SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Di cư đô thị và hiệu ứng đến công nhân lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

[28/05/2024 09:38]

Bài viết đề cập đến yếu tố di cư gắn với sự chuyển dịch của công nhân lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là về số lượng lao động theo thành thị và nông thôn, theo khu vực kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đã có những hiệu ứng theo hai xu hướng tích cực và hạn chế, đặc biệt là đối tượng lao động nhập cư. Phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng, duy vật lịch sử cùng với phương pháp tiếp cập của khoa học lịch sử đã được sử dụng. Ngoài ra còn áp dụng phương pháp thu thập dữ liệu và phương pháp phân tích dữ liệu kết hợp với tiếp cận xã hội học. Kết quả nghiên cứu phục dựng lại bức tranh tổng thể về quá trình di cư ở Thành phố Hồ Chí Minh và những tác động từ nhân tố này. Đồng thời, bài viết đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các chính sách cho đội ngũ này với mục đích tư vấn cho chính quyền để phát huy lao động nhập cư trong những năm tiếp theo.

Di cư là một vấn đề được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, bởi không diễn ra ở một địa phương, tỉnh thành, quốc gia mà còn phạm vi khu vực và quốc tế. Do đó, đây là một nội dung mang tính thời sự có ý nghĩa quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. So với các địa phương khác trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) có số lượng lao động nhập cư tập trung đông nên có thể xem đây là một nguồn lực tác động rất lớn đến công cuộc xây dựng thành phố trong nhiều năm qua. Trên cơ sở khảo sát từ tình hình thực tế, tác giả thấy rằng hiện nay lao động nhập cư chiếm gần 70% lao động của thành phố nên việc nghiên cứu về những biến đổi dẫn đến sự tác động đến các mặt trong đời sống người dân nơi đây mang ý nghĩa thực tiễn. Từ đó, kiến nghị cho chính quyền thành phố để hoàn thiện và thực hiện các chính sách xã hội cho lao động nhập cư.

Thực hiện bài viết này, phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng, duy vật lịch sử cùng với phương pháp tiếp cập của khoa học lịch sử đã được sử dụng. Ngoài ra, phương pháp thu thập dữ liệu và phương pháp phân tích dữ liệu kết hợp với tiếp cận xã hội học cũng được sử dụng để phân tích sự chuyển dịch của lao động giữa thành thị và nông thôn, khu vực kinh tế và theo khu vực doanh nghiệp dưới tác động của di cư. Kết hợp với việc kế thừa các dữ liệu thứ cấp thu thập được trong các nghiên cứu gần đây để phân tích và đánh giá quá trình lao động di cư vào TP. HCM, bài viết chỉ ra điểm tích cực, hạn chế của hiện tượng xã hội này và đưa ra nhưng kiến nghị khả dĩ nhằm nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo.

Từ 2022 đến nay, nền kinh tế TP. HCM được khôi phục sau đại dịch Covid-19, lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc góp phần làm cho quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động rõ rệt và tác động thúc đẩy tích cực đến cơ cấu kinh tế. Đơn cử như khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (64%), công nghiệp - xây dựng (22,1%), nông nghiệp (13,9%)... Trong đó, 9 ngành dịch vụ chiếm ưu thế đạt 58,7% GRDP, chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ, cụ thể 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp 16,4%; vận tải kho bãi 8,7%; tài chính ngân hàng 10,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5,3% - đây là những ngành là chủ đạo và chiếm 40,5% trong tổng GRDP của thành phố, chiếm 63,3% nội bộ khu vực dịch vụ (Cục thống kê TP. HCM, 2023).

Tác động từ quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt với nền kinh tế thị trường làm cho cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nhà nước (16,7%), tăng tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước (69,1%), tỷ trọng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ ổn định (14,2%). Tính đến quý II năm 2023, TP. HCM tiếp tục vẫn là trung tâm công nghiệp quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi thu hút và tích tụ vốn đầu tư nước ngoài lớn, số dự án đầu tư vào thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Đặc biệt, từ ngày 1/8/2023, TP. HCM bắt đầu thực hiện cơ chế đặc thù mới theo Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM tác động tích cực đến lao động nhiều ngành, nghề và lĩnh vực đầu tư.

Nền kinh tế TP. HCM phát triển mạnh đã thu hút lao động di cư nơi khác đến và tuân theo sự phân công lao động xã hội trên địa bàn. Quá trình này là tất yếu do nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp một phần dựa vào nguồn lao động nhập cư đông đảo đã hình thành ở TP. HCM trong những năm qua. Năm 2007, Luật đầu tư được ban hành đã thúc đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài, cộng với chủ trương phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP. HCM đã tạo ra một kênh thu hút lao động đầy tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ (kể cả số lao động của những hộ bị thu hồi đất) và lao động ngoài thành phố đến làm việc.

Là điểm đến lý tưởng cho lao động nhập cư, việc gia tăng dân số cơ học tại TP. HCM diễn ra hết sức mạnh mẽ. Qua các kỳ Tổng điều tra năm 1999, 2009, 2019 cho thấy dân số thành phố liên tục tăng, nhưng dân số di cư chỉ tăng trong giai đoạn 1999-2009 với khoảng 1 triệu người năm 1999 lên 1,64 triệu người năm 2009, sau đó giảm xuống còn 1,62 triệu người năm 2019. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong số hơn 8,44 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, có 5,6% tương ứng với 472 nghìn người di cư trong quận, huyện; 4,4% tương ứng 374 nghìn người di cư giữa các quận, huyện; 9,1% tương ứng 772 nghìn người di cư giữa các tỉnh và có một tỷ lệ rất nhỏ chiếm 0,3% tương ứng khoảng 23 nghìn người nhập cư quốc tế. Như vậy, số người nhập cư vào thành phố là 772.009 người, bình quân mỗi năm có 154.402 người nhập cư. Giai đoạn 1999-2019, di cư giữa các tỉnh vẫn là loại hình di cư chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu di cư. Cụ thể, năm 1999 chiếm 10,5%, năm 2009 chiếm 15,4%, năm 2019 chiếm 9,1% (Cục thống kê TP. HCM, 2020).

Quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động nhập cư vào TP. HCM

Di cư là một quá trình thúc đẩy sự dịch chuyển lao động thông qua việc lấp đi những khoảng trống trong thị trường lao động chính quy và phi chính quy tại nơi đến. Số người di cư chủ yếu là tập trung tại các quận, huyện như quận Bình Tân (142.017 người), huyện Nhà Bè (33.828 người), Quận 9 (70.388 người), Quận 12 (113.827 người), huyện Bình Chánh (109.915 người), quận Tân Phú (87.461 người), quận Thủ Đức (100.397 người), quận 7 (57.899 người), quận 2 (29.918 người), huyện Hóc Môn (64.161 người)... Phần lớn những người di cư vào thành phố với lý do kinh tế (41,4%) tại các khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất như huyện Củ Chi (56,9%), quận Bình Tân (50,3%), quận Thủ Đức (47,3%). TP. HCM cũng có lượng lớn người di cư với lý do học tập và cũng tập trung ở một số quận có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo như quận Thủ Đức (17,6%), Quận 9 (10,8%), quận Gò Vấp (14,0%). Ngoài lý do kinh tế, học tập thì phần lớn người di cư với lý do là theo gia đình, khi nghỉ hưu, kết hôn (47,2%) và cũng tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven là chính. Người di cư thường lựa chọn những nơi có chi phí nhà ở, sinh hoạt thấp vì đa số họ còn phải gửi tiền về quê hoặc là sống phụ thuộc vào tiền của gia đình ở quê gửi vào nên những nơi này tập trung rất lớn các khu nhà trọ công nhân, sinh viên.

Với đặc trưng là một nước đang phát triển, đại bộ phận dân số sống ở nông thôn và đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di cư từ nông thôn đến thành thị ở Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng là hiện tượng tự nhiên và luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong các luồng di cư qua 2 kỳ Tổng điều tra. Từ năm 2009 đến 2019, luồng di cư nông thôn - thành thị giảm xuống từ 44,9% xuống còn 27,2%. Di cư từ thành thị đến nông thôn vẫn là luồng di cư có tỷ trọng thấp nhất, nhưng có xu hướng tăng lên từ 5,3% lên 8,0%. Như vậy, luồng di cư từ nông thôn đang có xu hướng giảm trong khi luồng di cư từ thành thị ghi nhận xu hướng tăng. Lý giải cho sự thay đổi này là do cơ hội việc làm và điều kiện sống ở khu vực nông thôn được cải thiện nhờ sự mở rộng của các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như chủ trương phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đang được triển khai khá hiệu quả.

Số lượng lao động thành thị và nông thôn, cho thấy tương quan lực lượng lao động giữa thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn do ảnh hưởng từ quá trình di cư. Ở các huyện ngoại thành, do ảnh hưởng của di cư và đô thị hóa nên lao động nông nghiệp có những bước chuyển dịch rõ nét. Các hộ nông nghiệp sắp xếp lại cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tham gia hoạt động nhiều ngành nghề, vừa lao động nông nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng gia tăng, còn số hộ thuần nông nghiệp dần dần chiếm tỷ lệ thấp. lao động dịch vụ luôn chiếm số lượng cao nhất trong các năm 2016, 2018, 20202, 2022 (thấp nhất 2.790.920 người, cao nhất đạt 3.010.391 người) và tỷ lệ lao động nhập cư tham gia chiếm số đông. Bên cạnh đó, số lượng lao động nông nghiệp thấp nhất so khu vực công nghiệp, dịch vụ (lao động trong nông nghiệp từ năm 2016 là 87.704 thì đến năm 2022 giảm còn 56.033 lao động). Nhìn chung, qua những con số đã được thể hiện rõ nét, kinh tế TP. HCM có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, dịch vụ và cho thấy vận động phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa diễn ra song song, kết hợp và hỗ trợ làm cho cơ cấu ngành kinh tế có sự thay đổi rõ nét, đó là sự tăng dần khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Do có sự dịch chuyển mạnh giữa các ngành kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ về số lượng lao động tham gia vào các ngành có sự thay đổi lớn. Trong đó, nổi bật nhất 2 lĩnh vực gồm dịch vụ và công nghiệp thu hút được nhiều số lượng, lao động dịch vụ ngày càng phát triển do quá trình tất yếu của sự phát triển của nền kinh tế và tác động của di cư, đô thị hóa. Đây là nhóm khu vực thu hút khá nhiều lao động nhập cư làm việc.

Mặc dù chịu tác động bởi Covid-19, khu vực dịch vụ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng về lao động, trong khi đó lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng lại giảm khá sâu so với cùng thời điểm năm 2019. Lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng giảm chủ yếu do chịu tác động bởi 2 nguyên nhân chính đó là:

- Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp khi mở rộng cơ sở ra các tỉnh lân cận, kéo theo sự dịch chuyển về lao động trong các doanh nghiệp; cũng trong giai đoạn này tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn so với tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp cho thấy xu hướng các doanh nghiệp có quy mô lao động bình quân ngày càng giảm, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng nhanh hơn so với số lượng doanh nghiệp vừa và lớn.

- Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 và cao điểm từ khoảng trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 9 năm 2020 và tiếp tục đạt đỉnh cao giữa năm 2021 đã làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp đã phải đối mặt với việc cắt giảm lao động, trong đó ngành sản xuất trang phục giảm 20,8% so với năm 2019; ngành sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 14,6% và ngành sản xuất giường, tủ bàn ghế giảm 18,8%. Tương tự ngành dịch vụ cũng bị tác động khá lớn, trong đó ngành lưu trú và dịch vụ ăn uống giảm 12%, tương ứng giảm 11.620 lao động, ngoài ra một vài ngành có số lượng lao động lớn thuộc khu vực dịch vụ như ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ cũng giảm tới 9.837 lao động, tương ứng giảm 6,2% đã kéo theo số lao động trong các doanh nghiệp giảm sâu. Năm 2020, số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 2.812.237 người, trong đó: nông - lâm - thủy hải sản là 10.896 lao động tăng 22,1% so với năm 2016; công nghiệp - xây dựng là 1.153.160 lao động giảm 19,5% so với năm 2016; dịch vụ là 1.648.181 lao động giảm 10,1% so với năm 2016 (Cục thống kê TP. HCM, 2021).

Số lao động bình quân trong một doanh nghiệp từ 17 người/doanh nghiệp ở năm 2016 giảm xuống còn 13 người/doanh nghiệp ở năm 2020. Tổng số lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 của khu vực doanh nghiệp là 2.911.595,4 người trên tổng số doanh nghiệp bình quân tương ứng của giai đoạn này là 197.061,8 doanh nghiệp, trong khi đó tương ứng với giai đoạn 2011-2015 lần lượt là 2.499.456,2 trên tổng số 124.168,4 doanh nghiệp. So sánh giữa 2 giai đoạn, có thể thấy quy mô lao động trên một doanh nghiệp đang dần bị thu hẹp, với số lao động bình quân mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn này đang sử dụng 14,8 người, giảm 26,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Theo khu vực kinh tế, quy mô lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng có sự dịch chuyển bình quân cao nhất với 23,2 người/doanh nghiệp; kế đến là các doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lao động bình quân là 16,3 người/doanh nghiệp và cuối cùng là khu vực dịch vụ với bình quân mỗi doanh nghiệp đang sử dụng là 10,3 lao động. So với giai đoạn 2011-2015, cả ba khu vực kinh tế nói trên trong giai đoạn 2016-2020 đều có quy mô lao động bình quân giảm. Cụ thể, quy mô lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành công nghiệp - xây dựng có 26,5 lao động/doanh nghiệp, giảm 35% so với số lao động bình quân của giai đoạn 2011-2015; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô lao động bình quân giai đoạn có 15,9 lao động/doanh nghiệp, giảm 3% và ngành dịch vụ có quy mô lao động bình quân giai đoạn có 10,8 lao động/doanh nghiệp, giảm 15% so với giai đoạn 2011-2015.

Di cư là một hiện tượng vận động theo sự phát triển quy luật của xã hội. Đối với TP. HCM, nơi được xem hội đủ điều kiện lý tưởng, hấp dẫn như sự phát triển tốt về cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, nguồn thu nhập... nên thu hút nhiều lực lượng lao động nhập cư tìm việc. Hiệu ứng này vừa tác động tích cực, vừa tiêu cực. Tác động tích cực là cải thiện chất lượng nguồn lao động, tái cơ cấu và chuyển dịch nền kinh tế, đặc biệt là quá trình sắp xếp lại nền kinh tế theo quy mô lớn hơn, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hạn chế của lao động nhập cư này cũng là bài toán nan giải cho chính quyền các cấp. Do đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị về chính sách tiền lương, chính sách về nhà ở xã hội, các chính sách tạo ra công bằng xã hội để từ đó tiếp tục khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh của hiện tượng di cư ở TP. HCM trong những năm tiếp theo.

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ