Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý, lâm sàng và biện pháp phòng trị bệnh sán lá ruột cho gà tại Tỉnh Thái Nguyên
Nghiên cứu do hai tác giả Lê Minh và Dương Thị Hồng Duyên thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thực hiện.
Sán lá ruột là một bệnh ký sinh trùng khá phổ biến trên gà nuôi thả vườn tại các các tỉnh miền núi phía Bắc. Bệnh do nhiều loài sán lá thuộc họ Echinostomatidae gây ra. Khi ký sinh, chúng gây tác động cơ giới, chiếm đoạt chất dinh dưỡng, đầu độc làm cho gà còi cọc, chậm lớn, giảm sức đề kháng và mở đường cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Gà bị bệnh sán lá ruột có triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào số lượng sán ký sinh, tuổi gà, trạng thái cơ thể, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Khi nhiễm nặng, gà thường ủ rũ, sã cánh, ỉa chảy, suy nhược cơ thể, sinh trưởng và phát triển kém; gà dễ chết nếu không được điều trị kịp thời; từ đó gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi.
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Thái Nguyên là một tỉnh có chăn nuôi gà thả vườn khá phát triển, tuy nhiên công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng nói chung và bệnh sán lá còn hạn chế. Kết quả nghiên cứu trước đây cho biết gà nuôi tại 3 huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương tại tỉnh Thái Nguyên có tỷ lệ nhiễm sán lá ruột là 16,33% với 3 loài: Hypoderaeum conoideum, Echinostoma revolutum và Notocotylus intestinalis. Để có cơ sở cho việc tuyên truyền cho người chăn nuôi thấy được tác hại của sán lá ruột gây ra ở gà, cũng như có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả, chúng tôi thực hiện nghiên cứu về đặc điểm bệnh lý, lâm sàng và thử nghiệm thuốc điều trị bệnh cho gà.
Kết quả theo dõi 122 con gà về nhiễm sán lá ruột cho thấy có 46 con (37,70%) đã được xác định có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh. Mổ khám 330 con gà đã phát hiện được 17,27% gà nhiễm sán với những bệnh tích đại thể: niêm mạc ruột non và ruột già viêm, có điểm xuất huyết; niêm mạc tại những vị trí sán bám hơi sưng và đỏ; trong lòng ruột có chứa dịch nhày và sán lá; số lượng sán ký sinh/gà mổ khám là từ 1 đến 36.
Quan sát tiêu bản vi thể dưới kính hiển vi cho thấy lông nhung ở ruột non bị tổn thương, đỉnh lông nhung tù, một số lông nhung bị đứt nát, biểu mô phủ thoái hóa, hạ niêm mạc tăng sinh và xuất huyết, thâm nhiễm bạch cầu ái toan trong lớp hạ niêm mạc; lông nhung ở ruột già bị bong tróc, tăng sinh tương bào, thâm nhiễm bạch cầu ái toan trong lớp hạ niêm mạc. Thuốc Bio-fenbendazole (liều 1g/2kgTT), Albenleva (liều 1g/5kgTT) và Bio - levaxantel (liều 1ml/5kgTT) có hiệu quả và an toàn trong tẩy sán lá ruột; hiệu lực đạt 93,68% - 93,75%.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y: Tập 29, Số 6 (2022)