SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu trồng nấm rơm Volvariella volvacea trong sọt trên bông vải và mùn cưa thải

[27/05/2024 09:06]

Nấm là một loài sinh vật nhân thực không có chất diệp lục, sống dị dưỡng. Trong hệ thống phân loại năm giới nấm xếp hàng thứ ba, ngang với thực vật và động vật. Nấm rơm là nấm nhiệt đới và cận nhiệt đới gồm 100 loài, trong đó có 20 loài được ghi nhận và mô tả. Loại được trồng phổ biến có tên khoa học là Volvariella volvaceae. Việt Nam là một nước nông nghiệp, đồng thời có nhiều điều kiện cho việc phát triển nghề trồng nấm, đặc biệt là các tỉnh phía Nam khí hậu gần như ổn định quanh năm, nấm có thể được cung cấp suốt bốn mùa. Mặt khác, hiện nay, dân số thế giới đã hơn 6 tỉ, mà sẽ tiếp tục gia tăng trong thế kỷ 21 này trong đó có hai thách thức lớn đặt ra cho nhân loại theo hai hướng đối ngược: Gia tăng nguồn thực phẩm với số lượng lớn hơn và chất lượng tốt hơn. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Trồng nấm đáp ứng được yêu cầu này. Nấm rơm Volvariella volvacea là loài nấm ăn ngon được chủ động nuôi trồng tuy nhiên cần chú ý nghiên cứu sâu để nâng cao năng suất.

Trước đây đa số người dân áp dụng phương pháp trồng nấm rơm cổ truyền là trồng nấm ngoài trời. Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có truyền thống sản xuất nấm rơm theo phương thức ngoài trời từ những năm 1980. Trồng nấm giải quyết được lượng lớn phế liệu, phế phẩm rất dồi dào của nông, lâm, công nghiệp như: Mùn cưa, rơm rạ, bông phế thải, vỏ lạc, bã mía, ... Hiện nay, trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường nên việc trồng nấm rơm ngoài trời bị ảnh hưởng lớn, tình hình dịch hại cũng tăng. Mặt khác, thực tế trong những năm gần đây, lượng rơm rạ sử dụng cho trồng nấm rơm ngày càng khan hiếm bởi nhiều lí do: Một số lượng rơm chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn để trồng nấm; rơm được sử dụng trong chăn nuôi trâu bò, rơm được thương lái mua với giá cao để vận chuyển đi nơi khác với các mục đích khác nhau. Một lý do nữa là do thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch của người dân, hoạt động này đã và đang gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. Riêng nguồn nguyên liệu bông vải được người dân quan tâm sử dụng trồng nấm rơm do nguồn dinh dưỡng trong nguyên liệu cao cung cấp cho nấm rơm phát triển và mang lại năng suất cao. Bông vải có thể thay thế rơm và ổn định năng suất trong sản xuất nấm rơm quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, sử dụng mạt cưa cũ từ bịch phôi thải sau khi trồng nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi, … để trồng nấm rơm giúp ích cho việc tái sử dụng lại nguồn nguyên liệu, mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Khi trồng nấm rơm trên Mùn nấm Linh chi 99% + Cám gạo 0.5% + bột ngô 0.5% với năng suất đạt 5,849.21g/100kg nguyên liệu khô nên năng suất sinh học đạt khoảng 5.85%. Năng suất sinh học chưa cao. Việc ứng dụng nguồn bông vải giàu chất hữu cơ để làm nguồn nguyên liệu trồng nấm là một bước đi mới trong việc ứng dụng nguồn nguyên liệu sạch trong sản xuất. Vì những lý do trên nên đề tài “Nghiên cứu trồng nấm rơm Volvariella volvacea trong sọt trên bông vải và mùn cưa thải” được tiến hành.

1. Vật liệu nghiên cứu

Meo giống được sử dung trong đề tài được cung cấp bởi công ty Thần Nông, Ô Môn, Cần Thơ. Bông vải mua từ cơ sở nuôi trồng nấm ở xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Mùn cưa thải thu từ trại nấm bào ngư ở thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang và cám gạo mua ở chợ thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Khảo sát tỷ lệ phối trộn bông vải và mùn cưa thích hợp

Bông vải là nguyên liệu ở các nhà máy dệt sau khi đã lấy hết sợi bông, phần còn lại là các hạt và bông vụn. Bông vải mang về được làm ẩm bằng nước, sau đó tưới nước vôi 3%, ủ đống 02 - 03 ngày. Mùn cưa từ bịch đã trồng nấm bào ngư mang về được xé bịch, bóp tơi ủ với nước vôi 3%, ủ đống 05 - 07 ngày. Tiếp theo trộn bông vải và mùn cưa đã ủ theo các nghiệm thức thí nghiệm, sau đó cho vào sọt, tiến hành cấy giống. Các nghiệm thức được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với 05 nghiệm thức, được kí hiệu từ G1 đến G5. Trong đó GT1: 100% bông vải (BV), GT2: 90%BV:10%Mùn cưa thải (MC), GT3: 80%BV:20%MC, GT4: 70%BV:30%MC, GT5: 60%BV:40%MC. Theo dõi và ghi nhận chỉ tiêu: Thời gian lan tơ 100% của nấm rơm (ngày), thời gian xuất hiện đinh ghim (ngày), năng suất tổng qua các ngày thu hái (g) và hiệu suất sinh học của từng nghiệm thức.

Hiệu suất sinh học = Trọng lượng tươi của nấm/ Trọng lượng chất khô của cơ chất ×100 (%) (1)

2.2. Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ hấp thanh trùng lên giá thể nuôi trồng

Từ kết quả trên, chọn được giá thể có tỉ lệ phối trộn tốt nhất tiếp tục khảo sát ảnh hưởng các mức nhiệt độ khác nhau được ký hiệu TN1 đến TN4 lần lượt là: TN1: không hấp thanh trùng, TN2: 800C (180 phút), TN3: 1100C (45 phút), TN4: 1210C (15 phút) lên giá thể trồng nấm rơm, ghi nhận thời gian lan tơ, thời gian xuất hiện đinh ghim, năng suất thu được và hiệu suất sinh học.

2.3. Khảo sát tỷ lệ phối trộn cám gạo thích hợp

Từ kết quả trên, tiếp tục khảo sát ảnh hưởng cám gạo lên việc tăng năng suất nấm rơm lên giá thể trồng nấm rơm. Với tỉ lệ bổ sung cám gạo lần lượt được ký hiệu: NT2: bổ sung 5%, NT3: 10%, NT4: 15%, NT5: 20% và đối chứng là NT1: không bổ sung cám gạo. Ghi nhận thời gian lan tơ, thời gian xuất hiện đinh ghim, năng suất thu được và hiệu suất sinh học.

Tất cả các nghiệm thức trên mỗi nghiệm thức thực hiện 50 sọt, mỗi sọt nặng 3,5kg. Lấy số liệu trung bình của mỗi nghiệm thức. Thí nghiệm lặp lại 05 lần.

Tất cả các sọt sau khi cấy giống được ủ tơ nhiệt độ phòng, được che tối, không khí thông thoáng. Sau khi hệ sợi lan kín bịch, tưới nước giữ ẩm, gia tăng nhiệt độ 35 – 400C, độ ẩm không khí 85 - 90%.

2.3. Địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học An Giang.

2.4. Phân tích dữ liệu

Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel và phân tích thống kê bằng phần mềm SAS 9.1.3.

3. Kết luận

Nấm rơm Volvariella volvacea được nuôi trồng trong sọt trên bông vải có bổ sung mùn cưa thải sau khi trồng các loại nấm khác (linh chi, bào ngư, ...) và cám gạo. Kết quả là xây dựng được quy trình trồng nấm rơm trên bông vải có phối trộn mùn cưa thải với cám gạo với tỉ lệ 76.5% bông vải, 8.5% mùn cưa và 15% cám gạo không hấp thanh trùng giá thể nuôi cấy đạt trung bình 503g nấm trên sọt 3.5kg hiệu suất sinh học là 14.3%.

Tạp chí Khoa học ĐH Mở TP.HCM (tập 19, số 1, năm 2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài