Bệnh đốm trắng nội tại cá nheo Mỹ (Ictalurus puntatus) nuôi lồng khu vực phía bắc do ấu trùng sán lá Dollfustrema Bagarii gây ra
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Vũ Đức Mạnh, Kim Minh Anh, Trương Đình Hoài, Kim Văn Vạn (Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Nguyễn Mạnh Hùng (Phòng Ký sinh trùng, Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật), Đặng Thị Lụa (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1) và Đỗ Đình Hùng (Học viên Cao học, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 2/2022.
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, hệ thống hồ chứa phong phú nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá lồng. Cá nheo Mỹ được đưa vào Việt Nam nuôi và thử nghiệm sản xuất giống từ năm 2011; trong những năm 2014-2017, nuôi cá nheo Mỹ trong lồng rất ít khi bị bệnh, giá bán cao nên các hộ nuôi mở rộng quy mô, lắp đặt thêm nhiều ô lồng; chính sự phát triển nóng này dẫn đến tình trạng giá bán giảm thấp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Một trong những bệnh nguy hiểm gây nhiều thiệt hại cho người nuôi cá nheo Mỹ trong lồng là bệnh đốm trắng nội tạng với các biểu hiện triệu chứng và bệnh tích rất giống với bệnh gan thận mủ ở cá tra do vi khuẩn Edwardsiella ictaruli gây ra nên có những chẩn đoán nhầm, đưa ra phác đồ xử lý bệnh chưa chính xác, kém hiệu quả trong điều trị và gây tổn thất lớn cho người nuôi.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Nghiên cứu đặc điểm của bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng khu vực phía Bắc đã được thực hiện trên 248 mẫu cá nheo Mỹ bị bệnh thu thập từ 174 lồng nuôi ở 9 tỉnh phía Bắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 59,7% mẫu cá nheo Mỹ bị bệnh đốm trắng nội tạng, trong đó cá nheo Mỹ nuôi lồng trên sông (78,7%) nhiễm nhiều hơn trên hồ chứa (6,2%), gan là cơ quan đích xuất hiện các đốm trắng chiếm đến 82,8% mẫu nhiễm. Bằng phương pháp quan sát mô tả hình thái đã xác định được tác nhân chính gây bệnh là ấu trùng sán lá Dollfustrema bagarii.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y: Tập 29, Số 6 (2022)