Năng suất sinh sản của gà Mnụ Hla Alê nuôi tại tỉnh Đắk Lắk
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Trần Quang Hạnh, Ngô Thị Kim Chi, Nguyễn Đức Điện, Bùi Thị Như Linh, Mai Thị Xoan (Trường Đại học Tây Nguyên), Trương Tấn Khanh và Phạm Thế Huệ (Liên hiệp các Hội Khoa học tỉnh Đắk Lắk) thực hiện.
Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh của khu vực Tây Nguyên, được đánh giá là địa phương có tiềm năng đa dạng sinh học cao, trong đó có đa dạng về giống vật nuôi và cây trồng. Gà Mnụ Hla Alê là giống gà bản địa được nuôi trong khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, được nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tây Nguyên phát hiện và nghiên cứu trong khuôn khổ đề án giữ quỹ gen vật nuôi do tỉnh Đắk Lắk tài trợ từ năm 2022. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định đặc điểm sinh học, khả năng sản xuất, tư liệu hóa phẩm giống và đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển phẩm giống trong sản xuất. Các công bố trước đây về đặc điểm sinh học và sinh trưởng của phẩm giống cho thấy gà có khả năng thích nghi cao với đặc điểm tự nnhiên và điều kiện chăn nuôi truyền thống quảng canh trong khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Gà Mnụ Hla Alê có tầm vóc nhỏ, có mình thanh tú thon nhẹ, đầu nhỏ, chân nhỏ. Gà trưởng thành cả con trống và con mái đều có chỏm lông trên đầu, gà trống trưởng thành phần lớn có màu lông đen đỏ (trống tía), quanh cổ phát triển lông cườm vàng óng, mào đơn phát triển và đuôi dài. Gà mái phần lớn có lông màu xám tro pha tia đen, tia đen rõ nhất ở lông vùng quanh cổ, ngoài ra còn có màu lông khác như đen, trắng, hoa mơ, vàng sẫm. Gà mới nở thường có màu vàng nhạt, nâu nhạt và một số con sọc lông màu đen, chỏm lông trên đầu mọc lúc gà mới nở. Giống gà này được người Ê đê thuần hóa, nuôi dưỡng trong buôn làng và được đặt tên là gà Mnụ Hla Alê. Gà Mnụ Hla Alê là một giống gà mang nguồn gen quý hiếm, thích nghi với điều kiện chăn nuôi của đồng bào thiểu số tại Đắk Lắk, gà có khả năng tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên rất cao. Gà Mnụ Hla Alê thường được nuôi với quy mô nhỏ, số lượng ít, chăn nuôi mang tính tự cung tự cấp, phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày cũng như dịp lễ hội của người dân bản địa. Gà Mnụ Hla Alê có phẩm chất thịt thơm, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sinh sản của gà Mnụ Hla Alê. 400 Mnụ Hla Alê từ 0 đến 20 tuần tuổi được chia làm 4 lô để đánh giá tỷ lệ nuôi sống. Đến giai đoạn theo dõi sinh sản được bố trí theo dõi trên 50 gà mái (lặp lại 3 lần), thời gian nuôi từ 21 đến 73 tuần tuối. Gà được nuôi theo quy trình gà sinh sản thả vườn, không cho ấp và nuôi con. Thức ăn sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn hỗn hợp gà đẻ của công ty TOGET, Có hàm lương protein thô 17,5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nuôi sống đến 20 tuần tuổi đạt 92,50%, tỷ lệ đẻ trung bình suốt thời gian nuôi là 25,54%, năng suất trứng đến 73 tuần tuổi đạt 93,04 quả/mái/năm, tiêu tốn thức ăn 4,42 kg/10 quả, khối lượng trứng trung bình 48,43g, chỉ số hình dạng 1,27, chỉ số Haugh 82,14; tỷ lệ trứng có phôi 94,43%; tỷ lệ ấp nở 78,68%. Gà Mnụ Hla Alê có năng suất sinh sản khá cao so với một số giống gà bản địa khác.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi: Số 143 (2/2024)