SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của tỷ lệ bổ sung nấm Saccharomyces Cerevisiae và thời gian ủ đến chất lượng của tấm lên men

[26/05/2024 19:57]

Nghiên cứu do hai tác giả Lý Mạnh Thường và Nguyễn Văn Thu thuộc Khoa Chăn nuôi, Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ thực hiện.

Bổ sung kháng sinh vào trong thức ăn của gia súc dưới liều điều trị đã góp phần làm xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh ở vật nuôi làm thực phẩm đang trở thành mối lo ngại lớn của người tiêu dùng do có thể tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt. Do đó, nhiều quốc gia đang cấm đưa kháng sinh vào khẩu phần ăn của động vật. Sau lệnh cấm phụ gia thức ăn kháng sinh năm 2006 ở châu Âu và áp lực của người tiêu dùng chống lại việc sử dụng kháng sinh ở Bắc Mỹ, probiotic đang được sử dụng rộng rãi như một giải pháp thay thế để tăng cường sức khỏe và hiệu suất của vật nuôi trên toàn thế giới. Probiotic với chủng là nấm men đã được sử dụng rộng rãi để tăng cường sức khỏe đường ruột ở cả người và động vật. Có bằng chứng cho thấy tác dụng tích cực của nấm men (Saccharomyces cerevisiae) trong việc bổ sung vào khẩu phần gia súc làm cải thiện sức khỏe và năng suất của gia súc nhai lại, ngựa, heo và thỏ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tấm ủ với nấm men sử dụng cho gia súc nhai lại đã cải thiện khả năng tăng trưởng và hệ số chuyển hóa thức ăn. Khi thực hiện ủ nấm men Saccharomyces cerevisiaeCandida utilis với bã thải rong câu sau 2 ngày lượng protein tăng 5,02%, khoáng tổng số tăng 3,71% và tế bào nấm men tăng 5,65x108CFU/g so với ban đầu là 1,86x108 CFU/g. Sử dụng probiotic (Baccillus subtilisSaccharomyces cerevisiae) ủ với lúa mì có thể làm tăng số lượng nấm men có lợi, còn khi ủ lúa mì với Baccillus subtilisSaccharomyces cerevisiae thì số lượng nấm tăng lên. Hơn nữa, ở đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu về ảnh hưởng tỷ lệ nấm men rượu (Saccharomyces cerevisiae) và thời gian ủ đến chất lượng của tấm ủ để bổ sung trong khẩu phần cho gia súc - gia cầm chưa được thực hiện. Do vậy mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định tỷ lệ nấm thích hợp với thời gian ủ tối ưu để ứng dụng kết quả đạt được cho các nghiên cứu bổ sung tấm ủ với nấm men Saccharomyces cerevisiae trong khẩu phần để đánh giá năng suất của gia súc gia cầm.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại với thời gian ủ là 108 giờ. Các nghiệm thức lần lượt có các tỷ lệ nấm là 0; 2,5; 5; 7,5 và 10‰ ủ với tấm (dạng sử dụng), tương ứng với nghiệm thức RY0; RY2,5; RY5; RY7,5 và RY10. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng mật số nấm Saccharomyces cerevisiae và CP tăng dần từ 0 đến 48 giờ và sau đó giảm dần. Nhìn chung hàm lượng dưỡng chất DM, OM, EE và CF giảm dần theo thời gian ủ từ 0 đến 108 giờ và không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0,05). Mật số nấm và hàm lượng CP ở nghiệm thức RY5 là cao nhất (9,17%DM và 200x106 CFU/g) ở 48 giờ ủ.

Kết luận của nghiên cứu là nấm Saccharomyces cerevisiae ở mức 5‰ và thời gian ủ là 48 giờ là tối ưu cho chất lượng tấm ủ, có thể sử dụng cho bổ sung vào các khẩu phần gia súc gia cầm ở các nghiên cứu tiếp theo.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi: Số 141 (10/2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ