SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thực tập của sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa

[28/05/2024 10:20]

Bằng các phương pháp nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả đã đánh giá sơ bộ thực trạng công tác tổ chức, quản lý và kiểm tra, đánh giá hoạt động thực tập của sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Kết quả khảo sát cho thấy số lượng giảng viên quản lý và hướng dẫn thực tập còn mỏng so với số lượng sinh viên thực tập lớn. Việc phổ biến mục tiêu và chương trình thực tập được thực hiện tốt, phân bố thời gian giữa học lý thuyết và thực tập lâm sàng tương đối phù hợp. Thời gian thực tập lâm sàng cần xem xét tăng lên, theo đánh giá của sinh viên. Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả cần điều chỉnh để đảm bảo tính trung thực, khách quan, công bằng và chính xác. Trên cơ sở đó, 02 nhóm giải pháp đã được đề xuất áp dụng. Kết quả thăm dò các chuyên gia cho thấy tính khả thi của 02 nhóm giải pháp đã đề xuất.

Chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa thực hiện mục tiêu đào tạo: Đào tạo những người có y đức, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản về y học để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề sức khỏe cá nhân và cộng đồng, có khả năng nghiên cứu khoa học và tự học nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Thực tập là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của sinh viên sau khi tốt nghiệp và là một trong những hoạt động chính khóa của nhà trường chiếm thời lượng tương đối lớn và được thực hiện xuyên suốt trong quá trình học tập của sinh viên. Thực tập giúp cho sinh viên củng cố và hiểu sâu hơn về lý thuyết, đồng thời là nền tảng kiến thức cho việc hình thành một cách thành thạo các kỹ năng khám và chữa bệnh sau này. Do vậy việc quản lý hoạt động thực tập của sinh viên là một trong những khâu quan trọng của công tác quản lý đào tạo, đòi hỏi phải thực hiện một cách vừa khoa học và vừa nghệ thuật của người quản lý.

Hiện nay, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tăng, khoa học kỹ thuật cũng như y học phát triển mạnh, đòi hỏi sinh viên các trường y khoa phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết và cập nhật để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Thông qua hoạt động thực tập, sinh viên y khoa sẽ được thực hành những kiến thức đã được trang bị và thực tế nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng bác sĩ đa khoa trong tương lai. Việc nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thực tập của sinh viên các trường đại học y khoa là đảm bảo nhu cầu thực tiễn.

Một số giải pháp

Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động thực tập

Kế hoạch quản lý hoạt động thực tập được xây dựng từ đầu năm học, trên cơ sở mục tiêu nội dung của chương trình, là bản thiết kế chương trình hành động cụ thể để các GV quản lý hoạt động thực tập một cách có hiệu quả mục tiêu, nội dung chương trình trong một thời gian nhất định. Căn cứ vào năng lực, điều kiện tối thiểu cần thiết của các cơ sở thực tập mà xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động thực tập cho các nhóm bảo đảm cho mọi SV đều được thực tập đủ hoặc vượt chỉ tiêu trong chương trình để thực hiện mục tiêu đào tạo của trường đại học. Khi xây dựng kế hoạch quản lý HĐTT phải có sự phối kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực tập để lựa chọn phương án tốt nhất, đảm bảo kết quả thực tập theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Để xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động thực tập, giảng viên ở các trường đại học cần kết hợp với giáo vụ bộ môn, phòng/ban đào tạo và phòng/ban công tác sinh viên, các phòng/ban ở các cơ sở thực tập (bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh…) trong việc lập kế hoạch quản lý chi tiết, đảm bảo không bị chồng chéo lịch của các nhóm SV. Đồng thời cân đối được cơ hội thực tập của các nhóm là đồng đều, tránh tình trạng có nhóm làm không hết việc, nhóm thì chơi.

Lãnh đạo các cơ sở đào tạo cần tham gia giám sát và kiểm tra tiến độ thực tập của SV cùng với phòng/ban đào tạo, GV quản lý thực tập. Thông qua sự kết nối chặt chẽ với cơ sở thực tập, các trường cần tạo ra môi trường gần gũi cho SV, tạo sự tự tin trong việc vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học ở trường vào thực tế nghề nghiệp. Có thể nói, mối liên hệ vòng tròn nhà trường - sinh viên - bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng đến hoạt động thực tập của SV chuyên ngành bác sĩ đa khoa.

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động thực tập

Công tác kiểm tra, đánh giá cần đảm bảo tính trung thực, khách quan, công bằng và chính xác trong đánh giá tiến trình và kết quả hoạt động thực tập của SV, trong đó cần đánh giá theo chuẩn năng lực hành nghề của bác sĩ đa khoa. Năng lực của bác sĩ đa khoa thực tập không phải chỉ là kiến thức lâm sàng, thực hiện kỹ năng của người bác sĩ mà còn là khả năng giải quyết những tình huống đa dạng phát sinh trong quá trình điều trị người bệnh, khả năng ứng xử giao tiếp làm hài lòng người bệnh, hài lòng nhân viên Y tế, khả năng chịu áp lực với cường độ công việc, khả năng chịu đựng với những tác động ngoài ý muốn từ phía người bệnh, người nhà người bệnh, đồng nghiệp. Năng lực này còn nằm ở khả năng sáng tạo, linh động để điều trị của người bệnh trong hoàn cảnh như thiếu thốn nhân lực, phương tiện hoặc sự vòi vĩnh, đòi hỏi quá đáng hay tình huống bệnh tật phức tạp.

Ngoài ra, một số tiêu chí truyền thống cũng cần được đánh giá như thái độ học tập, tinh thần trách nhiệm, tinh thần chấp hành kỷ luật, nội quy ở các cơ sở thực tập. Những tiêu chí này giúp cho người bác sĩ đa khoa rèn luyện tin h thần trách nhiệm, sự chuẩn mực, đó là những đức tính cần có khi hành nghề sau này.

Ở cấp trường đại học, cần thành lập một đoàn kiểm tra cấp trường để có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, có thời gian biểu cụ thể cho hoạt động kiểm tra, đối tượng kiểm tra, các vấn đề cần phải kiểm tra. Nội dung kiểm tra bao gồm:

- Kiểm tra thực tế dựa trên các báo cáo về hoạt động chuyên môn theo định kỳ, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động giảng dạy về thực tập như: tình hình thực tập của SV qua mỗi đợt, những khó khăn cũng như thuận lợi trong hoạt động giảng dạy và thực tập

- Kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế nơi sinh viên thực tập: dựa trên kế hoạch thực tập, nội dung và yêu cầu thực tập, các bản báo cáo từ bộ môn. Nội dung kiểm tra bao gồm: lịch giảng thực tập cho các đối tượng SV có đúng với mục tiêu và yêu cầu, có đúng với tiến trình về mặt thời gian, phương pháp đánh giá sinh viên có phù hợp với nội dung giảng dạy, phương pháp quản lý SV có chặt chẽ và nghiêm túc.

- Kiểm tra sổ nhật ký lâm sàng của SV, ghi nhận những ý kiến phản hồi của SV.

Ở cấp bộ môn, mỗi bộ môn cần thực hiện tốt công tác quản lý giảng dạy. Đối với công tác quản lý thực tập của sinh viên, mỗi bộ môn cần có kế hoạch kiểm tra thường xuyên theo thời gian biểu và có thể là kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra bao gồm:

- Phỏng vấn trực tiếp hoặc xem sổ nhật ký lâm sàng của SV để có cơ sở đánh giá việc thực hiện nội dung, mục tiêu thực tập.

- Kiểm tra sổ theo dõi và quản lý SV.

- Kiểm tra kế hoạch giảng dạy và quản lý của GV nhà trường cũng như GV thỉnh giảng.

Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hóa, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

Thăm dò sự cần thiết và tính khả thi của các giải pháp

Kết quả thăm dò nêu trên phần nào khẳng định tính cần thiết và khả thi của các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thực tập của SV chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Để khẳng định tính đúng đắn của các nhóm giải pháp trên, cần tiếp tục nghiên cứu thêm sau khi áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý hoạt động thực tập của SV các khóa tiếp theo.

Bằng các phương pháp nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả đã đánh giá sơ bộ thực trạng công tác tổ chức, quản lý và kiểm tra, đánh giá hoạt động thực tập của sinh viên chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Kết quả khảo sát cho thấy số lượng giảng viên quản lý và hướng dẫn thực tập còn mỏng so với số lượng sinh viên. Việc phổ biến mục tiêu và chương trình thực tập cho sinh viên được thực hiện tốt, phân bố thời gian giữa học lý thuyết và thực tập tương đối phù hợp. Thời gian thực tập lâm sàng cần xem xét tăng lên, theo đánh giá của sinh viên. Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập lâm sàng cần điều chỉnh để đảm bảo tính trung thực, khách quan, công bằng và chính xác. Trên cơ sở đó, 02 nhóm giải pháp đã được đề xuất áp dụng. Kết quả thăm dò các chuyên gia cho thấy tính khả thi của 02 nhóm giải pháp đã đề xuất.

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1B, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài