SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hàm lượng mỡ giắt, dày cơ thăn và dày mỡ lưng của một số nhóm bò lai hướng thịt nuôi tại Trà Vinh

[26/05/2024 15:17]

Nghiên cứu do các tác giả gồm Nguyễn Thị Thủy, Đậu Văn Hải, Hoàng Thị Ngân, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Thanh Tùng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn) và Huỳnh Văn Thảo (Phòng Nông Nghiệp huyện Trà Cú) thực hiện.

Ngoài nhu cầu về số lượng thì chất lượng sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng chú ý. Chế độ dinh dưỡng cùng với định hướng di truyền trên vật nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá trị dinh dưỡng của thịt và đây cũng là chìa khóa giúp nâng cao giá trị của thịt cũng như giá thành sản phẩm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những thay đổi về dinh dưỡng vật nuôi và chiến lược trong chăn nuôi có thể làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của thịt đỏ. Do vậy để nâng cao chất lượng thịt đỏ thì chiến lược có tính hiệu quả nhất đó là kết hợp giữa di truyền (lai tạo giống có chất lượng tốt) với dinh dưỡng khẩu phần sẽ góp phần đáp ứng được các yêu cầu trong chăn nuôi.

Mỡ giắt là chất béo (phần mô mỡ) nằm xen kẽ giữa thịt nạc trong cơ, bao gồm mô mỡ nằm xen trong mô và sợi cơ, tất cả các hạt mỡ nằm trong tế bào cơ và giữa sợi cơ; do đó mỡ giắt bám xung quanh hoặc trong bó sợi cơ. Trong quá trình sinh trưởng của động vật, sự tích tích tụ chất béo được diễn ra tại các giai đoạn khác nhau. Quá trình tích tụ mỡ xuất hiện mạnh mẽ ở giai đoạn đầu dậy thì và mức độ của mỡ giắt ở giai đoạn giết mổ phụ thuộc nhiều vào thời gian liên quan đến quá trình phát dục diễn ra và sự khởi đầu của tuổi dậy thì phụ thuộc nhiều vào giống.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Ở Việt Nam, khái niệm về mỡ giắt trên gia súc nhai lại hiện còn mới mẻ, mặc dù chúng ta vẫn truyền miệng rằng thịt khô ráp, ít nước, ít thơm là không ngon nhưng chưa hiểu được nguyên nhân chính là do thịt một phần là không có hoặc có rất ít hàm lượng mỡ giắt. Những năm gần đây, người ta đã xem độ mềm và hương vị của thịt là những yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định chất lượng thịt.

Kỹ thuật siêu âm hình ảnh mô mềm đã được sử dụng để dự đoán một số tính trạng trong ngành công nghiệp chăn nuôi từ giữa những năm 1950. Kỹ thuật siêu âm an toàn, nhân đạo và là phương tiện để định lượng cơ bắp và mô mỡ của động vật sống. Sau đó, công nghệ siêu âm được cải tiến cho phép tăng độ chính xác 90% và 98% khi dự đoán mỡ giắt trong thịt bò ở xương sườn và chính xác tới 81% khi ước tính diện tích cơ thăn. Nhiều nghiên cứu trên bò cho thấy mối tương quan giữa siêu âm ước tính dày mỡ trên xương sườn thứ 12 và mông so với phân tích hóa học dao động từ 0,57 đến 0,90. Đây là phương pháp sử dụng rất phổ biến hiện nay vì có nhiều ưu điểm là có kết quả nhanh ngay trên thú sống, lưu được nhiều dữ liệu trên máy đo và máy tính với phần mềm tiên tiến để tính toán có độ chính xác cao.

Theo Cục Thống kê Trà Vinh, tổng đàn bò của tỉnh tăng liên tục từ các năm 2017, 2018, 2019 và 2020 với số lượng lần lượt là 155.723 con, 163.006 con, 181.706 con và 213.550 con. Mức tăng trung bình các năm đạt hơn 11%. Trà Vinh là tỉnh có tiềm năng lớn trong chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi bò thịt, việc cải tiến giống được đẩy mạnh trong những năm qua. Ðơn cử như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, cải thiện năng suất, chất lượng giống vật nuôi được thực hiện từ rất sớm, cho đến nay đã triển khai nhiều chương trình lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò, qua đó giúp đàn bò lai đạt trên 95,75% (trong đó lai Zebu chiếm 65,96% và lai khác chiếm 29,79%), bò vàng chỉ chiếm dưới 4,26%. Với tỷ lệ bò lai cao, đặc biệt là nhóm bò Zebu thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu quý để phát triển bò thịt chất lượng cao.

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát tỷ lệ mỡ giắt, dày cơ thăn và dày mỡ lưng trên các tổ hợp bò lai F1 (Red Angusx Lai Sind), F1 (BBB x Lai Zebu), F1 (Droughtmaster x Lai Sind), F2 (BBB x Lai Zebu) x BBB, F2 (Droughtmaster x Lai Zebu) x Droughtmaster và nhóm bò lai Zebu (đối chứng) bằng phương pháp siêu âm hình ảnh tại huyện Cầu Ngang và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ mỡ giắt cao nhất ở tổ hợp bò lai F2 (BBB x Lai Zebu) x BBB (2,65%), kế tiếp F1 (BBB x Lai Zebu) (2,49%), F1 (Red Angus x Lai Sind) (2,07%), F1 (Droughtmaster x Lai Sind) (1,86%), F2 (Droughtmaster x Lai Zebu) x Droughtmaster (1,80%) và thấp nhất ở nhóm lai Zebu (1,65%). Không nhận thấy ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến tỷ lệ mỡ giắt trong cơ thăn. Độ dày mỡ lưng của các tổ hợp bò lai lần lượt F2 (BBB x Lai Zebu) x BBB, F1 (Red Angus x Lai Sind), F1 (BBB x Lai Zebu), nhóm lai Zebu, F2 (Droughtmaster x Lai Zebu) x Droughtmaster và F1 (Droughtmaster x Lai Sind) có độ dày mỡ lưng lần lượt đạt 8,5mm; 7,9mm; 7,2mm; 7,1mm; 6,4mm và 5,8mm. Trên các tổ hợp bò lai, bò cái có tỷ lệ mỡ giắt cao hơn so với bò đực, trung bình là 0,17%.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi: Số 143 (2/2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài