SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiện trạng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

[26/05/2024 19:40]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Nguyễn Thế Vinh, Hàn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Quang (Viện Chăn nuôi) và Nguyễn Thị Minh Thu (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

Vào đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) đã xuất hiện ở nước ta và lây lan khắp 63 tỉnh thành. Theo Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức 16/12/2020 đã báo cáo đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch bệnh khoảng 6 triệu con, với tổng khối lượng trên 340.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng khối lượng lợn của cả nước, thiệt hại khoảng 3600 tỷ đồng (Cục thú y, 2019). Kéo theo đó là việc thiếu nguồn cung trên thị trường, đẩy giá thịt lợn hơi tăng cao, mất cân đối cung cầu. Có thể thấy rằng tác động của dịch bệnh đến chăn nuôi là rất lớn. Để tránh được rủi ro dịch bệnh cũng như tăng được giá trị thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là một biện pháp hiệu quả, được đánh giá cao. Chăn nuôi ATSH là áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh với vật nuôi.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương đã định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi nước ta đã có những chuyển biến tích cực về chăn nuôi an toàn sinh học. Gần đây nhất Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 cũng đã có quan điểm phát triên chăn nuôi gắn với ATSH và phát triển bền vững.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Quý Lộc là một xã nông nghiệp thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều hộ chăn nuôi lợn quy mô vừa, nhỏ và cả theo hướng trang trại (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, 2020). Đứng trước nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, việc phòng ngừa bằng những biện pháp ATSH không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường và đang được xem là một hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học trên cơ sở đó đề xuất định hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp điều tra thu thập thông tin thứ cấp thông qua các báo cáo, số liệu thống kê, các website, các kết quả nghiên cứu, các luận văn và thu thập thông tin sơ cấp thông qua phương pháp điều tra theo mẫu phiếu và phỏng vấn sâu đối với các nhóm đối tượng có liên quan trên địa bàn xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. 46 cơ sở chăn nuôi theo an toàn sinh học (ATSH) được chọn ngẫu nhiên được phân ra thành 3 nhóm: Nhóm áp dụng chăn nuôi lợn ATSH ở mức thấp; nhóm áp dụng chăn nuôi lợn ATSH ở mức trung bình; nhóm áp dụng chăn nuôi lợn ATSH ở mức cao.

Kết quả cho thấy: Những nơi chăn nuôi theo quy mô trang trại với nhiều đầu lợn thì chủ cơ sở có xu hướng áp dụng nhiều các biện pháp ATSH hơn so với hộ chăn nuôi nhỏ. Các tiêu chí ATSH về thức ăn, chuồng trại, con giống, phương thức bán sản phẩm và vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi của các hộ áp dụng biện pháp ATSH trong chăn nuôi ở mức độ cao có tỷ lệ cao hơn hẳn các hộ chăn nuôi ở mức trung bình và thấp, dẫn đến tỷ lệ dịch bệnh xảy ra ít hơn. Tăng khối lượng bình quân/tháng của lợn ở nhóm hộ áp dụng cao cũng cao nhất với 22,45 kg. Điều này cho thấy mức độ hiệu quả trong chăn nuôi của các nhóm hộ áp dụng các biện pháp ATSH. Các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế tăng dần đối với mức độ áp dụng ATSH từ thấp đến cao. Thu nhập hỗn hợp bình quân/lợn thịt/hộ đối với nhóm áp dụng ATSH mức thấp là 1.247,07 nghìn đồng/con, đối với nhóm áp dụng trung bình là 1.352,05 đồng/con và với nhóm áp dụng cao là 1.480,56 nghìn đồng/con. Như vậy là càng áp dụng nhiều các biện pháp ATSH thì đạt hiệu quả càng cao.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi: Số 143 (2/2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài