SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tỷ lệ nhiễm và gen kháng thuốc metallo-β-lactamase ndm, imp, vim của một số trực khuẩn gram âm trên bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh Viện Đa Khoa Thành Phố Cần Thơ năm 2022-2023

[27/05/2024 12:58]

Nghiên cứu tỷ lệ gen kháng thuốc metallo-β-lactamase NDM, IMP, VIM của một số trực khuẩn Gram âm E. coli, K. pneumoniae, A. baumannii và P. aeruginosa trên bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ năm 2022-2023

Trong những năm gần đây, các trực khuẩn Gram âm gây bệnh viêm phổi với mức độ đề kháng kháng sinh nhóm carbapenem ngày càng cao do sự gia tăng khả năng sản sinh men metallo-β-lactamase (MBL) [1], [2], [3]. Các gen kháng thuốc MBL bao gồm imipenemase (IMP), Verona integron-encoded MBLs (VIM), New Delhi metallo-β[1]lactamase (NDM) thường nằm trên nhiễm sắc thể, tuy nhiên cũng có thể nằm trên yếu tố di truyền (plasmid, transposon) có thể truyền được [4]. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận sự gia tăng của các trực khuẩn Gram âm gây bệnh viêm phổi mang gen kháng thuốc VIM, IMP, NDM. Tỷ lệ này cũng như mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn thường khác nhau tùy theo từng quốc gia, từng khu vực và từng nơi nghiên cứu [4]. Việc xác định tác nhân gây bệnh và gen kháng thuốc metallo-β-lactamase NDM, IMP, VIM cần tiến hành thường xuyên, kịp thời cập nhật thông tin, làm cơ sở xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Đối tượng và tiêu chuẩn chon mẫu nghiên cứu

Đối tượng: Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi có chỉ định xét nghiệm vi sinh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ từ tháng 8/2022 đến tháng 4/2023.

Tiêu chuẩn chọn mẫu:

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi với các đặc điểm lâm sàng: thâm nhiễm mới, lan tỏa hoặc tiến triển trên X-quang ngực kèm ≥ 2 tiêu chuẩn: nhiệt độ ≥ 380C, hoặc ≤ 360C; tăng tiết đàm hoặc đàm đổi màu; tăng tiêu thụ oxy: tăng FiO2 ≥ 20%/ngày trong ≥ 2 ngày liền, hoặc tăng PEEP ≥ 3cm H2O/ngày, ≥ 2 ngày liền; số lượng bạch cầu tăng ≥ 12,000/mm3 hay ≤ 4,000/mm3.

Kết quả phân lập và định danh vi khuẩn từ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới của bệnh nhân viêm phổi thuộc một trong các loài E. coli, K. pneumoniae, A. baumannii và P. aeruginosa.

Phương pháp và nội dung nghiên cứu:

Phương pháp xử lý số liệu: dữ liệu được quản lý, lưu trữ và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS phiên bản 22.0 và Excel 2013. - Nghiên cứu được thông qua Hội đồng y đức của Trường và Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung nghiên cứu:

Kết quả định danh trực khuẩn Gram âm trên mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới của bệnh nhân viêm phổi.

 Kết quả real-time PCR xác định gen kháng thuốc MBL trên tất cả các trực khuẩn Gram âm phân lập được từ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới của bệnh nhân viêm phổi, bao gồm 3 loại gen NDM, IMP, VIM.

Trong 92 trực khuẩn Gram âm phân lập được, tỷ lệ nhiễm của K. pneumoniae, A. baumannii, E. coli và P. aeruginosa lần lượt là 34,4%, 29,2%, 20,8% và 11,5%. Trong đó, có 62 (67,4%) trực khuẩn Gram âm mang gen MBL, bao gồm 3 kiểu gen NDM, IMP và VIM với tỷ lệ lần lượt là 96,8%, 32,3% và 1,6%

Trong nghiên cứu này, K. pneumoniae và A. baumannii là hai loài thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm phổi với tác nhân là trực khuẩn Gram âm, trong đó mỗi loài có tỷ lệ khoảng 1/3 như vậy chiếm 2/3. Và 1/3 còn lại là E. coli và P. aeruginosa. Gần 70% số trực khuẩn Gram âm trong nghiên cứu này có mang gen kháng thuốc MBL trong đó kiểu gen NDM xuất hiện hầu hết trong các chủng mang gen kháng thuốc. Xuất hiện chủng K. pneumoniae mang tổ hợp cả ba gen. Và tất cả các P. aeruginosa phân lập được trong nghiên cứu này luôn mang ít nhất một kiểu gen MBL.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài