Sử dụng tác phẩm truyện trong tích hợp giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe cho trẻ ở trường mầm non
Giáo dục dinh dưỡng - sức khoẻ là nội dung quan trọng trong giáo dục phát triển thể chất cho trẻ mầm non. Nghiên cứu này nhằm phân tích ưu thế của tác phẩm truyện và hướng sử dụng tác phẩm truyện để tích hợp giáo dục dinh dưỡng - sức khoẻ cho trẻ ở trường mầm non. Phương pháp phân tích nội dung, phương pháp phỏng vấn trực tiếp và phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động đã được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy, nguồn tài nguyên tác phẩm truyện có thể sử dụng để tích hợp giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe cho trẻ ở trường mầm non khá phong phú, đa dạng. Giáo viên có thể sử dụng những tác phẩm này để giáo dục cho trẻ thói quen giữ vệ sinh thân thể, giáo dục trẻ ăn uống đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non.
Dinh dưỡng đầy đủ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Khi trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, trẻ sẽ có khả năng miễn dịch, phát triển thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành năng lực cảm xúc - xã hội để phát triển toàn diện. Ngược lại, thiếu dinh dưỡng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Scaglioni cho rằng, hành vi, thói quen ăn uống của trẻ chịu ảnh hưởng từ nhiều nhân tố: Khuynh hướng di truyền, cha mẹ và gia đình, cộng đồng - nhân khẩu - kinh tế xã hội, thức ăn và bản thân trẻ (Scaglioni et al., 2018). Để đảm bảo mục tiêu về dinh dưỡng - sức khoẻ (DD - SK) cho trẻ mầm non, các lực lượng liên quan đến trẻ có thể tác động vào các nhân tố ảnh hưởng như đã nói trên. Với nhân tố bản thân trẻ, giáo dục dinh dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau được coi là một giải pháp hữu ích.
Để giáo dục DD - SK cho trẻ, giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức tổ chức, tích hợp vào các chủ đề và dùng nhiều tài nguyên học tập. Sách, truyện được coi là một nguồn tài nguyên hiệu quả trong giáo dục DD - SK cho trẻ.
Việc sử dụng sách, truyện trong tích hợp giáo dục DD - SK cho trẻ ở trường mầm non sẽ góp phần cung cấp cho trẻ những kiến thức và trau dồi kỹ năng nhằm hình thành các thói quen, hành vi có lợi cho sức khoẻ. Vì vậy, nghiên cứu này cung cấp ngữ liệu tác phẩm truyện, đề xuất hướng sử dụng những tác phẩm này trong việc tích hợp giáo dục DD - SK cho trẻ ở trường mầm non.
Phương pháp phân tích nội dung được sử dụng để lựa chọn các tác phẩm truyện phù hợp với nội dung tích hợp giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non. Các tác phẩm truyện trong 4 tuyển tập có chứa các tác phẩm truyện của Nhà xuất bản Giáo dục đã được phân tích, bởi qua khảo sát, đây là những tuyển tập đang được nhiều giáo viên sử dụng trong các hoạt động giáo dục trẻ tại trường mầm non. Bên cạnh phương pháp phân tích nội dung, phương pháp phỏng vấn trực tiếp, phiếu điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động cũng được sử dụng để khảo sát nhận thức và thực trạng sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ của giáo viên mầm non tại thành phố Thái Nguyên. Thời gian khảo sát được thực hiện từ 01/08/2023 đến 15/10/2023, với số lượng khảo sát là 50 giáo viên và các sản phẩm hoạt động tiêu biểu của những giáo viên này để có cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất hướng sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ ở trường mầm non.
Mục tiêu giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non
Mục tiêu của giáo dục mầm non là chăm sóc và giáo dục trẻ nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về các mặt: thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ… Trong đó, giáo dục DD - SK là một trong hai mục tiêu về giáo dục phát triển thể chất cho trẻ mầm non. Mục tiêu về giáo dục DD - SK của giáo dục nhà trẻ là giúp trẻ thích nghi với chế độ sinh hoạt ở nhà trẻ và có khả năng làm được một số việc tự phục vụ trong ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân. Ở độ tuổi 3-6, trẻ được giáo dục để có một số hiểu biết về thực phẩm và lợi ích của việc ăn uống đối với sức khoẻ; có một số thói quen, kỹ năng tốt trong ăn uống, giữ gìn sức khoẻ và đảm bảo sự an toàn của bản thân.
Nội dung giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non
Nội dung giáo dục DD - SK được cụ thể hoá trong từng độ tuổi của trẻ. Ở độ tuổi 24-36 tháng, trẻ tập luyện nền nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt; làm quen với một số việc tự phục vụ, giữ gìn sức khoẻ; nhận biết và tránh một số nguy cơ không an toàn. Đối với trẻ 3-6 tuổi, giáo dục DD - SK nhằm hướng tới mục tiêu trẻ nhận biết một số món ăn, thực phẩm thông thường và lợi ích của chúng; tập làm một số việc tự phục vụ trong sinh hoạt; giữ gìn sức khoẻ, an toàn
Hình thức giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non
Để giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non, giáo viên có thể tổ chức hoạt động theo hướng tích hợp giáo dục DD - SK qua hoạt động học một cách trực quan cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu hơn để làm phong phú nội dung, phương pháp học tập. Bên cạnh đó, giáo viên có thể giáo dục thông qua hoạt động chơi, qua truyện kể, thơ ca, đồng dao, đóng kịch, kể chuyện theo tranh, tập tô, vẽ, xé dán… và giáo dục trẻ ở mọi lúc, mọi nơi (thời điểm đón, trả trẻ; trong giờ dạo chơi ngoài trời…) hoặc qua bản tin, hoạt động lao động, hoạt động ngày lễ, ngày hội, hoạt động trải nghiệm… Giáo viên có thể giáo dục tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ vào các chủ đề (bản thân, gia đình, động vật, thực vật…).
Ý nghĩa của việc lựa chọn tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ ở trường mầm non
Chăm sóc giáo dục trẻ ngay từ những tháng năm đầu tiên của cuộc đời là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, cơ thể trẻ đang trong quá trình phát triển rất nhanh nhưng sức đề kháng còn yếu, các cơ quan đang trên đà phát triển nhưng chưa hoàn thiện, đồng thời trẻ chưa có ý thức trong việc bảo vệ cơ thể nên rất dễ bị ốm hoặc xảy ra những tai nạn rủi ro. Để có thể tham gia, thực hiện tốt tất cả các hoạt động phù hợp với độ tuổi, trẻ cần có một cơ thể khỏe mạnh, được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Giáo viên mầm non là người ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, vì vậy bên cạnh việc nêu gương còn cần vận dụng các phương pháp, hình thức để giáo dục DD - SK cho trẻ. Khi được giáo dục về DD - SK, nhận thức và hành vi của trẻ sẽ dần tốt lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến trẻ trong suốt thời kỳ ấu thơ cho đến tương lai sau này của trẻ.
Trẻ mầm non tiếp nhận tác phẩm văn học một cách hồn nhiên, ngây thơ, không chịu sự chi phối của lý trí hay kinh nghiệm. Là một phần của cuộc sống, các tác phẩm văn học gợi cho trẻ những cảm xúc lành mạnh, giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh về con người và xã hội một cách chân thực nhất. So với các thể loại khác như thơ, kịch, tiểu thuyết hay truyện dài, thể loại truyện ngắn có những ưu thế riêng. Đặc biệt, những tác phẩm truyện được sử dụng trong giáo dục trẻ mầm non luôn chứa đựng những bài học giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc. Giáo dục DD - SK cho trẻ thông qua tác phẩm truyện sẽ giúp trẻ hứng thú, tự giác và dễ dàng tiếp thu những kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn đối với việc thực hiện những hành động văn hóa vệ sinh. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng, hình ảnh đẹp kết hợp với ngôn từ giản dị, trong sáng, việc sử dụng tác phẩm truyện nhằm giáo dục DD - SK cho trẻ sẽ tạo được những hiệu quả nhất định.
Sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ ở trường mầm non
Kết quả khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp cho thấy 100% giáo viên đã có nhận thức đúng đắn về khái niệm giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non, khái niệm truyện và sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ. Có 86% giáo viên thường xuyên sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ. Trong quá trình sử dụng, giáo viên có những khó khăn trong việc tích hợp nội dung giáo dục DD - SK cho trẻ trong các hoạt động bởi nhiều giáo viên chưa nắm vững quy trình sử dụng, bên cạnh đó, nguồn tư liệu tác phẩm chưa được tiếp cận nhiều để khai thác. Vì vậy, nghiên cứu này đề xuất hướng sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục trẻ ăn uống đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng và giáo dục trẻ có thói quen giữ vệ sinh thân thể.
Nghiên cứu đã đề xuất việc sử dụng các tác phẩm truyện để giáo dục trẻ ăn uống vệ sinh, đủ chất dinh dưỡng và giáo dục trẻ giữ vệ sinh thân thể. Khi sử dụng tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ mầm non, giáo viên không chỉ cần thông hiểu chương trình giáo dục mầm non, nắm được đặc điểm của trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường mà còn cần thông hiểu ý nghĩa của tác phẩm truyện. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ lập kế hoạch, triển khai việc sử dụng tích hợp tác phẩm truyện trong giáo dục DD - SK cho trẻ và liên tục kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện. Đây là một biện pháp tác động giúp giáo dục về nhận thức và hành vi DD - SK phù hợp cho trẻ mầm non.
Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1C, 03/2024