SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng bệnh trên một số đối tượng cá nuôi ở Lào Cai năm 2022

[27/05/2024 10:37]

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022 tại Lào Cai với tổng số 192 mẫu cá thu được trên các đối tượng là cá Chép, cá Trắm, cá Rô phi (nhóm cá nuôi truyền thống) và cá Hồi, cá Tầm (nhóm cá nuôi nước lạnh). Phương pháp soi tươi được áp dụng cho chỉ tiêu nấm, nuôi cấy phân lập cho vi khuẩn và kỹ thuật PCR cho chỉ tiêu vi rút. Kết quả cho thấy tác nhân nấm được phát hiện với tỷ lệ nhiễm cao ở cả 2 nhóm đối tượng nghiên cứu cá nuôi truyền thống (83,3%) và cá nuôi nước lạnh (66,7%); trong số đó hơn 90% là nhiễn nấm mang Branchiomyces sp.; còn lại là Dermocystidium sp. và Aphanomyces sp., thời gian bắt gặp là từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khi đó tác nhân do vi khuẩn bắt gặp thấp hơn, tỷ lệ nhiễm các loài vi khuẩn Edwardsiella sp., Streptococcus sp. và Aeromonas sp. trong khoảng từ 20 đến 35%, đặc biệt thời gian các tháng 9, 10 có tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn các tháng khác. Để hạn chế những thiệt hại do bệnh gây ra cho các đối tượng nuôi, người nuôi cần xử lý nước trước khi cho chảy vào ao/bể nuôi để hạn chế tác nhân gây bệnh do vi khuẩn, nấm hạt và đặc biệt là bệnh do nấm mang, định kỳ hàng tháng cho cá ăn vitamin C hoặc vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, đặc biệt là nhiệt độ, lượng amoniac và lượng chất hữu cơ trong ao nuôi để giảm thiệt hại khi cá bị nhiễm nấm mang.

Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Bắc, với đặc điểm khí hậu được thiên nhiên ưu đãi như mát mẻ vào mùa hè, lạnh vào mùa đông, có nhiều suối nước sạch nên rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bên cạnh những đối tượng cá nuôi truyền thống lâu đời. Năm 2021 tổng diện tích nuôi thủy sản ở Lào Cai là 2.185 ha, sản lượng năm trước đạt gần 11.000 tấn. Hiện nay địa phương đang quan tâm và có kế hoạch phát triển cả về quy mô sản xuất và sản lượng nuôi. Mục tiêu về diện tích đến năm 2025 là: ao hồ nhỏ đạt 2.400 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3 , thể tích nuôi cá lồng đạt 17.000 m3 và sản lượng nuôi phấn đấu đạt 13.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 12.550 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 950 tấn). Do đó công tác quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh đối với cá nuôi trên địa bàn cũng rất được địa phương chú trọng. Nghiên cứu này là tổng hợp những kết quả thu được trong chương trình giám sát năm 2022 với mục đích xác định hiện trạng bệnh trên mỗi đối tượng cá nuôi và sự bắt gặp theo thời gian trong năm 2022 ở Lào Cai, từ đó giúp các nhà quản lý, người nuôi thủy sản tại địa phương quản lý tốt hơn về sức khỏe đàn cá nuôi.

Nghiên cứu được triển khai từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022. Mẫu cá được thu tại Phong Hải, Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), Cốc Ly (huyện Bắc Hà), Quang Kim (huyện Bát Xát) đối với nhóm cá nuôi truyền thống và tại Ngủ Chỉ Sơn và Ô Quý Hồ (Sapa) - đối với nhóm cá nuôi nước lạnh. Mẫu cá được phân tích tại Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc - Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Bắc Ninh, Việt Nam.

Đối tượng nghiên cứu: cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Rô phi (nhóm cá truyền thống) và cá Tầm, cá Hồi (nhóm cá nước lạnh).

HIỆN TRẠNG BỆNH Ở NHÓM CÁ NUÔI TRUYỀN THỐNG

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12, ở nhóm cá nuôi truyền thống (cá Trắm, cá Chép và cá Rô phi) đã phân tích 144 mẫu nấm, 72 mẫu vi khuẩn và 28 mẫu KHV. Kết quả phân tích đã bắt gặp 83,33% mẫu nhiễm nấm, tỷ lệ nhiễm khuẩn lần lượt là Aeromonas sp. 20,83%, Streptocosccus sp. 23,61% và Edwardsiella sp. 34,72%. Ngoài ra không phát hiện tác nhân gây bệnh KHV ở nhóm cá truyền thống đã phân tí

1.Nấm ở nhóm cá nuôi truyền thống

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở cá nuôi truyền thống có đến 83,3% cá được kiểm tra bị nhiễm nấm, thành phần nấm được phát hiện là nấm mang (Branchiomyces sp.) chiếm 82,50%, nấm hạt (Dermocystidium sp.) 17,25% và nấm Aphanomyces sp. 0,2%.

Nấm mang (Branchiomyces sp.) được phát hiện ở tất cả các tháng nghiên cứu với tần suất bắt gặp cao ở cả 3 đối tượng là cá Trắm, Rô phi và cá Chép với tỷ lệ nhiễm từ 50- 100%, riêng mẫu cá Trắm được phân tích nấm từ tháng 9. Nấm hạt Dermocystidium sp. bắt gặp ở cá Trắm vào tháng 12 với tỷ lệ nhiễm gần 18%; ở cá Rô phi là tháng 5, 8 (50%) và tháng 11 (18%); ở cá Chép là tháng 5, 12 (50%), tháng 7 (20%) và tháng 11 (15%).

Bệnh nấm mang (Branchiomycosis) được báo cáo là một loại bệnh do nấm nguy hiểm nhất của hầu hết các loài cá trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các trang trại cá Chép. Nấm mang gây bệnh cấp tính, tỷ lệ chết cao ở một số loài cá nước ngọt trong đó có cá Chép, Rô và Trắm cỏ khi cá nhiễm bệnh nặng. Tổn thương chính do nấm mang gây ra tại mang, gây rối loạn hô hấp của cá; cản trở quá trình hô cấp của cá, khiến nắp mang chuyển động nhanh và cá chết hàng loạt, tỷ lệ thiệt hại có thể đến 95% diện tích nuôi. Tổn thương ở mang dễ quan sát nhất với sự xuất hiện vân cẩm thạch và các vùng hoại tử trên mang, chính vì vậy bệnh này còn được gọi là bệnh thối mang.

Nấm hạt (Dermocystidium sp.) được nhóm nghiên cứu của Hassan và cộng sự phát hiện trên 20 loài cá bao gồm cá nước ngọt, nước mặn (cả cá nuôi và cá trong tự nhiên). Bệnh được phát hiện chủ yếu trên mang, da và giác mạc mắt của cá gây ra các u mang có kích thước và hình dạng khác nhau. Bệnh do nấm hạt được cho là không gây tỷ lệ chết cao đối với các loài cá, tuy nhiên cũng đã có một số trường hợp ghi nhận khi cá chết thấy cá bị nhiễm nấm hạt rất nặng.

2.Vi khuẩn ở nhóm cá nuôi truyền thống

Vi khuẩn Aeromonas sp. được bắt gặp ở cá Trắm với tỷ lệ nhiễm cao vào tháng 5 (hơn 60%), tỷ lệ nhiễm thấp hơn vào các tháng 7, 8 và 10 (12-25%). Vi khuẩn Streptococcus sp. được bắt gặp ở tháng 6 và 8 trong khi đó Edwardsiella sp. được bắt gặp cao ở tháng 11 và thấp hơn vào tháng 5 và 6. Vi khuẩn là nhóm xuất hiện phổ biến khi kiểm tra mẫu cá nước ngọt nói chung, nhóm tác nhân này thường tồn tại trong ao nuôi trong suốt vụ nuôi, nhưng khi gặp một số yếu tố môi trường bất lợi làm cá bị cá bị stress, cá yếu, khi đó những chủng vi khuẩn có độc lực cao thuộc các loài như Aeromonas hydrophyla, A. sobria, Streptococcus agalactiae, Edwardsiella ictaluri có điều kiện phát triển và có thể gây phát bệnh cho cá nuôi.

Ở cá Chép, tỷ lệ nhiễm khuẩn Edwardsiella sp. cao nhất vào tháng 6 và tháng 7 (hơn 60%), tiếp đến là tháng 5, 8 và tháng 11 (25 - 30%). Trong khi đó vi khuẩn Aeromonas sp. có tỷ lệ nhiễm thấp hơn, cụ thể ở tháng 10 (25%), các tháng khác có tỷ lệ nhiễm từ 12- 20%. Không phát hiện hai loài vi khuẩn Edwardsiella sp. và Aeromonas sp. ở tháng 9 và tháng 12.

Ở cá Rô phi, bệnh do vi khuẩn Streptococcus sp. ở cá Rô phi được phát hiện ở 50% số mẫu được kiểm tra vào tháng 5 và tháng 8, tỷ lệ nhiễm thấp hơn vào các tháng 6, 7 và không bắt gặp từ tháng 9 đến tháng 12. Đối với bệnh Stretococcosis, nhiệt độ được cho là yếu tố liên quan mạnh đến sự xuất hiện và bùng phát. Bệnh xuất hiện phổ biến khi nhiệt độ nước trên 27oC, phù hợp với nhiệt độ nước vào mùa hè nên còn được gọi là bệnh “nước ấm”. Một nghiên cứu của nhóm tác giả khi phân tích hệ thống dữ liệu trong 10 năm (2006-2015) được thu thập từ hệ thống quan trắc các trang trại nuôi cá ở Đài Loan cho thấy, tỷ lệ nhiễm bệnh liên cầu khuẩn Streptococcosis ở cá Rô phi tích lũy trong mỗi tháng đạt mức cao nhất (gần 50%) là từ tháng 7 đến tháng 9, phù hợp với thời điểm nhiệt độ nước cao nhất của đất nước này.

Ở Việt nam, ba nhóm vi khuẩn là Aeromonas sp., Streptococcuss sp. và Edwardsiella sp. được phát hiện ở nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt nói chung bao gồm cả cá nuôi và cá tự nhiên. Nhóm tác nhân này có thể xuất hiện vào các mùa trong năm cũng các tháng trong vụ nuôi. Tuy nhiên bệnh sẽ bùng phát khi chủng vi khuẩn có độc lực và điều kiện môi trường kém, khi cá bị stress, cá yếu và đặc biệt vào những thời điểm có sự giao động lớn của yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, NH3.

HIỆN TRẠNG BỆNH Ở NHÓM CÁ NUÔI NƯỚC LẠNH

Ở nhóm cá nuôi nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi), 48 mẫu đã được phân tích trên mỗi nhóm chỉ tiêu bao gồm nấm, vi khuẩn (Aeromonas sp., Streptococcus sp và Edwardsiella sp.) và vi rút gây hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV). Kết quả phân tích đã bắt gặp 66,7% mẫu nhiễm nấm, tỷ lệ nhiễm khuẩn là Aeromonas sp. 20,83%, Streptocosccus sp. 27,08%, Edwardsiella sp. 31,26%. Ngoài ra không phát hiện tác nhân gây bệnh IHNV ở cá Tầm, cá Hồi.

1. Nấm ở nhóm cá nuôi nước lạnh

Kết quả cho thấy ở nhóm cá nuôi nước lạnh tỷ lệ bắt gặp tác nhân là 66,7%, với 2 loài là nấm mang (Branchiomyces sp.) và nấm hạt (Dermocystidium sp.), trong đó nấm mang chiếm 97% và nấm hạt chiếm 3% tổng số mẫu nhiễm. Tỷ lệ nhiễm nấm ở cá Tầm là 100% vào các tháng 6, 9, 11 và 12. Tỷ lệ nhiễm thấp hơn ở các tháng khác (50-75%). Trong khi đó ở cá Hồi, tỷ lệ nhiễm cao nhất vào tháng 5 và 6, các tháng khác tỷ lệ nhiễm thấp hơn và không bắt gặp ở các mẫu kiểm tra vào các tháng 8, 9 và 12. Bệnh do nấm mang được cho là xảy ra thường xuyên nhất ở các vùng khí hậu ấm áp, trong cùng một cường độ nhiễm nhưng nếu nhiệt độ nước dưới 20oC mức độ ảnh hưởng đến cá sẽ thấp hơn khi nhiệt độ nước trên 20oC. Diễn biến bệnh và tỷ lệ chết khi cá bị nhiễm nấm mang cũng phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố ảnh hưởng, trong đó nhiệt độ nước là một trong những các yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất, tiếp đến là lượng amoniac liên kết cao trong nước và lượng chất hữu cơ cao. Khi một trong các yếu tố này càng cao, tỷ lệ chết càng cao, diễn biến bệnh càng nhanh và ngược lại.

2. Vi khuẩn ở nhóm cá nuôi nước lạnh

Ở cá Hồi, vi khuẩn Aeromonas sp. và Streptococcus sp. được bắt gặp vào các tháng 5, 6 và 7 với tỷ lệ nhiễm Aeromonas sp. là 25% và Streptococcus sp. 25-50%. Vi khuẩn Edwardsiella sp. được bắt gặp vào tháng 6 (75%); tháng 8 (25%); tháng 11 33% và tháng 12 (100%). Riêng có tháng 9 và tháng 10 không phát hiện vi khuẩn ở các mẫu kiểm tra.

Khác với cá Hồi, vi khuẩn Streptococcus sp. và Edwardsiella sp. được bắt gặp ở cá Tầm từ tháng 5 đến tháng 9, riêng vi khuẩn Edwardsiella sp. được bắt gặp ở cả tháng 12. Tỷ lệ nhiễm từ 25-50% (Streptococcussp.) và từ 25-100% (Edwardsiella sp.). Vi khuẩn Aeromonas sp. được bắt gặp từ tháng 5 đến tháng 8 với tỷ lệ nhiễm thấp dần từ 75% đến 25%. Cũng giống như nhóm cá nuôi truyền thống, đối với nhóm cá nuôi nước lạnh, vi khuẩn A. hydrophila nói riêng và các loài vi khuẩn khác nói chung thường có thể tồn tại các mùa trong năm, lúc mùa đông có nhiệt độ thấp (7,7±1,4ºC), khi mùa hè với nhiệt độ cao (17,6±4,6ºC) [24]. Tuy nhiên chỉ khi gặp điều kiện môi trường bất lợi, hoặc khi cá bị yếu, các chủng độc lực mới phát triển mạnh và gây bệnh cho cá. Trong nghiên cứu của Võ Thế Dũng và cộng sự (2020) về bệnh vi khuẩn ở cá Hồi cũng bắt gặp vi khuẩn Aeromonas hydrophyla, Edwardsiella tarda và 6 loài khác ở cá Hồi có hiện tượng xuất huyết, trong đó tỷ lệ nhiễm vi khuẩn A. hydrophila là 79,3%, E. tarda là 22,4%, các loài khác có tỷ lệ nhiễm thấp khá thấp.

Ở Lào Cai trong năm 2022, tác nhân nấm được phát hiện với tỷ lệ nhiễm cao ở cả 2 nhóm đối tượng nghiên cứu cá nuôi truyền thống (83,3%) và cá nuôi nước lạnh (66,7%), trong số đó hơn 90% là nhiễn nấm mang Branchiomyces sp.; còn lại là Dermocystidium sp. và Aphanomyces sp, thời gian bắt gặp là từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khi đó tác nhân do vi khuẩn bắt gặp thấp hơn, tỷ lệ nhiễm các loài vi khuẩn Edwardsiella sp., Streptococcus sp. và Aeromonas sp. trong khoảng từ 20 đến 35%, đặc biệt thời gian các tháng 9, 10 có tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn các tháng khác.

Để hạn chế những thiệt hại do bệnh gây ra cho các đối tượng nuôi, người nuôi cần xử lý nước trước khi cho chảy vào ao/bể nuôi để hạn chế tác nhân gây bệnh do vi khuẩn, nấm hạt và đặc biệt là bệnh do nấm mang. Người nuôi định kỳ hàng tháng cho cá ăn vitamin C hoặc vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho cá. Không nuôi cá với mật độ quá dày và cần kiểm soát tốt các điều kiện môi trường, đặc biệt là nhiệt độ, lượng amoniac và lượng chất hữu cơ trong ao nuôi vì khi cá bị nhiễm bệnh, đặc biệt là nhiễm nấm mang kết hợp với một trong các yếu tố này càng cao thì tỷ lệ chết càng cao và diễn biến bệnh càng nhanh.

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài