Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thiết thực cho công tác sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội ở Trường đại học Vinh
Có thể khẳng định, đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, của thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Vì vậy, hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là hướng đi hợp quy luật, góp phần gia tăng chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp cũng như sinh viên và có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một xã hội tri thức. Mối quan hệ đó vừa giúp giải quyết được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề lao động, vừa giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu tổ chức và quản trị theo hướng hiệu quả, gia tăng các giá trị cho người học. Bên cạnh đó, người học có cơ hội được học tập, thực tập và trải nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ngay từ khi đang là sinh viên, giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và sớm hình thành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp. Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một trong các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của mỗi chủ thể nhằm giải quyết những bài toán về lợi ích chung, trong đó có công tác sinh viên, hướng tới mục tiêu cùng phát triển.
Mối quan hệ hợp tác nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan dựa trên những nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục của nhà trường gắn liền với giáo dục của gia đình và xã hội”, “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có” (Vũ Tiến Dũng, 2016). Vì vậy, đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, của thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là hướng đi hợp quy luật, góp phần gia tăng chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội, nhà trường, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như sinh viên và có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một xã hội tri thức. Mối quan hệ đó vừa tháo gỡ và giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong vấn đề lao động, vừa giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu tổ chức và quản trị theo hướng hiệu quả, gia tăng các giá trị cho người học, có cơ sở thực tiễn để điều chỉnh, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp, cách thức giảng dạy, nghiên cứu cho phù hợp với thực tế đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh đó, người học có cơ hội được học tập, thực tập, cọ xát và trải nghiệm thực tế ngay từ khi đang là sinh viên, giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và sớm hình thành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp. Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một trong các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của mỗi chủ thể nhằm giải quyết những bài toán về lợi ích chung, hướng tới mục tiêu cùng phát triển, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho giáo dục và đào tạo, xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay lại chỉ ra sự thiếu chặt chẽ trong hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của thị trường lao động khu vực và toàn cầu, bên cạnh các ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 về yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao (Hồ Đắc Lộc, 2022). Mặt khác, việc quản lý và điều hành mối quan hệ này vẫn còn nhiều thách thức do sự phức tạp trong cấu trúc hợp tác, thiếu sự hiểu biết, thiếu sẻ chia trong chủ đề cùng những bất đồng khác trong bài toán trách nhiệm và lợi ích. Vai trò của các bên liên quan còn mờ nhạt, mối quan hệ thiếu sự gắn kết chặt chẽ, bền vững, các chủ thể liên quan đều chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết để thúc đẩy mối quan hệ này một cách mạnh mẽ. Đó cũng là rào cản của sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nói chung, hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội nói riêng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về mối quan hệ này trong việc kết hợp cả quan điểm kinh doanh với triết lý giáo dục nhằm đảm bảo lợi ích của các chủ thể để thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thực trạng hợp tác nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội tại Trường Đại học Vinh
1. Một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động hợp tác nhà trường với doanh nghiệp của Trường Đại học Vinh
Hiện nay, chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước để triển khai và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trường đại học và doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động này; Giữa Nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khoảng cách cần xóa bỏ để thúc đẩy hợp tác hiệu quả; Một bộ phận doanh nghiệp chưa thấy rõ được lợi ích khi thực hiện hợp tác, ngược lại, nhà trường còn thiếu sự chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trường Đại học Vinh đóng trên địa bàn Bắc miền Trung, là khu vực khó khăn về kinh tế, quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ nên việc thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
2. Một số kết quả hợp tác nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội ở Trường Đại học Vinh
Trường Đại học Vinh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau nhằm tạo sự gắn kết, hỗ trợ và phục vụ hiệu quả cho các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty phù hợp với các ngành nghề đào tạo của nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, hướng tới mục tiêu cùng phát triển. Trường Đại học Vinh cũng đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác toàn diện với các đối tác lớn nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý để triển khai hoạt động hợp tác như Tập đoàn TH, Vingroup, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, VNPT, Viettel, VCCI, CP Việt Nam, Luxshare ICT, Gortek Vina, Everwin Precision…
Một số hoạt động hợp tác đã triển khai và đạt được kết quả ấn tượng như: Xây dựng đề án hợp tác với Tập đoàn TH, Công ty CP Việt Nam về liên kết triển khai mô hình trang trại nông nghiệp phục vụ và hỗ trợ công tác đào tạo, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bên; Dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo hướng VietGap trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Hợp tác với VNPT về lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, thực tế; Hợp tác với VCCI tổ chức các chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng; Hợp tác với HDBank và Viet Victory triển khai xây dựng và chuyển giao mô hình thực hành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Công ty mô phỏng, Chứng khoán ảo, Ngân hàng mô phỏng) và tổ chức các khóa đào tạo nhằm giúp trang bị cho sinh viên khối ngành kinh tế các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cần thiết trước khi ra trường nhằm đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm.
Trong công tác sinh viên, hàng năm, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về thực tập, việc làm, khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, các doanh nghiệp cũng quan tâm trao hàng ngàn suất học bổng tài trợ (trung bình khoảng 3 tỷ đồng/năm) đến với sinh viên nghèo nhằm giúp các em vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Các hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp cũng được chú trọng nhằm đẩy mạnh tổ chức các chương trình, hội thảo tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng, ngày hội việc làm cho sinh viên; tổ chức các chương trình thực tập nghề, thực tập tiềm năng tại các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước… Cụ thể trong giai đoạn 2016-2023 đã tổ chức gần 150 chương trình hội thảo, diễn đàn với sự tham gia của hàng chục ngàn lượt sinh viên.
Các chương trình giới thiệu việc làm cho sinh viên đã được phối hợp tổ chức: Liên hệ, kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức các chương trình giới thiệu việc làm cho sinh viên bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp các em thuận lợi trong việc tiếp cận và ứng tuyển các vị trí việc làm. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tăng cường phối hợp với các đối tác để tổ chức các chương trình thực tập, thực tập tiềm năng ở cả trong và ngoài nước nhằm giúp sinh viên có được môi trường thực tập thuận lợi, bổ ích và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong 5 năm qua, Nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức các chương trình Ngày hội việc làm, tư vấn, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, đã giới thiệu hơn 4.000 vị trí việc làm bán thời gian, việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
3. Khảo sát và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp
Nhằm thu nhận thông tin khách quan về doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, làm căn cứ để điều chỉnh trong công tác quản lý, tuyển sinh, đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội. Hàng năm, Trường Đại học Vinh đều tiến hành khảo sát, tiếp nhận ý kiến góp ý của các các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có mối quan hệ hợp tác về nội dung, chương trình, cách thức, phương thức đào tạo, chuẩn đầu ra; nhu cầu tuyển dụng, khả năng tiếp nhận sinh viên tham quan, trải nghiệm, thực tập chuyên môn; nhu cầu, tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp; thu thập ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng về chất lượng và khả năng thích ứng của nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo và những ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan…
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội ở Trường Đại học Vinh
(1) Xây dựng và triển khai mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Chú trọng thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác một cách toàn diện, hiệu quả và có chất lượng. Trong đó, “chính quyền có thể đóng vai trò thúc đẩy phát triển các yếu tố nội tại của nhà trường và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp theo mô hình đề xuất”
(2) Xem xét xây dựng các bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động hợp tác giữa nhà trường (và của các đơn đào tạo trong trường) và doanh nghiệp làm cơ sở cho những đầu tư dài hạn trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở quan trọng giúp nâng cao hiệu quả, thúc đẩy cộng đồng và xã hội trong mô hình hệ sinh thái hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
(3) Tăng cường nhận thức về lợi ích và sự cần thiết trong hợp tác nhà trường - doanh nghiệp để tăng mức độ tham gia hợp tác của giảng viên và doanh nghiệp, hai đối tượng được cho là ít hưởng lợi nhất từ thực trạng hợp tác hiện tại ở Việt Nam (Vũ Tiến Dũng, 2016). Đồng thời, quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp, đối tác trong quá trình triển khai các nội dung hợp tác.
(4) Chú trọng kết nối, thiết lập mối quan hệ hợp tác theo lĩnh vực, địa bàn, xác định những lĩnh vực, địa bàn, đối tác chiến lược, trọng tâm. Trong đó, đổi mới phương thức, cơ chế hợp tác cho phù hợp với thực tiễn.
(5) Tăng cường tổ chức Hội thảo, Diễn đàn đối thoại, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm bàn các giải pháp và có những bước đi cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác.
(6) Nâng cao vai trò, trách nhiệm và xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên và hiệu quả giữa đơn vị đầu mối với các khoa, viện trong nhà trường nhằm giúp cho hoạt động hợp tác được thống nhất, bài bản và mang tính tổng thể, đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên liên quan.
Đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, của thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Vì vậy, hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là hướng đi hợp quy luật, góp phần gia tăng chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội, cơ sở giáo dục đại học, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như sinh viên và có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một xã hội tri thức. Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một trong các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của mỗi chủ thể nhằm giải quyết những bài toán về lợi ích chung, trong đó có công tác sinh viên, hướng tới mục tiêu cùng phát triển. Bài viết đã trình bày kết quả khảo sát thực trạng hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực tại Trường Đại học Vinh. Trên cơ sở đó, 06 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai bên đã được đề xuất.
Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024