Nguy cơ té ngã của bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú tại khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ và các yếu tố liên quan
Nghiên cứu nhằm xác định mức độ nguy cơ té ngã của người cao tuổi bằng thang điểm Johns Hopkins và các yếu tố liên quan đến mức độ nguy cơ té ngã tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43 hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó sự cố té ngã trong lúc chăm sóc tại cơ sở y tế là sự cố cần bắt buộc báo cáo Vì vậy, vấn đề phòng ngừa té ngã tại cơ sở y tế rất quan trọng do đó cần thiết phải sử dụng công cụ cho phép đánh giá chính xác về nguy cơ té ngã từ đó xây dựng kế hoạch chăm sóc cho từng bệnh nhân cụ thể. Quá trình lão hoá ở con người làm suy yếu các hoạt động của cơ quan trong cơ thể do đó không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người trong cuộc sống và té ngã là một trong những hiện tượng phổ biến ở người cao tuổi do quá trình thay đổi trên. Theo báo cáo của WHO, mỗi năm trên thế giới ước tính có khoảng 684.000 trường hợp tử vong do té ngã, trong đó 80% trường hợp tử vong liên quan đến té ngã xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình [1]. Có khoảng 28 – 35% người ở độ tuổi 65 tuổi trở lên bị ngã mỗi năm và gia tăng đến 32 – 42% ở người trên 70 tuổi. Chấn thương do té ngã làm giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi, gia tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ tạo gánh nặng cho kinh tế và xã hội.
Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đang điều trị nội trú tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Tiêu chuẩn chọn mẫu: Bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên và đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu;
Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện. Tất cả bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ khoảng tháng 11/2022 đến tháng 04/2023 thoả tiêu chuẩn chọn mẫu, lần lượt được chọn vào nghiên cứu, cho đến khi nghiên cứu ít nhất đạt số lượng cỡ mẫu tối thiểu 81 bệnh nhân.
Nội dung nghiên cứu: Thông tin chung của bệnh nhân: Tuổi, giới tính, nơi ở, trình độ học vấn, loại thuốc sử dụng (Có sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, lợi tiểu, an thần, nhuận tràng, thuốc giảm đau thuộc nhóm gây nghiện?), tiền sử ngã trong vòng 6 tháng trước. Đánh giá nguy cơ té ngã của bệnh nhân dựa vào thang đo Johns Hopkins (JHFRAT) 8 tiêu chí chính của nguy cơ té ngã: (1) Tiền sử của bệnh nhân: bại liệt; tiền sử bị té ngã từ hai lần trở lên trước khi nhập viện 6 tháng; tiền sử té ngã trong bệnh viện; nếu bệnh nhân đã bại liệt thì được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp, nếu bệnh nhân có 1 trong các yếu tố còn lại thì được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Nếu bệnh nhân không có những vấn đề trên thì tính tổng điểm từ tiêu chí (2) đến tiêu chí (8), (2) Tuổi (60-69 tuổi: 1 điểm; 70-79 tuổi: 2 điểm; ≥80 tuổi: 3 điểm), (3) Tiền sử ngã (Không: 0 điểm; Ngã 1 lần trong vòng 6 tháng trước: 5 điểm), (4) Bài tiết (Không vấn đề: 0 điểm; không kiểm soát hoặc tiểu gấp hoặc tiểu nhiều lần: 2 điểm; tiêu tiểu gấp/tiểu nhiều lần và không kiểm soát: 4 điểm), (5) Sử dụng thuốc gồm thuốc giảm đau thuộc nhóm gây nghiện, chống co giật, hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc an thần, nhuận tràng (sử dụng một loại thuốc: 3 điểm; sử dụng ≥2 loại thuốc: 5 điểm; sử dụng thuốc an thần trong 24 giờ trước: 7 điểm), (6) Dụng cụ chăm sóc (Có 1: 1 điểm; có 2: 2 điểm; có ≥ 3: 3 điểm), Vận động (Giảm thị lực hoặc thính lực ảnh hưởng đến việc di chuyển: 2 điểm; sử dụng thiết bị hỗ trợ giúp như khung tập đi, nạng, xe lăn, người hỗ trợ để di chuyển hoặc đi lại: 2 điểm; phải vịn vào bàn ghế, bờ tường xung quanh để đi lại: 2. điểm), (8) Tình trạng nhân thức (tỉnh táo, thực hiện đúng theo y lệnh: 0 điểm; hôn mê, không tiếp xúc: 2 điểm; trả lời lúc đúng lúc sai/lơ mơ/kích động: 4 điểm). Dựa vào tổng điểm từ tiêu chí đến tiêu chí ta phân loại nhóm nguy cơ té ngã thấp. Các yếu tố liên quan đến nguy cơ té ngã: Tuổi, giới tính, nơi ở, trình độ học vấn, loại thuốc sử dụng, tiền sử té ngã, chóng mặt, hội chứng tiểu não, bệnh Parkinson.
Nghiên cứu có tỷ lệ nguy cơ té ngã cao chiếm 28,6% và nguy cơ té ngã thấp chiếm 71,4%. Nguy cơ té ngã ở nhóm 60-69 tuổi cao nhất chiếm 44,9%. Nguy cơ té ngã có liên quan với tiền sử té ngã (1 lần trong vòng 6 tháng), sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu (với p<0,05).
Nghiên cứu có tỷ lệ nguy cơ té ngã cao chiếm 28,6% và nguy cơ té ngã thấp chiếm 71,4%. Nguy cơ té ngã có liên quan với tiền sử té ngã (1 lần trong vòng 6 tháng), sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu (với p<0.01). Vì vậy, cần lập ra kế hoạch chăm sóc phù hợp với nguy cơ té ngã và các yếu tố liên quan để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024