Đánh giá mức độ nặng và phân tích kết cục điều trị ở bệnh nhân viêm phổi cộng đồng qua một số thang điểm tại Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ năm 2022-2023
Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ nặng và mối liên quan với kết cục điều trị ở bệnh nhân VPCĐ qua các thang điểm CRB-65, CURB-65, ECURB-65, PSI.
Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) là một trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính thường gặp trên thực hành lâm sàng. VPCĐ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao đã cho thấy tầm quan trọng trong chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân một cách phù hợp [1]. Hiện nay, trên thế giới đã đưa ra nhiều thang điểm để đánh giá mức độ nặng của VPCĐ, trong đó thang điểm PSI không những nổi bật với vai trò tiên đoán tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày mà còn giúp tiên lượng bệnh nhân với nhiều mức nguy cơ khác nhau. Mặc dù được đánh giá cao trên lâm sàng, nhưng thang điểm PSI cần nhiều chỉ điểm cận lâm sàng và chưa đề cập đến những bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú. Để khắc phục nhược điểm nêu trên, hệ thống thang điểm CURB-65, CRB-65 và ECURB-65 lần lượt ra đời với ít tiêu chí hơn, thuận tiện cho việc đánh giá mức độ nặng ở bệnh nhân Viêm phổi cộng đồng.
Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân VPCĐ từ 18 tuổi trở lên điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023.
Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp thu thập số liệu: Tất cả số liệu được thu thập theo bảng số liệu tại thời điểm bệnh nhân nhập viện điều trị và tại thời điểm bệnh nhân ra viện. Những trường hợp không thể theo dõi được sẽ loại khỏi nghiên cứu.
Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Số liệu sau khi được thu thập sẽ được nhập và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 25.0. Các thuật toán sử dụng trong nghiên cứu: Các biến định tính được mô tả bằng tần số (n), tỷ lệ (%). Các biến định lượng có phân phối chuẩn: ghi nhận giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất. Các biến định lượng có phân phối không chuẩn: ghi nhận trung vị, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất. Các kiểm định có ý nghĩa thống kê khi trị số p<0,05.
Qua nghiên cứu 91 trường hợp VPCĐ nhập viện, chúng tôi đưa ra một số nhận xét về mức độ nặng ở bệnh nhân VPCĐ qua các thang điểm CRB-65, CURB-65, ECURB-65 và PSI ghi nhận có sự khác biệt giữa các phân nhóm đối với kết cục điều trị thành công và thất bại trong từng thang điểm có ý nghĩa thống kê. Thang điểm ECURB-65 có khả năng hỗ trợ tốt dự đoán kết cục điều trị ở bệnh nhân VPCĐ nhập viện với AUC là 0,927. Ngoài ra, thang điểm CRB-65 với tính đơn giản, dễ nhớ cũng giúp tiên đoán kết cục điều trị trên lâm sàng với AUC là 0,905.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024