SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng màng collagen từ màng ối người làm giá thể nuôi cấy tế bào bám dính trong kỹ nghệ mô

[26/05/2024 14:30]

Màng ối người đã được sử dụng phổ biến trong lâm sàng để điều trị tổn thương bề mặt biểu mô như bỏng, tái cấu trúc bề mặt biểu mô giác mạc, hội chứng Stevens - Johnson, trong chuyên ngành nha khoa, chấn thương chỉnh hình.

Để tìm một loại giá thể phù hợp cho các đặc tính trên thì màng ối người là một "ứng viên" nổi bật với nhiều đặc tính hấp dẫn như vật liệu vô bào, có tính tương hợp sinh học, phân hủy sinh học và quan trọng hơn màng ối người là một loại vật liệu sinh học tự nhiên được ứng dụng thành công trong cấy ghép mô từ rất sớm. Việc loại bỏ tế bào biểu mô và tế bào của khung nền ngoại bào của lớp đáy làm giảm các đáp ứng miễn dịch nhưng vẫn giữ lại khung nền ngoại bào như collagen, glycosaminoglycan, fibronectin và vitronectin giúp tế bào nuôi cấy bám dính, tăng sinh và phát triển tốt trên màng. Ngoài ra, màng ối người vô bào đã được xác định không gây độc cho tế bào trong điều kiện nuôi cấy in vitro. Hiện nay, màng ối người đang được thử nghiệm để làm giá thể nuôi cấy tế bào gốc, tế bào rìa giác mạc và đặc biệt là tế bào sừng trong điều trị bỏng.

Hình minh họa (Internet)

Trong nghiên cứu này, màng ối người được thu nhận trong điều kiện vô trùng tại phòng mổ, được xét nghiệm âm tính với HIV, HBV, HCV, VDRL và xử lý để loại bỏ lớp biểu mô, thu nhận màng collagen dùng làm giá thể nuôi cấy tế bào bám dính. Màng collagen được đánh giá cấu trúc bằng phương pháp nhuộm mô học (H&E), SEM, thử nghiệm làm giá thể nuôi cấy các nguyên bào sợi người và đánh giá sự bám dính, tăng trưởng và phát triển của tế bào bằng các hình ảnh mô học theo thời gian nuôi cấy. Các kết quả hình ảnh thu nhận trước và sau khi xử lý cho thấy, màng collagen có cấu trúc vô bào, vẫn duy trì được cấu trúc của lớp màng đáy. Kết quả nuôi cấy tế bào cho thấy, các nguyên bào sợi đã bám dính và phát triển tốt trên màng collagen này.

Tạp chí khoa học Việt Nam Tập. 66 Số. 2B (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài