SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của thức ăn đến thời gian biến thái và tỷ lệ sống của ấu trùng ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus 1766)

[26/05/2024 21:04]

Ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus 1766) là đối tượng thủy sản có giá kinh tế cao, thịt thơm ngon và được thị trường rất ưa chuộng hiện nay. Ghẹ xanh có nhu cầu tiêu thụ lớn cả trong nước và xuất khẩu, tuy nhiên, nguồn cung cấp ghẹ xanh thương phẩm hiện nay chủ yếu là khai thác từ tự nhiên. Việc khai thác quá mức nguồn lợi ghẹ xanh ngoài tự nhiên là nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi và trữ lượng khai thác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống ghẹ xanh có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm cũng như góp phần bảo tồn nguồn lợi loài thuỷ sản có giá trị kinh tế này.

Ở Việt Nam, nghiên cứu sản xuất giống ghẹ xanh được Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản 3 (Nay là Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III-Khánh Hòa) thực hiện. Các nghiên cứu trên ghẹ  xanh vẫn còn tập trung ở các khía cạnh kỹ thuật khác nhau để cải thiện tỉ lệ sống và chọn lựa hệ thống ương thích hợp. Tuy nhiên, nghiên cứu lựa chọn loại thức ăn hợp lý cho ấu trùng ghẹ xanh từ giai đoạn Zoea lên ghẹ bột ít được thực hiện và công bố hiện nay tại Việt Nam mặc dù thức ăn, đặc biệt là thức ăn tự nhiên đóng vai trò quyết định trong ương ấu trùng ghẹ xanh. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu “Ảnh hưởng của thức ăn đến thời gian biến thái và tỷ lệ sống của ấu trùng ghẹ xanh (Portunus pelagicus)” có ý nghĩa quan trọng hiện nay.

1. Đối tượng, địa điểm nghiên cứu

Thí nghiệm đã được tiến hành trên ấu trùng ghẹ xanh giai đoạn Zoea đến ghẹ bộttại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuỷ sản, khoa Thuỷ sản, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ghẹ mẹ ôm trứng được tuyển chọn từ các hộ ngư dân đánh bắt tại vùng biển Thuận An, Thừa Thiên  Huế. Ghẹ có khối lượng từ 200 - 250g/con, cơ thể nguyên vẹn, không bị xây xát, trứng có màu xám tro, đồng đều, yếm xòe ra hình tán nấm, sau 3 ngày trứng nở thành ấu trùng. Ghẹ được nuôi vỗ trong bể 1.000 lít (nhiệt độ  dao động từ  29 -  300C và độ mặn từ  31 -  32‰) được cho ăn trìa mỡ (Meretrix meretrix)  mỗi ngày một lần vào buổi tối khoảng 5  -  8% trọng lượng cơ thể. Thức ăn thừa được loại bỏ ra khỏi bể vào buổi sáng. Ấu trùng được sử dụng cho thí nghiệm này được lấy từ một ghẹ mẹ.

2. Nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau đến thời gian biến thái và tỷ lệ sống của ấu trùng ghẹ Xanh.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Bố thí thí nghiệm

Thí nghiệm được thiết kế theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn (CRD) với 3 nghiệm thức (NT) và 3 lần lặp lại. Mật độ ấu trùng ghẹ xanh thả ương là 100 ấu trùng (Zoea)/lít. Các thông số môi trường được bố trí đồng nhất ở các nghiệm thức: 27-300C, pH=8-8,5, Độ mặn  30‰, DO: 5-5,5mg/l. Ấu trùng được nuôi trong xô nhựa có thể tích 80 lít, có hệ thống sục khí liên tục, bố trí trong nhà có mái che, có tường bao quanh cách ly tốt với xung quanh.

3.2. Phương pháp xác định thời gian biến thái của ấu trùng

Trong quá trình thí nghiệm để nhận biết đặc điểm của các giai đoạn ấu trùng chúng tôi đã quan sát bằng mắt thường và dùng kính hiển vi, chủ  yếu dựa vào hình thái bên ngoài như: mắt, chân hàm, gai lưng, các đôi chân bụng. Theo dõi và xác định thời điểm xuất hiện ấu trùng giai đoạn trước đến thời điểm xuất hiện ấu trùng giai đoạn sau, từ đó tính được tổng thời gian chuyển giai đoạn. Quy ước: ước lượng khoảng 50% lượng ấu trùng trong bể  nuôi chuyển giai đoạn thì lấy thời điểm đó tính thời gian biến thái của ấu trùng. Tính theo công thức:

T = T2 –T1

Trong đó: T: thời gian biến thái của ấu trùng (giờ)T1: Thời điểm xuất hiện đặc điểm của ấu trùng giai đoạn trước (giờ) T2: Thời điểm xuất hiện đặc điểm của ấu trùng giai đoạn sau (giờ)

3.3. Phương pháp xác định tỷ lệ sống của ấu trùng

Xác định tỉ lệ sống (TLS các giai đoạn bằng cách: định lượng ấu trùng sau mỗi lần chuyển đoạn bằng phương pháp thể tích và TLS được tính theo công thức:

𝑇𝐿𝑆(%)=X/ Y ×100

Trong đó: X: Tổng số ấu trùng tương ứng ở giai đoạn sau; Y: Tổng số ấu trùng tương ứng ở giai đoạn trước

3.5. Phương pháp định lượng ấu trùng ghẹ Xanh

Lấy mẫu tại 5 điểm trong xô, định lượng ấu trùng có trong 10ml tại 5 điểm, mỗi mẫu đếm 3 lần, tính giá trị trung bình ta có được lượng ấu trùng có trong 1 lít nước.

Xác định thể tích nước trong xô, lượng ấu trùng trong thùng tính theo công thức:

A=M x V

Trong đó: A tổng lượng ấu trùng có trong xô (con), M là tổng lượng ấu trùng có trong 1 lít nước (con), V là thể tích nước của xô ương ấu trùng (L)

3.6. Phương pháp chăm sóc và quản lý

Chuẩn  bị  dụng  cụ  ương:  Tất  cả  xô ương và dụng cụ  liên quan được rửa sạch bằng  xà  phòng,  sau  đó  được  xử  lý  bằng chlorine  nồng  độ  200ppm  trong  thời  gian 24h. Trước khi cấp nước vào xô để ương ấu trùng, tất cả  các xô phải được rửa lại bằng nước sạch, để khô sau đó cấp nước vào sản xuất.  Ấu  trùng  được  đếm  đủ  số  lượng  và đưa vào xô ương (đảm bảo đúng mật độ  100 ấu trùng/L).

Chế độ thay nước: Cách 2 ngày  xi phông đáy xô làm sạch cặn bã ở đáy, dùng khăn thấm ướt formon vắt thật khô rồi lau thành xô, đá khí, dây khí. Khi xi phông ấu trùng có thể ra theo nên phải dùng vợt để lọc lại. Hai ngày đầu không thay nước, ngày thứ ba trở đi thay 30% lượng nước. Tuỳ theo độ nhiễm bẩn và bệnh của ấu trùng mà thay nước.

Theo dõi các thông số môi trường:

Các thông số môi trường được theo dõi hằng ngày, trong đó: Nhiệt độ và pH được đo 2 lần/ngày lúc 8h sáng và 14h chiều, DO đo 1 lần/ngày vào lúc 8h bằng máy đo DO cầm tay; NH3 và Độ kiềm, Độ mặn được đo 2 ngày/lần vào lúc 8h.

Phương pháp cho ăn: đối với  ấu trùng Zoea 1 đến Zoea 3, sử dụng thức ăn Flake  0,5-1g/m3, luân trùng 10-15con/ml, Artemia bung dù 3-5con/ml, cho ăn 4 lần/ngày. Đối với ấu trùng Zoea 4 đến ghẹ bột, sử dụng thức ăn Flake 1 - 2g/m3, Artemia  mới  nở  5 - 10con/ml,  cho ăn 4 lần/ngày, mật độ ương trung bình 100 ấu trùng/L. Trên cơ sở đó, lượng thức ăn hằng ngày sử dụng ở các nghiệm thức thí nghiệm như sau:

- Công thức 1: Giai đoạn Zoea 1 -Zoea 3: 50%: Luân trùng (5 - 7con/ml) + 50% thức ăn công nghiệp (0,25 - 1g/m3); Giai đoạn Zoea 4: 100%: thức ăn công nghiệp 0,5 - 1g/m3.

- Công thức 2: Giai đoạn Zoae 1 –Zoea 3: 50% Artemia bung dù (1,5-3con/ml) + 50% thức ăn công nghiệp (0,25 -  1g/m3); Giai đoạn  Zoea 4:  50% Artemia mới nở (2,5 - 5con/ml) + 50% thức ăn công nghiệp (1 - 2g/m3).

- Công thức 3: Giai đoạn Zoea 1 –Zoea 3: 50% Luân trùng (5 - 7con/ml) +50% Artemia bung dù (1,5 - 3con/ml); Giai đoạn Zoea 4: 100% Artemia mới nở (5-10con/ml).

3.7. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được xử lý ban đầu bằng phầm mềm Excel 2020 và được xử lý thống kê trên phần mềm SPSS 20.0 theo phân tích phương sai (ANOVA) một nhân tố và kiểm định phương sai bằng phương pháp Tukey với độ tin cậy 95%.

4. Kết luận

Thức ăn có ảnh hưởng đến thời gian biến thái và tỷ lệ sống ấu trùng ghẹ xanh (Portunus  pelagicus). Sử dụng 50% Luân trùng + 50% Artemia bung dù ấu trùng có tổng thời gian chuyển giai đoạn ngắn nhất (433 giờ). Tỷ lệ sống ấu trùng từ Zoea 1 đến ghẹ bột cao nhất là 12,11%.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 7, số 3, năm 2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ