Nghiên cứu bào chế viên nén sủi rau tần
Cây rau tần (cây húng chanh) có tên khoa học là Plectranthus amboinicus. Cây thuộc họ thân thảo, trồng quanh vườn, có mùi thơm độc đáo, nhiều nhánh, mọng nước, cao 30-90 cm, lá và thân dày, có thể được tìm thấy ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Ấn Độ. Nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả Praveena Bhatt và cộng sự (2013) đã cho thấy, trong thành phần hóa học của dịch chiết lá tần có 49,91 mg GAE/g phenolic tổng số, 26,6 mg RE/g flavonoid tổng số và 0,7 mg TAE/g tannin ngưng tụ. Trong số các phenolic cóaxitrosmarinic6,160 mg/g, axit caffeic 0,770 mg/g, rutin 0,324 mg/g, axit gallic 0,260 mg/g, quercetin 0,15 mg/g và axit p-coumaric 0,104 mg/g. Dịch chiết lá tần cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn và tác dụng chống tăng sinh đối với các dòng tế bào ung thư: Caco-2, HCT-15 và MCF-7. Đặc biệt, hàm lượng tinh dầu trong lá tần khá cao, lên đến 0,12% v/w trọng lượng tươi của lá [3]. Tinh dầu trong rau tần đã được nghiên cứu về thành phần hóa học và khả năng diệt ấu trùng muỗi truyền bệnh sốt rét Anopheles stephensi. Tổng số 26 loại tinh dầu đã được xác định bằng GC và GC-MS gồm: carvacrol 28,65%, thymol 21,66%, α-humulene 9,67%, decanal 8,29%, γ-terpinene 7,76%, ρ-cymene 6,46%, caryophyllene oxit 5,85%, α-terpineol 3,28% và β-selinene 2,01%.
Đã có một số nghiên cứu tạo sản phẩm dạng viên sủi từ trái dứa, nước cốt chanh dây, sản xuất trà Actisô dạng viên sủi bọt. Trong dân gian cây rau tần được sử dụng phổ biến để điều trị các chứng bệnh như ho, cảm cúm, sốt... Cây thuốc này được đánh giá an toàn, lành tính nên được áp dụng cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào về viên sủi rau tần. Với những ưu điểm của viên sủi bọt là viên nén hòa tan trong nước và sinh khí CO2 do tác dụng giữa muối kiềm và axit hữu cơ, tá dược đã được rã trước khi uống sẽ đi nhanh qua dạ dày, làm tăng nhu động ruột, giúp tăng hấp thụ thuốc. Lượng CO2 sinh ra còn giúp che giấu những mùi vị không thích hợp của dược chất.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các thông số kỹ thuật tối ưu để tạo viên sủi rau tần như nhiệt độ và thời gian cô đặc chân không, hàm lượng các chất phụ gia phối trộn để tạo sản phẩm có dược tính tốt đồng thời được người tiêu dùng ưa thích về mặt cảm quan.
1. Nguyên liệu
Rau tần được thu mua tại các vườn rau sạch ở khu phố 5 phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đường saccharose được cung cấp bởi công ty mía đường Biên Hòa. Ngoài ra, các loại tá dược như sodium bicarbonate, maltodextrin, axit citric khan được cung cấp bởi hãng Merck (Darmstadt, Đức).
2. Phương pháp
2.1. Bố trí thí nghiệm:
Bố trí thí nghiệm lựa chọn nhiệt độ cô đặc chân không thích hợp: Nguyên liệu rau tần được lựa chọn, loại bỏ lá úa dập. Rửa sạch dưới vòi nước chảy và làm ráo. Xay kết hợp ép dịch bằng máy ép thủy lực với lực ép 20 kgf/cm2. Tiến hành cô đặc chân không bằng thiết bị cô đặc chân không hai vỏ ở các nhiệt độ 55℃, 60℃, 65℃, 70℃, 75℃, tốc độ quay 80 vòng/phút, đến nồng độ chất khô 60%. Kết thúc quá trình cô đặc, sản phẩm được phân tích xác định hàm lượng tinh dầu để chọn nhiệt độ cô đặc chân không thích hợp nhất.
Bố trí thí nghiệm xác định tỷ lệ phụ gia phối trộn: Maltodextrin được trộn với dịch cô đặc rau tần, sau đó sấy chân không ở 405 mmHg, 60℃ trong 3 giờ. Bột thu được sẽ tiếp tục được phối trộn với các thành phần axit citric, đường saccharose, sodium bicarbonate thành khối bột đồng nhất và dập viên 3 g/viên theo phương pháp dập trực tiếp, t0 phòng ≤ 21℃, độ ẩm phòng ≤ 20%. Sản phẩm phải thỏa mãn điều kiện về thời gian tan rã nhỏ hơn 4 phút và độ cứng từ 3-4 kg. Các phụ gia được sử dụng với tỷ lệ cố định: đường saccharose 30% và axit citric 5%. Thí nghiệm được bố trí gồm ba yếu tố, mỗi yếu tố có 3 nghiệm thức: Maltodextrin được sử dụng theo tỷ lệ 10%, 15% và 20%; Sodium bicarbonate được sử dụng với tỷ lệ 5%, 10%, 15%.
2.2. Phương pháp phân tích
Phương pháp xác định các chỉ tiêu hóa lý
- Xác định hàm lượng tinh dầu trong lá tần: Dịch lá tần sau khi cô đặc chân không đến hàm lượng chất khô 60% được chưng cất thu tinh dầu bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, sử dụng bộ chưng cất tinh dầu nhẹ Clevenger theo quy trình I của Dược Điển Việt Nam IV.
- Xác định độ cứng của viên nén bằng thiết bị đo độ cứng: Tác động một lực qua đường kính viên cho đến lúc viên bị vỡ, sau đó xác định lực gây vỡ viên.
- Xác định độ rã viên: Viên sủi được cho vào cốc có mỏ (thể tích 250 mL) chứa 200 mL nước cất ở 15-25℃. Viên được coi là rã hết nếu không còn các tiểu phân chồng chất lên nhau.
Phương pháp đánh giá cảm quan
Mức độ ưa thích cảm quan đối với sản phẩm được đánh giá bằng phương pháp cho điểm thị hiếu. Đối tượng tham gia khảo sát nghiên cứu này gồm 100 người đánh giá mức độ ưa thích trên thang 9 điểm, trong đó 1 điểm tương ứng với “Cực kỳ không thích” và 9 điểm tương ứng với “Cực kỳ thích”.
Phương pháp kiểm tra vi sinh.
- Tổng số vi sinh vật hiếu khí: xác định theo tiêu chuẩn ISO 4833:2003.
- Coliforms: xác định theo tiêu chuẩn ISO 4832:2006.
- E. coli: xác định theo tiêu chuẩn ISO 7251:2005.
- Staphylococcus aureus: theo tiêu chuẩn ISO 6888-1 (1/1999).
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Các đồ thị được vẽ bằng phần mềm Microsoft office Excel 2020. Số liệu được xử lý bằng
phân tích phương sai (ANOVA), sử dụng kiểm định Tukey trên phần mềm Minitab 16 để đánh giá sự khác biệt có ý nghĩa giữa các kết quả thí nghiệm tại giá trị p < 0,05.
3. Kết luận
Nghiên cứu đã xác định được quy trình tạo viên sủi từ rau tần với nhiệt độ cô đặc chân không dịch ép rau tần 60 ℃, thời gian cô đặc 2,5 giờ; công thức phối trộn tối ưu gồm axit citric 5%, NaHCO3 15%, saccharose 30%, maltodextrin 15% và dịch ép rau tần cô đặc 35%. Thời gian tan rã của viên sủi là 2,7 phút; Độ cứng viên nén là 3 kg. Hàm lượng tinh dầu trong mỗi viên nén là 80 mg. Trong những nghiên cứu tiếp theo, một số chỉ tiêu quan trọng khác như hàm lượng các hợp chất phenolic, sự thay đổi màu sắc của chlorophyll, hoạt tính kháng oxy hóa của dịch trích từ rau tần cần được theo dõi trong quá trình cô đặc và sấy chân không, cũng như trong quá trình tạo viên sủi.
Tạp chí Khoa học Đại học Công Thương, số 1, năm 2024