng.
Theo Quyết định số 3318/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí dự án “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phạm vi thực hiện dự án theo 5 khu vực: Khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên, khu vực Nam Bộ. Các vùng khan hiếm được lựa chọn dựa vào các nguyên tắc: Các vùng thuộc miền núi thỏa mãn 2 điều kiện, có hệ số khu vực ≥ 0,5 và chưa được điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; các vùng thuộc miền trung du và đồng bằng thỏa mãn điều kiện, là có hệ số khu vực 0,2 và chưa được điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt. Trên cơ sở nguyên tắc trên khu vực Nam Trung Bộ đã xác định được 28 vùng thuộc 7 tỉnh: Khánh Hòa (06 vùng thuộc các xã: Sơn Bình, Sơn Lâm, Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Phú); Phú Yên (04 vùng thuộc các xã: Xuân Hòa, Krông Pa, An Hiệp, An Dân); Bình Định (03 vùng thuộc các xã: Canh Vinh, An Tân, Hoài Sơn); Quảng Nam (06 vùng thuộc các xã: Tiên Cẩm, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Quế Lộc, Tiên Hiệp); Quảng Ngãi (04 vùng thuộc các xã: Ba Dinh, Ba Bích, Ba Tô, Ba Xa); Ninh Thuận (01 vùng thuộc xã Phước Chiến) và Bình Thuận (04 vùng thuộc các xã: Sơn Mỹ, Thắng Hải, Thuận Quý, Tân Thắng) là vùng khan hiếm nước.
Ảnh minh họa
Trong báo cáo này nhóm tác giả sẽ tập trung nghiên cứu đánh giá hiện trạng và định hướng khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước khu vực Nam Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực có 8 tầng/đới chứa nước gồm các tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistocen, các tầng chứa nước khe nứt, khe nứt - lỗ hổng trầm tích tuổi từ Arkeozoi đến Mezozoi và các đới chứa nước dọc theo các đứt gãy kiến tạo trong các đá xâm nhập, phun trào với lưu lượng khai thác công trình dự báo là 12.816 m3/ngày và có khả năng cung cấp cho tổng số 128.160 người với tiêu chuẩn sử dụng nước 100 l/người/ngày. Để khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước hợp lý và bền vững, báo cáo đã xác định được vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và vùng bảo vệ miền cấp (vùng bổ cập) cho các công trình với bán kính vùng cho từng công trình tối thiểu là 20 m, diện tích bảo vệ vùng bổ cập từ 3,0 đến 12,0 km2.
Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu Số 29 – Tháng 3/2024