SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả can thiệp của quy trình giặt, sấy trong việc giảm mức độ ô nhiễm vi sinh vật trên đồ vải y tế tại Bệnh Viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ

[27/05/2024 09:21]

Nghiên cứu nhằm xác định các loại vi sinh vật phân bố trên đồ vải thông thường và đồ vải phẫu thuật đang được sử dụng tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Đồ vải y tế là một phương tiện quan trọng, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cũng như nhân viên y tế trong hầu hết các hoạt động chăm sóc và điều trị hằng ngày, được xem là mắc xích quan trọng trong chuỗi lây truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Nghiên cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho thấy 100% mẫu đồ vải trước khi giặt đều bị ô nhiễm vi khuẩn, trung bình 732,2 CFU/cm2 đối với đồ vải thông thường và 792,7 CFU/cm2 đối với đồ vải phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện lại có các mức độ quan tâm khác nhau, cũng như các quy trình khác nhau trong việc xử lý đồ vải y tế trước khi tái sử dụng dẫn đến còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chất lượng các quy trình xử lý đồ vải y tế chưa được kiểm định và giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Việc đánh giá hiệu quả can thiệp của quy trình giặt, sấy trong việc giảm mức độ ô nhiễm vi khuẩn trên đồ vải y tế mang lại ý nghĩa thiết thực trên lâm sàng, góp phần làm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Đối tượng nghiên cứu:

 Đồ vải thông thường và đồ vải phẫu thuật đang được sử dụng tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phân tích và xử lý số liệu: Sau khi có đủ số liệu, các phiếu thu thập số liệu được kiểm tra lại để đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin và thực hiện mã hóa. Sau đó nhập liệu và xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.

100% mẫu đồ vải y tế sau khi sử dụng có sự hiện diện của vi sinh vật, Staphylococcus species chiếm tỉ lệ cao nhất ở cả đồ vải thông thường (17,9%) và đồ vải phẫu thuật (23,3%), tỉ lệ thấp nhất ở đồ vải thông thường là Klebsiella pneumoniae (3,6%) và đồ vải phẫu thuật là Pseudomonas aeruginosa (3,3%). Quy trình giặt bằng nhiệt độ, hóa chất không thể loại bỏ hết vi sinh vật. Kết hợp quy trình giặt, sấy giúp loại bỏ hoàn toàn vi sinh vật.

Tác nhân vi sinh vật tồn tại trên đồ vải thông thường và đồ vải phẫu thuật sau khi sử dụng là Staphylococcus species, Streptococcus pyogens, nấm, Trực khuẩn Gram (+), Moraxella catarrhalis, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli và Citrobacter species. Quy trình giặt bằng nhiệt độ, hóa chất làm giảm đáng kể các tác nhân vi sinh vật (p < 0,05), tuy nhiên không thể loại trừ hoàn toàn. Kết hợp quy trình giặt, sấy đã loại bỏ được hoàn toàn các tác nhân vi sinh vật (p < 0,05). Các đơn vị nên có chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả của quy trình giặt, sấy xử lý đồ vải y tế tại đơn vị để giảm tỉ lệ lây truyền các tác nhân vi sinh vật cho người bệnh, góp phần giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ