SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số bệnh thường gặp trên cá Chim vây vàng nuôi trong ao cát tuần hoàn nước tại Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và biện pháp trị bệnh.

[27/05/2024 10:51]

Nghiên cứu bệnh được thực hiện trên Cá chim vây vàng (Trachinotus falcatus) nuôi trong ao cát tạo dòng chảy tuần hoàn nước từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023. Kết quả cho thấy, các mẫu Cá chim vây vàng âm tính với tác nhân gây bệnh vi rút (VNN và Iridovirus); Cá nhiễm vi khuẩn Vibrio alginolyticus ở cả 02 vụ nuôi. Tỷ lệ nhiễm là 20% và không gây chết cá ở đợt thu mẫu tháng 6/2022 và tháng 4/2023. Trong khi đó ở đợt thu mẫu tháng 7/2022, tỷ lệ nhiễm 60% đã gây chết 4,2% cá nuôi. Kháng sinh Doxycyline được trộn với thức ăn (liều 100 mg/kg cá) cho cá ăn 1 bữa/ngày trong 5 ngày liên tiếp đã có hiệu quả điều trị, không phát hiện cá chết sau ngày thứ 6; Cá nuôi khối lượng 30-55 g/con nhiễm ký sinh trùng Amyloodinium sp., cường độ nhiễm cao (100-190 trùng/thị trường), đã gây chết 29,1%; Cá được tắm bằng formol với liều lượng 50 ppm, sau 3 lần tắm liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 ngày, cá đã dừng chết trong 10 ngày. Ký sinh trùng Trichodina sp. xuất hiện trên Cá chim có khối lượng 80-120 g/con, với cường độ nhiễm 0-5 trùng/thị trường (ở mang) và 0-15 trùng/thị trường (ở da), nhưng không gây chết cá. Đối với cá lớn hơn, cường độ nhiễm ký sinh trùng Trichodina sp. cao đã gây chết, cụ thể: Cá có khối lượng 90-120 g/con, có cường độ nhiễm 100-250 trùng/thị trường, với tỷ lệ nhiễm 100%, gây chết 12,7%; Cá có khối lượng 260-320 g/con, cường độ 10-50 trùng/thị trường, tỷ lệ nhiễm 100%, gây chết 2,7%. Sử dụng đồng sulfate với liều lượng 5 ppm đã loại bỏ được hoàn toàn ký sinh trùng Trichodina sp. sau 3 lần tắm liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 ngày.

Cá chim vây vàng (Trachinotus falcatus Linnaeus, 1758) được di nhập vào Việt Nam từ Đài Loan, nuôi thử nghiệm tại Vũng Tàu đầu những năm 2000. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon, chu kỳ nuôi ngắn, đạt cỡ thương phẩm (0,5-0,6 kg/con) sau 6-8 tháng nuôi. Hiện nay, Cá chim vây vàng đang dần trở thành đối tượng nuôi biển chủ lực ở nước ta. Thị trường tiêu thụ Cá chim vây vàng rất lớn cả ở trong nước và xuất khẩu, giá bán dao động từ 115.000- 150.000 đồng/kg. Trong quá trình nuôi thương phẩm, việc theo dõi và kiểm soát một số bệnh thường gặp là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của cá. Cá chim vây vàng chết hàng loạt trong trang trại nuôi được báo cáo do một số nguyên nhân như vi khuẩn (Vibriosis) và ký sinh trùng đơn bào gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người nuôi. Do đó, việc theo dõi một số bệnh thường gặp để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp góp phần vào việc phát triển công nghệ nuôi đạt hiệu quả cao.

Bệnh vi rút trên cá

Trong quá trình nghiên cứu, kết quả phân tích mẫu đều âm tính với tác nhân gây bệnh vi rút (VNN và Iridovirus) trên các mẫu Cá chim vây vàng nuôi trong ao cát tuần hoàn nước.

Bệnh vi khuẩn trên cá

Vụ nuôi năm 2022, khi cá có biểu hiện bất thường như bơi chậm, tách đàn, giảm ăn, tập trung ở đầu máng nơi có hệ thống tạo dòng chảy, màu sắc trên cơ thể không đồng đều và chết từ 20-40 con/máng nuôi vào đợt thu mẫu 13/6/2022. Kết quả nuôi cấy, phân lập và định danh được vi khuẩn Vibrio alginolyticus trên gan cá với tỷ lệ nhiễm thấp 20%. Tuy nhiên, dựa trên kết quả phân tích mẫu thì vi khuẩn không phải là nguyên nhân gây chết cá nuôi nên chúng tôi đã không sử dụng biện pháp trị bệnh vi khuẩn mà chỉ bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn của cá để tăng sức đề kháng.

Đợt thu mẫu ngày 24/7/2022, cá có biểu hiện bất thường như bơi chậm, không định hướng, giảm ăn, tập trung ở đầu máng nơi có hệ thống tạo dòng chảy, có nhiều nhớt, thức ăn không tiêu và chết rải rác từ 10-15 con/máng nuôi, số lượng cá chết tăng lên 36-54 con/máng/ngày. Kết quả nuôi cấy, phân lập và định danh được vi khuẩn Vibrio alginolyticus với tỷ lệ nhiễm 60%. Căn cứ vào kết quả phân tích thì cá nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân chính làm chết Cá chim vây vàng nuôi. Tiến hành thử kháng sinh đồ với 7 loại kháng sinh.

Kết quả thử kháng sinh đồ cho thấy kháng sinh Doxycyline có vòng kháng khuẩn lớn nhất đạt 25 mm. Amoxicillin và Novobiocin có vòng kháng khuẩn lần lượt là 21 mm và 15 mm nhưng có vi khuẩn mọc lại trong vòng vô khuẩn sau 24h. Kháng sinh Ciprofloxacin có vòng kháng khuẩn 21 mm tuy nhiên đây là loại kháng sinh thử nghiệm với mục đích nghiên cứu. Các kháng sinh Vancomycin, Oxacillin, Trimethoprim không có dấu hiệu mẫn cảm với vi khuẩn Vibrio alginolyticus.

Căn cứ vào kết quả thử kháng sinh đồ đối với vi khuẩn gây bệnh, chúng tôi đã sử dụng kháng sinh Doxycyline (sản phẩm Doxy WS) hòa với nước trộn vào thức ăn với liều lượng 100 mg/kg cá vào 1 bữa trong ngày, cho ăn 5 ngày liên tiếp (hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất). Sau khi điều trị bằng kháng sinh số lượng cá chết đã giảm và dừng chết sau 6 ngày, nhưng đã làm chết 4,2% cá nuôi, tương đương 3.150 con. Đợt thu mẫu vào ngày 18/09/2022 không phân lập được vi khuẩn Vibrio alginolyticus chứng tỏ phương pháp điều trị trên có hiệu quả tốt. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Mahmoud và cộng sự, đã phân lập được vi khuẩn Vibrio alginolyticus trên Cá vược (Dicentrarchus labrax) ở tất cả các mùa nhưng tỷ lệ nhiễm cao nhất vào mùa hè

Vụ nuôi năm 2023, vào đợt thu mẫu 23/04/2023 đã phân lập được vi khuẩn Vibrio alginolyticus trên gan cá với tỷ lệ nhiễm thấp 20%, không có dấu hiệu bệnh lý nào cũng như hiện tượng cá chết nên chúng tôi chỉ bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn của cá để tăng sức đề kháng. Các đợt thu mẫu định kỳ tiếp theo không phân lập được vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây bệnh.

Bệnh ký sinh trùng trên cá

Vụ nuôi năm 2022, sau khi thả nuôi gần 2 tháng cá có hiện tượng bất thường như bơi chậm, tách đàn, giảm ăn, màu sắc trên cơ thể không đồng đều và chết từ 20-40 con/máng nuôi vào đợt thu mẫu 13/6/2022. Kết quả phát hiện ký sinh trùng Amyloodinium sp. với cường độ nhiễm rất cao từ 100-190 trùng/thị trường ở mang, tỷ lệ nhiễm 100%. Như vậy cá chết nguyên nhân chính do nhiễm ký sinh trùng Amyloodinium sp. với cường độ và tỷ lệ nhiễm cao. Sau khi nhận được kết quả, biện pháp trị bệnh là tắm cho cá bằng formol với liều lượng 50 ppm trong máng đã được áp dụng ở ngày thứ 2 sau ngày kiểm tra, lượng formol đã tắm được chảy đều khắp ao nên hạn chế được cả ký sinh trùng Amyloodinium sp. ngoài máng. Kết quả trị bệnh tỷ lệ cá chết giảm dần và dừng chết sau 10 ngày, các lần kiểm tra tiếp theo không bắt gặp Amyloodinium sp. nữa. Mặc dù đã áp dụng biện pháp trị bệnh nhưng do cường độ nhiễm và tỷ lệ nhiễm rất cao nên đã làm chết khoảng 21.825 con, khối lượng trung bình 45 g/con tương đương 982 kg, tỷ lệ chết lên đến 29,1%. Kết quả này trùng hợp với nghiên cứu của Trương Thị Mỹ Hạnh và cộng sự khi cho rằng Amyloodinium sp. với cường độ nhiễm trung bình 13,1 trùng/thị trường và tỷ lệ nhiễm 86,7% gây chết Cá chim vây vàng (Trachinotus falcatus) nuôi trong lồng tại Hải Phòng [5]. Thomas và cộng sự khi nghiên cứu bệnh trên Cá chim biển (Monodactylus argenteus) cũng tìm thấy Amyloodinium sp. nhiễm ở mang cá và gây chết cho cá giống khi cường độ nhiễm 3-5 trùng/thị trường. Trong vòng 24h sau khi cá xuất hiện triệu chứng lâm sàng điển hình trên, tỷ lệ chết của cá bắt đầu được ghi nhận và chỉ trong 1 tuần có thể chết lên đến 100% nếu không có biện pháp trị bệnh. Theo Từ Thanh Dung và cộng sự, Amyloodinium sp. được tìm thấy trên Cá giò (Rachycentron canadum) với tỷ lệ nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa. Amyloodinium sp. là ký sinh trùng gây ảnh hưởng lớn cho các loài cá nuôi nước lợ mặn do tốc độ lây lan của mầm bệnh nhanh, đặc biệt chúng gây chết cá với tỷ lệ cao trong các hệ thống nuôi thủy sản thâm canh với mật độ cao gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Đợt thu mẫu 24//07/2022, cá nhiễm ký sinh trùng Trichodina sp. với cường độ nhiễm thấp từ 0-5 trùng/thị trường ở mang và từ 0-15 trùng/thị trường ở da, với cường độ nhiễm này không thể gây hiện tượng chết cá.

Đợt thu mẫu 18/9/2022, khi cá có biểu hiện bất thường như bơi không định hướng, tập trung ở đầu máng nơi có hệ thống tạo dòng chảy, có nhiều nhớt và chết rải rác từ 10- 20 con/máng nuôi. Kết quả phân tích không phát hiện nhiễm vi rút và vi khuẩn, chỉ nhiễm ký sinh trùng Trichodina sp. với cường độ nhiễm 10-50 trùng/ thị trường ở mang và tỷ lệ nhiễm 100% đã làm chết cá. Sử dụng phương pháp tắm cá bằng đồng sulfate với liều lượng 5 ppm ở ngày thứ 2 sau ngày kiểm tra, kết quả tỷ lệ chết giảm dần và dừng chết sau 7 ngày, tỷ lệ chết trong đợt này là 2,7% tương đương 2.025 con.

Vụ nuôi năm 2023, đã tiến hành thu mẫu định kỳ trong quá trình nuôi. Kết quả đợt thu mẫu 23/04/2023 và 06/06/2023, cá nhiễm Trichodina sp. với cường độ nhiễm thấp từ 0-3 trùng/thị trường nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Đợt thu mẫu 21/07/2023, cá có biểu hiện bất thường như bơi không định hướng, tập trung ở đầu máng nơi có hệ thống tạo dòng chảy, có nhiều nhớt, da chuyển màu xám, mang nhợt nhạt và chết từ 20-25 con/máng nuôi. Kết quả phân tích không phát hiện nhiễm vi rút và vi khuẩn, chỉ nhiễm ký sinh trùng Trichodina sp. với cường độ nhiễm cao từ 100-250 trùng/thị trường ở mang và tỷ lệ nhiễm 100% đã làm chết cá. Biện pháp tắm cá bằng đồng sunphát với liều lượng 5 ppm đã được áp dụng ở ngày thứ 2 sau ngày kiểm tra, kết quả tỷ lệ chết giảm dần và dừng chết sau 8 ngày. Tỷ lệ chết trong đợt này là 12,7% tương đương 9.525 con. Kết quả này trùng với kết quả nghiên cứu của Trương Thị Mỹ Hạnh cộng sự, tìm thấy Trichodina sp. trên Cá chim vây vàng nuôi lồng tại Hải Phòng ở tất cả các tháng trong năm với cường độ nhiễm từ 1-88 trùng/thị trường và tỷ lệ nhiễm cao nhất là 50,7% [6]. Trichodina sp. ký sinh trên tất cả các giai đoạn phát triển của các loài cá biển nhưng gây tác hại lớn nhất ở giai đoạn cá hương và cá giống, nếu không xử lý kịp thời có thể gây chết đến 90-100%. Đợt thu mẫu định kỳ vào tháng 08/09/2023, cá nhiễm Trichodina sp. và ấu trùng sán ở mang với cường độ nhiễm thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.

KỂT LUẬN

Trong quá trình nghiên cứu, tất cả các mẫu phân tích đều cho kết quả âm tính với vi rút (VNN và Iridovius) trên Cá chim vây vàng nuôi trong ao cát tuần hoàn nước, nhưng phân lập và định danh được loài vi khuẩn Vibrio alginolyticus ở cả 02 vụ nuôi vào tháng 6-7/2022 và tháng 4/2023. Trong đó, mẫu tháng 7/2022, cá nhiễm vi khuẩn Vibrio alginolyticus với tỷ lệ 60% là nguyên nhân gây chết cá nuôi. Kháng sinh Docycyline (sản phẩm Doxy WS) đã được chọn để điều trị bằng cách hòa với nước phun vào thức ăn với lượng 100 mg/kg (1 bữa/ngày), trong 5 ngày liên tiếp, cá đã dừng chết sau 6 ngày. Hai đợt thu mẫu tháng 6/2022 và tháng 04/2023, cá có tỷ lệ nhiễm thấp 20% không phải là nguyên nhân gây chết cá nên chỉ bổ sung thêm vitamin C vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

Ký sinh trùng Amyloodinium sp. ký sinh ở Cá chim vây vàng khối lượng từ 30-55 g/con với cường độ nhiễm cao (100-190 trùng/thị trường), gây ra hiện tượng chết hàng loạt với tỷ lệ lên đến 29,1%. Sử dụng biện pháp tắm cá trong máng nuôi bằng formol với liều lượng 50 ppm, cá dừng chết sau 10 ngày điều trị và không bắt gặp Amyloodinium sp. trong thời gian nuôi tiếp theo.

Ký sinh trùng Trichodina sp. ký sinh ở Cá chim vây vàng khối lượng 80-120 g/con, với cường độ nhiễm ở mang là 0-5 trùng/thị trường, ở da 0-15 trùng/thị trường không gây chết cá. Cá chim cỡ 260-320 g/con, có cường độ nhiễm ở mang là 10 - 50 trùng/thị trường, tỷ lệ nhiễm 100% gây chết cá với tỷ lệ 2,7%. Cá cỡ 90-120g/con nhiễm Trichodina sp. với cường độ 100-250 trùng/thị trường, tỷ lệ nhiễm 100% gây chết đến 12,7%. Sử dụng đồng sunphát với liều lượng 5 ppm đã loại bỏ được hoàn toàn ký sinh trùng Trichodina sp. sau 3 lần tắm liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 ngày.

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ