SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số vấn đề về khai thác tài nguyên du lịch ở tỉnh Long An

[27/05/2024 10:01]

Là địa phương có tiềm năng khá lớn về tài nguyên du lịch, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, tuy nhiên du lịch Long An hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quá trình quy hoạch phát triển du lịch cùng những biến động về kinh tế - xã hội đã đặt ra vấn đề khai thác tài nguyên du lịch như thế nào cho hiệu quả, bền vững. Trong quá trình khai thác tài nguyên phát triển du lịch đã và đang nảy sinh khá nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển du lịch như: phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái; phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng; vấn đề liên kết vùng… Bài viết này tập trung phân tích hiệu quả của việc khai thác tài nguyên du lịch ở tỉnh Long An và những vấn đề đặt ra trong khai thác tài nguyên, từ đó đề xuất định hướng khai thác phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

Du lịch là ngành có sự định hướng tài nguyên rất rõ, bên cạnh hiệu quả kinh tế còn ảnh hưởng đến cấu trúc không gian lãnh thổ du lịch và có vai trò gần như quyết định trong việc hình thành các điểm, cụm, tuyến du lịch. Để phát huy hiệu quả cũng như giữ gìn, bảo vệ bền vững tài nguyên trong quá trình phát triển du lịch thì ngoài việc phải tiến hành kiểm kê, đánh giá, việc xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên sao cho hiệu quả là điều vô cùng cần thiết, quyết định sự thành công của ngành du lịch ở bất cứ địa phương nào.

Long An có tiềm năng khá lớn về tài nguyên du lịch, tuy nhiên du lịch Long An hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Tỉ lệ đóng góp của ngành vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh còn thấp; chưa có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và đưa ra các chiến lược phát triển xứng tầm; tiến độ thực hiện các dự án du lịch theo quy hoạch còn rất chậm; sản phẩm du lịch hiện tại phần lớn chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử - văn hóa, chưa có những sản phẩm đặc thù chất lượng cao; nhiều điểm du lịch có đầu tư trùng tu, tôn tạo song kết cấu hạ tầng và chất lượng phục vụ vẫn còn hạn chế; các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành vừa ít về số lượng, vừa yếu về năng lực tài chính; chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, đội ngũ lao động trong ngành du lịch thiếu và yếu chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp; công tác tuyên truyền, quảng bá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các sản phẩm quảng bá mới chỉ cung cấp tới các điểm di tích, khách sạn, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, chưa được quảng bá đến các thị trường khách du lịch; hoạt động liên kết trong phát triển du lịch giữa Long An với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) còn nhiều hạn chế.

Việc phát triển du lịch dựa trên lợi thế tài nguyên đang nảy sinh khá nhiều vấn đề mới phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái; phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng; vấn đề liên kết vùng… và các yếu tố mới đang nổi lên như sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng trong vùng ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng được cải thiện bảo đảm sự thông thương giữa hai vùng và các vùng trên cả nước; Cụm Liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL (được hình thành từ năm 2014, gồm 6 tỉnh, trong đó có Long An)... đặt ra những yêu cầu mới cho việc khai thác tài nguyên phát triển du lịch của tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu, một số phương pháp truyền thống đã được sử dụng như: điều tra xã hội học, thu thập và xử lý tài liệu; thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh; phương pháp chuyên gia… Tác giả đã sử dụng có chọn lọc các nguồn tài liệu như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Niên giám thống kê tỉnh Long An các năm 2011-2021; Luật quy hoạch đô thị; Thông tin từ trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Long An. Từ đó, tác giả có cơ sở khoa học để phân tích thực trạng cũng như thành lập bản đồ tài nguyên du lịch, đưa ra định hướng phát triển du lịch cho địa bàn nghiên cứu. Thông tin và số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Mapinfo.

ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC TÀI NGUYÊN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI TỈNH LONG ANTỉnh Long An có khu vực sinh thái đặc biệt, đặc trưng của vùng ĐBSCL, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Khu vực Đồng Tháp Mười cũng được xác định là “khu vực bảo tồn môi sinh và du lịch”. Tuyến cao tốc vành đai 3 của TP. HCM sẽ đi qua hầu hết các huyện Đông Bắc của Long An, gắn kết các huyện Đức Hòa, Đức Huệ với Cần Đước, Cần Giuộc. Điều này tác động mạnh đến phát triển du lịch của tỉnh với vai trò là vệ tinh của TP. HCM. Từ những điều kiện này và cơ sở tài nguyên du lịch của tỉnh, hệ thống sản phẩm du lịch của Long An cần được phát triển theo hướng:

- Quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, nhất là từ TP. HCM để tạo ra thay đổi đột phá trong phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng ở Long An.

- Xác định TP. HCM là nguồn khách chính và vai trò vệ tinh của mình đối với trung tâm du lịch rất lớn này.

- Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Các sản phẩm khác có thể được lựa chọn để bổ sung cho hệ thống sản phẩm chung tùy vào tình hình thực tế.

Cụ thể, với sản phẩm du lịch đặc thù:

- Du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ: Sản phẩm du lịch đường sông cần được quan tâm phát triển trên hệ thống Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, nhất là sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chạy từ Tây Ninh xuống qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức đổ ra Cần Giuộc. Việc quan tâm đầu tư phát triển du lịch trên sông Vàm Cỏ giúp tạo sự khác biệt và sức hấp dẫn. Thị trường khách sẽ gồm cả khách quốc tế và nội địa đi theo đoàn, theo tour trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Lộ trình là TP. HCM - Củ Chi - Tây Ninh - Long An - ĐBSCL - TP. HCM hoặc khách từ Campuchia theo đường sông sang.

- Du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười: Để phát triển du lịch sinh thái, Long An cần dựa vào ba điểm du lịch quan trọng là Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập và Trung tâm dược liệu Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen có diện tích lớn hơn vườn quốc gia Tràm Chim của Đồng Tháp nhưng đa dạng sinh học, cấp độ bảo tồn lại thấp hơn nên sức chứa cao hơn; các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng, cho khách du lịch cũng phong phú và đa dạng hơn. Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập với vị trí thuận lợi nằm trên trục QL62, có khu vực sinh thái tự nhiên hấp dẫn, được quy hoạch và đầu tư hạ tầng khá bài bản. Nếu được đầu tư dịch vụ lưu trú, nhà hàng và phương tiện vận chuyển như xuồng máy, thuyền chèo tay thì nơi đây sẽ có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm này thường đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia. Khách nội địa đến từ TP. HCM, Hà Nội và các địa phương ngoài vùng ĐBSCL hoặc học sinh, sinh viên trong tỉnh. Khách chọn sản phẩm này thường đi theo nhóm dưới 15 người, thời gian lưu trú bình quân từ 1,5-2 ngày. Họ có khả năng tài chính tốt, hiểu biết, có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu.

Với nhóm sản phẩm chính có du lịch cuối tuần, du lịch tham quan, du lịch nông thôn:

- Du lịch cuối tuần: Với vị trí địa lý liền kề TP. HCM, thành phố có nhu cầu nghỉ cuối tuần rất lớn, Long An sẽ là điểm đến tiềm năng. Tỉnh cần tập trung hoàn thiện loại sản phẩm du lịch này trên cơ sở một số điểm du lịch đã được hình thành như Khu du lịch sinh thái Tân Lập, Khu du lịch Phước Lộc Thọ, Khu Lâm viên Thanh niên, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, sân golf kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa sẽ tạo được sức hấp dẫn riêng của nhóm sản phẩm này. Lợi thế về cảnh quan dọc các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây cũng cần được chú trọng khai thác để phát triển các khu du lịch sinh thái, cũng là cách hỗ trợ cho sản phẩm du lịch đường thủy - du lịch đặc thù của Long An phát triển.

- Du lịch tham quan: Cho dù có các di tích lịch sử - văn hóa nhưng do đặc điểm quy mô nhỏ và phân bố địa lý không thực sự thuận tiện của các tài nguyên này nên sản phẩm du lịch tham quan ở Long An chỉ có thể đóng vai trò bổ sung. Tỉnh cần tập trung vào các vấn đề dưới đây để tiếp tục duy trì và phát triển sản phẩm du lịch tham quan: (1) Khách quan khi đưa ra quyết định đầu tư vào những điểm di tích lịch sử - văn hóa để tránh tình trạng chỗ cần thì không được đầu tư, chỗ ít có giá trị và sức hấp dẫn thì lại đầu tư quá nhiều. (2) Nghiên cứu và hỗ trợ cho một số di tích hiện do các hộ dân quản lý nhưng khá hấp dẫn đối với du khách như lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm Cột... (3) Đầu tư sưu tầm, thu thập thông tin có liên quan đến các di tích, sự kiện và nhân vật lịch sử văn hóa và bằng nhiều kênh và cách thức khác nhau, cung cấp những thông tin này đến các công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch. Từ đó, họ có thể xây dựng lịch trình tour và nội dung thuyết minh có chất lượng. Hiện tại, sản phẩm du lịch tham quan quy mô còn nhỏ và hiệu quả thấp nhưng vẫn đang đóng vai trò chính. Thời gian tới, khi các sản phẩm này phát triển ổn định sẽ đóng vai trò bổ trợ quan trọng cho sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch chính.

- Du lịch nông thôn: Với thế mạnh về nông nghiệp với nhiều làng nghề và hàng trăm trang trại, việc phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mà trọng tâm là du lịch trang trại và du lịch làng nghề ở Long An là rất triển vọng. Du lịch nông thôn cần phải trở thành sản phẩm du lịch chính của Long An. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm du lịch này trong thế cạnh tranh với các địa phương ở vùng ĐBSCL, một số vấn đề cần lưu ý là: (1) Phân biệt và tìm ra được những điểm khác biệt và tương đồng giữa du lịch trang trại với du lịch nông nghiệp; du lịch miệt vườn và du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay). Du lịch nông nghiệp đã được phát triển khá bài bản ở An Giang; du lịch miệt vườn và du lịch nghỉ tại nhà dân phát triển phổ biến ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang và An Giang. Nếu không nghiên cứu kỹ để tìm ra đặc điểm riêng thì sản phẩm du lịch trang trại có thể bị trùng lặp, không mang tính cạnh tranh; (2) Nghiên cứu, sàng lọc các trang trại theo một số tiêu chí cụ thể như: vị trí thuận lợi (ưu tiên gần các trục giao thông và các tuyến du lịch chính), quy mô tương đối lớn, sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn và riêng có, mô hình quản lý khoa học, hiện đại, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ xanh và sạch, đồng thời đặc biệt chú ý đến việc đón tiếp cũng như cung ứng dịch vụ cho du khách… từ đó chọn ra danh sách các trang trại cần khảo sát và làm việc cụ thể cho kế hoạch phát triển sản phẩm; (3) Để phát triển sản phẩm du lịch này, vốn đầu tư sẽ từ chính các chủ trang trại, trách nhiệm của ngành du lịch địa phương là cung cấp thông tin thị trường, chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch vùng và địa phương, tư vấn chuyên môn và cung cấp chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch; (4) Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm này gồm khách quốc tế đa quốc tịch, khách nội địa từ TP. HCM và các địa phương khác ngoài vùng ĐBSCL. Họ chủ yếu đi theo đoàn, theo tour trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Khách từ TP. HCM đi nghỉ cuối tuần, đi theo gia đình và nhóm bạn bè bằng xe riêng hoặc xe thuê; học sinh, sinh viên, đi nghỉ kết hợp với các hoạt động đoàn thể, học tập.

Với nhóm sản phẩm du lịch khác có du lịch quá cảnh, du lịch tham quan mùa nước nổi, du lịch tham quan nghiên cứu:

- Du lịch quá cảnh: Có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Long An là một trong những địa phương có khả năng phát triển sản phẩm du lịch quá cảnh để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế từ khu vực cũng như khách du lịch trong nước đi du lịch các nước bằng đường bộ. Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm này gồm khách quốc tế đa quốc tịch, khách nội địa từ TP. HCM và các địa phương khác ngoài vùng ĐBSCL. Họ chủ yếu đi theo đoàn, theo tour trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Nhóm khách này cũng có trình độ văn hóa, có nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch kết hợp mua sắm và vui chơi giải trí.

- Du lịch tham quan mùa nước nổi: Đây là sản phẩm mới, khá độc đáo và hấp dẫn. Mùa lũ từ tháng 8 đến cuối tháng 12 với đỉnh lũ từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 là thời gian trùng khớp với mùa du lịch quốc tế đến Việt Nam. Để phát triển sản phẩm này, cần lưu ý các vấn đề sau: (1) Tổ chức một số hoạt động đặc thù bên cạnh các hoạt động du lịch chung như tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của các khu tái định cư tránh lũ ở vùng đất cao; tìm hiểu hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân hay tham quan các vùng sinh thái Đồng Tháp Mười trong mùa nước nổi… (2) Xây dựng các phương án vận chuyển, bảo đảm an toàn, cứu hộ cứu nạn, cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ, tham quan,.. cho du khách khi trải nghiệm sản phẩm này.

- Du lịch tham quan nghiên cứu: Đây là loại sản phẩm khá hấp dẫn nhưng cũng là sản phẩm khá “kén khách”. Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm này gồm khách quốc tế đa quốc tịch, khách nội địa từ TP. HCM và các địa phương khác ngoài vùng ĐBSCL. Họ chủ yếu đi theo đoàn, theo tour trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Khách từ TP. HCM đi nghỉ cuối tuần, đi theo gia đình và nhóm bạn bè bằng xe riêng hoặc thuê; học sinh, sinh viên đi nghỉ kết hợp với các hoạt động đoàn thể, học tập. Vì vậy, việc tổ chức các dịch vụ cũng yêu cầu cao hơn để đáp ứng nhu cầu cho du khách.

ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Điểm du lịch: Các điểm du lịch quan trọng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh Long An gồm: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu kiến trúc khảo cổ Bình Tả, Khu di tích lịch sử Cách mạng Lã Thúy Hường / Một số vấn đề về khai thác tài nguyên du lịch ở tỉnh Long An 30 Long An, Khu du lịch vui chơi giải trí Happy Land, Khu thương mại du lịch cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

Những điểm du lịch quan trọng có ý nghĩa vùng và địa phương trên địa bàn gồm: Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, Bảo tàng Long An, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Đình Vĩnh Phong, Chùa Nổi (Cổ Sơn Tự), Chùa Linh Sơn, Chùa Tôn Thạnh, Khu di tích Căn cứ xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, Nhà Trăm Cột, Đồn Rạch Cát, Núi Đất - Mộc Hóa, Khu vui chơi giải trí Hồ Khánh Hậu.

Tuyến du lịch: Các tuyến du lịch trong tỉnh:

- Tuyến Tân An - Mộc Hóa - Láng Sen: là tuyến du lịch hấp dẫn và quan trọng với các điểm du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười. Trên tuyến này, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn các cảnh quan, sinh thái và trải nghiệm cuộc sống thường nhật của cư dân vùng sông nước. Ngoài ra, trên tuyến này, du khách sẽ có cơ hội đến với khu thương mại - dịch vụ du lịch cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và tham quan vùng biên giới Campuchia. Ở chiều ngược lại, du khách từ nước bạn sẽ có thể đến thăm các điểm du lịch sinh thái, các điểm di tích lịch sử văn hóa tại TP. Tân An và khu du lịch vui chơi giải trí Happy Land mang tầm khu vực và quốc tế cũng là khu du lịch vui chơi giải trí lớn nhất nước ta.

- Tuyến Tân An - Đức Hòa - Đức Huệ: đây là tuyến du lịch đưa du khách về với những di tích lịch sử cách mạng và di tích khảo cổ có giá trị nhất của tỉnh. Đồng thời, du khách sẽ còn có cơ hội trải nghiệm giá trị văn hóa của điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ, cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông.

- Tuyến Tân An - Cần Đước - Cần Giuộc: trên tuyến này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị ở các di tích lịch sử - văn hóa như Chùa Phước Lâm, Chùa Tôn Thạnh, Đồn Rạch Cát, Nhà Trăm Cột và đặc biệt là di tích gắn với anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đây cũng là tuyến du lịch mà du khách có cơ hội trải nghiệm cảnh quan sinh thái rừng ngập mặn khu vực sông Soài Rạp.

- Tuyến đường sông: dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, nhất là các đoạn Đức Hòa - Hiệp Hòa, Bến Lức - Tân Trụ và theo sông Vàm Cỏ Tây, tập trung ở đoạn Tân Lập - Mộc Hóa - chùa Nổi là tuyến du lịch đặc thù rất hấp dẫn cần được đầu tư phát triển tạo sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt với các địa phương vùng ĐBSCL. Dọc tuyến này, du khách sẽ có được những trải nghiệm đặc biệt về cảnh quan tự nhiên ven sông Vàm Cỏ cũng như tham quan các di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề dọc hai bờ sông.

Các tuyến du lịch liên tỉnh:

- Tuyến Tân An - TP. HCM: đây là tuyến du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với du lịch Long An bởi TP. HCM là thị trường phân phối khách quan trọng nhất cho tỉnh nhà. Khu du lịch vui chơi giải trí Happy Land càng làm tuyến du lịch này sẽ trở nên sôi động. Việc phát triển tuyến du lịch này còn cho phép du lịch Long An kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và gắn kết với hệ thống tuyến điểm du lịch quốc gia qua TP. HCM..

- Tuyến Tân An - Cần Thơ - các tỉnh ĐBSCL: đây là tuyến du lịch liên vùng tạo sự liên kết trong phát triển du lịch giữa Long An với các địa phương vùng ĐBSCL. Điều này cho phép bổ sung những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng như du lịch miệt vườn, du lịch chợ nổi... tạo sự hấp dẫn chung và qua đó thu hút thêm khách du lịch đến với Long An và các địa phương vùng ĐBSCL.

- Tuyến Tân An - Tây Ninh: là tuyến du lịch liên tỉnh tạo cơ hội khai thác tiềm năng du lịch của vùng Đông Nam Bộ, nhất là Tây Ninh lại có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Tòa thánh Tây Ninh, núi Bà Đen, Chiến khu D, hồ Dầu Tiếng...

- Tuyến du lịch quốc tế: Với lợi thế có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Long An có cơ hội để phát triển tuyến du lịch quốc tế nhằm thu hút khách từ bên kia biên giới mà đầu tiên là khách từ hai nước láng giềng và các nước trong khu vực ASEAN. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh ASEAN đang là một điểm đến du lịch thống nhất; du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông đang rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế và thu hút các nhà đầu tư

Tỉnh Long An có tiềm năng khá lớn về tài nguyên du lịch nhưng ngành du lịch hiện phát triển chưa tương xứng. Trong quá trình khai thác tài nguyên, phát triển du lịch, đang nảy sinh khá nhiều vấn đề mới như phát triển du lịch gắn với gìn giữ các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển du lịch không tách rời lợi ích cộng đồng; vấn đề liên kết vùng... đặt ra những yêu cầu mới cho việc phát triển du lịch của tỉnh. Trước tình hình đó, Long An cần khai thác tài nguyên, phát triển du lịch theo các hướng: Phát triển sản phẩm - thị trường du lịch; Tổ chức không gian phát triển du lịch bằng việc quy hoạch hệ thống điểm, tuyến du lịch; Mỗi sản phẩm, tuyến - điểm du lịch yêu cầu sự đầu tư tập trung để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài