SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm xuyên tâm liên trong khẩu phần ăn đến tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng và phòng nhiễm khuẩn Salmonella ở gà thịt

[26/05/2024 19:22]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lưu Quỳnh Hương, Trần Thị Thu Hằng, Lê Thị Hồng Nhung, Đỗ Thị Thu Thúy (Viện Thú y), Đỗ Quyên, Chử Thị Thu Huyền và Hà Vân Oanh (Khoa Dược liệu - Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội) thực hiện.

Chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi gia cầm nói chung là nghề sản xuất truyền thống lâu đời và chiếm vị trí quan trọng thứ hai trong tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi nước ta. Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi cuối năm 2023, tổng đàn gia cầm đạt 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 2,24 triệu tấn; Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% so với năm 2022.

Ở Miền Bắc Việt Nam, khí hậu biến đổi trong một năm (mùa hè nóng, mùa đông lạnh), do vậy trong quá trình chăn nuôi gia cầm nếu không đảm bảo thức ăn, nguồn nước, vệ sinh chuồng trại cũng như môi trường xung quanh thì nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, đường hô hấp và một số bệnh khác cao. Trong đó, bệnh tiêu chảy là bệnh khá phổ biến trong quá trình nuôi, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra trên gia cầm nói chung và trên gà nói riêng.

Hiện nay, với hơn 3000 serovar khác nhau. Salmonella gây bệnh trên gà có thể chia thành hai loại: (1) do các chủng không di động gây ra, gồm S. pullorum gây bệnh bạch lị trên gà con và S. gallinarum gây bệnh thương hàn gà và (2) do các chủng Salmonella di động, chủ yếu là S. enteritidisS. typhimurium gây ra bệnh phó thương hàn.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Trong việc phòng trị bệnh nói chung và bệnh do Salmonella nói riêng trên gà, kháng sinh đóng một vai trò rất quan trọng. Chăn nuôi ngày càng phát triển, càng làm gia tăng sự phụ thuộc vào việc sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và bừa bãi đã làm gia tăng nhanh chóng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trên toàn thế giới. Điều này khiến thuốc kháng sinh đang mất dần hiệu quả, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của động vật và con người. Một nghiên cứu tại Tiền Giang trên 208 trại gà cho thấy các nhóm kháng sinh polypeptides, tetracyclines, penicillins và aminoglycosides được dùng phổ biến ở các trại gà. Hiện tượng đa kháng thuốc đã được ghi nhận ở một tỷ lệ lớn vi khuẩn được phân lập từ vật nuôi ở Việt Nam.

Kể từ năm 2006, Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng. Người tiêu dùng cũng hướng đến nhu cầu được dùng thịt được nuôi mà không sử dụng kháng sinh. Từ đầu năm 2018, Việt Nam đã dừng sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (World Health Organization, 2019).

Nhiều giải pháp thay thế việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi đã được đưa ra như bổ sung axit hữu cơ, probiotic, thảo dược... trong đó giải pháp bổ sung thảo dược được đánh giá là tốt hơn và an toàn hơn. Sử dụng thảo dược là một phần trong nền y học Việt Nam, vừa mang tính tự phát và đại chúng vừa mang tính hệ thống. Với xu hướng chủ động nguồn nguyên liệu dược liệu trong nước, đã có rất nhiều nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn của những cây thuốc Việt Nam.

Nghiên cứu này nhằm bước đầu xác định ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm Xuyên tâm liên trong khẩu phần ăn của gà đến tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng và phòng nhiễm khuẩn Salmonella. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp ngẫu nhiên hoàn toàn trên 225 gà Ri lai được chia thành ba lô thí nghiệm bổ sung chế phẩm ở các tỷ lệ 0,75, 1,5 và 2,25%; một lô đối chứng dương bổ sung kháng sinh chlortetracycline dạng bột với liều lượng 50 mg/1 kg thức ăn và một lô đối chứng âm.

Kết quả cho thấy, bổ sung chế phẩm xuyên tâm liên vào khẩu phần ăn không có ảnh hưởng đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng của gà. Tỷ lệ nuôi sống của các lô thí nghiệm bổ sung chế phẩm đều đạt 100% trong giai đoạn từ 1 ngày tuổi đến 7 tuần tuổi. Ở giai đoạn 7 tuần tuổi, sinh trưởng tích lũy đạt 913±3,35 g/con; 931±6,57 g/con và 908±5,54 g/con; sinh trưởng tuyệt đối đạt 25,43±0,16 g/con/ngày; 27,29±0,38 g/con/ngày; 25,43±0,19 g/con/ngày và sinh trưởng tương đối đạt 21,61±0,18%; 22,87±0,33 %; 21,74±0,24% lần lượt tương ứng với ba lô thí nghiệm. Việc bổ sung chế phẩm cũng bước đầu được xác định có ảnh hưởng đến việc phòng nhiễm khuẩn của gà thí nghiệm. Các lô thí nghiệm và lô đối chứng dương có tỷ lệ gà mắc tiêu chảy thấp hơn so với lô đối chứng âm. Tỷ lệ nhiễm Salmonella của các lô thí nghiệm thấp hơn so với lô đối chứng âm nhưng cao hơn so với lô đối chứng dương.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi: Số 143 (2/2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài