Tình hình nhiễm cầu trùng trên bò tại Tỉnh Sóc Trăng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lư Ái Tiên, Nguyễn Hữu Hưng và Nguyễn Hồ Bảo Trân thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022. Mẫu được thu thập tại các cơ sở chăn nuôi bò ở tỉnh Sóc Trăng.
Bệnh cầu trùng do loài đơn bào ký sinh trùng (Eimeria spp.) gây ra là bệnh đường tiêu hóa phổ biến và nghiêm trọng trên gia súc non ở khắp nơi thế giới. Bệnh được ghi nhận thường xảy ra trên bò dưới 1 năm tuổi. Bò nhiễm cầu trùng có các triệu chứng điển hình như tiêu chảy, kiết lỵ, mất nước. Cơ chế sinh bệnh là loài Eimeria sp. tác động gây tổn thương niêm mạc ruột, tăng tính mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh khác, suy nhược và thậm chí là tử vong. Trong khi đó, bò trưởng thành không biểu hiện triệu chứng lâm sàng mà có vai trò như vật mang trùng, tiếp tục lây truyền mầm bệnh sang bê.
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang phát triển chăn nuôi bò với số lượng tổng đàn gần 60.000 con (Cục thống kê tỉnh Sóc Trăng, 2020). Tuy nhiên, đa phần người chăn nuôi chưa quan tâm đúng mức đến bệnh cầu trùng trên bò. Vòng đời của cầu trùng diễn ra phức tạp, dễ dàng truyền theo đường tiêu hóa và tồn tại lâu dài trong môi trường. Do đó, bò dễ mắc phải, tái nhiễm và gặp nhiều trở ngại trong việc phòng, chống bệnh tiêu chảy trên bò. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về tình hình nhiễm cầu trùng trên bò trong nước nói chung và miền Nam nói riêng chưa được quan tâm nhiều. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp dữ liệu về tỷ lệ lưu hành bệnh cầu trùng trên bò, cũng như thành phần loài gây bệnh chủ yếu tại địa bàn khảo sát.
Kết quả phân tích 363 mẫu phân bò thu thập ở 3 nhóm tuổi: < 6 tháng, 6-12 tháng và >12 tháng tuổi trên địa bàn khảo sát cho thấy đàn bò tại tỉnh Sóc Trăng bị nhiễm cầu trùng với tỷ lệ là 38,57%. Bò ở mọi lứa tuổi đều nhiễm cầu trùng, trong đó bò < 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm cao nhất (60,00%), kế đến là bò ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi chiếm 45,67% và > 12 tháng tuổi chiếm 17,73%. Trong số các mẫu phân nhiễm cầu trùng, số mẫu có cường độ nhiễm ở mức 1+ chiếm tỷ lệ cao nhất (67,86%), kế đến là các mẫu có cường độ nhiễm cao ở mức 2+ và 3+ chiếm tỷ lệ lần lượt là 25,71% và 9,29%. Dựa vào trạng thái phân, tần số xuất hiện các loài noãn nang cầu trùng Eimeria spp. trong những mẫu phân tiêu chảy (62,86%) cao hơn so với mẫu phân có trạng thái bình thường (58,33%).
Kết quả định danh phân loại noãn nang cầu trùng bằng hình thái học cho thấy có sự hiện diện 5 loài noãn nang cầu trùng gồm Eimeria bovis, Eimeria zuernii, Eimeria canadensis, Eimeria auburnensis và Eimeria alabamensis. E. bovis (16,12%) và E. zuernii (8,82%) là 2 loài có độc lực cao và có khả năng gây bệnh cho bò tại tỉnh Sóc Trăng, theo sau đó là E. alabamensis, E. canadensis và E. auburnensis với tỷ lệ nhiễm lần lượt là 7,16%; 6,61% và 5,51%. Bò nuôi tại tỉnh Sóc Trăng nhiễm ghép 2 loài cầu trùng là phổ biến nhất với tỷ lệ 27,86%; tiếp theo là nhiễm ghép 3, 4, 5 loài cầu trùng với tỷ lệ lần lượt 11,43%; 9,29% và 7,14%.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y: Tập 29, Số 6 (2022)