SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giáo dục nghệ thuật cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An thông qua việc sử dụng học liệu văn hoá dân gian xứ Nghệ

[28/05/2024 14:29]

Giáo dục nghệ thuật trong trường trung học phổ thông là một nội dung giáo dục quan trọng ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Sử dụng học liệu từ nền văn hóa dân gian để giáo dục nghệ thuật cho học sinh là một trong những con đường không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật mà còn góp phần phát triển năng lực thẩm mĩ, năng khiếu nghệ thuật cho học sinh. Trên cơ sở làm rõ ý nghĩa và yêu cầu sử dụng học liệu từ nền văn hóa dân gian xứ Nghệ, bài báo đề cập đến một số biện pháp để giáo dục nghệ thuật cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An thông qua việc sử dụng học liệu văn hoá dân gian xứ Nghệ

Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ xuất sắc của Đảng, Nhà nước, có truyền thống cách mạng kiên cường và là một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa. Từ truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, chinh phục, cải tạo thiên nhiên và xã hội của Nghệ An đã tạo nên một bề dày lịch sử, một kho tàng văn hóa dân gian về kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật và một nét riêng có về phong cách sống, ứng xử, quan hệ của con người xứ Nghệ. Những yếu tố văn hoá mang đậm dấu ấn và đặc trưng của Nghệ An chính là nguồn tư liệu, học liệu phong phú để các nhà trường lựa chọn đưa vào giảng dạy và xây dựng chương trình giáo dục địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Giáo dục nghệ thuật (GDNT) ở trường trung học phổ thông (THPT) được xác định gồm hai môn học cốt lõi là Âm nhạc và Mỹ thuật, có vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh (HS); đồng thời thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kỹ năng cơ bản về lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS; góp phần khơi dậy chân, thiện, mỹ; tính nhân bản và tiềm năng sáng tạo của HS. Đối với GDNT cho HS, học liệu có một vai trò quan trọng. Nó bao gồm các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung GDNT cho HS.

Trong nguồn học liệu GDNT cho HS, học liệu từ nền văn hóa dân gian (VHDG) nói chung, học liệu VHDG xứ Nghệ nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi loại học liệu VHDG đều gắn với các loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miền. Các loại hình nghệ thuật này được thể hiện một cách độc đáo về nội dung và hình thức.

Sử dụng học liệu từ nền VHDG xứ Nghệ trong GDNT cho HS các trường THPT tỉnh Nghệ An không chỉ nâng cao chất lượng GDNT mà còn bồi dưỡng cho HS tình cảm trân trọng những giá trị vật chất, tinh thần mà các thế hệ ông cha đã để lại.

Ý nghĩa của việc sử dụng học liệu VHDG xứ Nghệ

1. Đổi mới hoạt động GDNT một cách sinh động, hiệu quả

Với những ưu thế và đặc trưng riêng có gắn với lịch sử, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và văn hóa, khi được sử dụng, học liệu VHDG xứ Nghệ sẽ đem lại những hiểu biết và trải nghiệm học tập thú vị, ý nghĩa cho cả giáo viên và HS. Những nội dung, kiến thức GDNT từ nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ có thể gắn với từng bậc học và tích hợp trong chương trình giáo dục địa phương như: các giá trị của VHDG xứ Nghệ; các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật; những thành tựu và những đóng góp của VHDG xứ Nghệ về âm nhạc, mỹ thuật, con người đối với nền văn hoá nghệ thuật của đất nước… Đây là một nội dung bổ ích với nhiều chủ đề hấp dẫn để tổ chức các hoạt động giáo dục và hoạt động trải nghiệm thực tế một cách sinh động và đa dạng nhằm tạo hứng thú, nâng cao hiệu quả học tập, giúp HS được tìm hiểu về lịch sử, về tiềm năng thế mạnh của vùng đất quê hương, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn bằng cách tự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm và học tập trong không gian văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS một cách sinh động, hiệu quả..

2. Giúp HS cảm nhận được cái đẹp của quê hương, đất nước, tình cảm con người

Ở lĩnh vực âm nhạc mà tiêu biểu là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mang tính thẩm mỹ xuất phát từ đời sống của nhân dân lao động, đáp ứng được nhu cầu tình cảm đa dạng và sâu sắc, khát vọng sống cao cả mà bình dị thông qua lời ca, tiếng hát, ứng tác văn chương, xuất khẩu thành thơ, đối đáp lẫn nhau, nhất là những tốp nam thanh, nữ tú bên này con sông với bên kia con sông, xóm làng này với xóm làng khác… với cách nói trau chuốt, mượt mà ý nhị, mang những giãi bày mộc mạc đã tạo nên sự độc đáo riêng biệt.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các di tích lịch sử, kiến trúc, tranh dân gian, hoa văn trang trí trên vật dụng và trang phục khắc họa những hình ảnh, đồ vật, vật nuôi quen thuộc của người dân lao động hoặc những hình ảnh trang trí phục vụ cho tín ngưỡng dân gian từ xưa đến nay.

Ở lĩnh vực văn học dân gian, có thể kể đến hệ thống tư liệu, học liệu về kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, kho tàng Vè xứ Nghệ, ca dao, tục ngữ xứ Nghệ, truyện cổ Thái, các sách về địa chí tỉnh và huyện, văn hóa tâm linh, tục thờ thần và Thần tích, Hương ước, Làng nghề, ẩm thực dân gian… Vì thế, GDNT thông qua sử dụng học liệu VHDG xứ Nghệ, HS sẽ cảm nhận được cái đẹp của quê hương, đất nước, của lịch sử, tình cảm con người, từ đó hình thành nên những xúc cảm thẩm mỹ tích cực.

3. Giáo dục, bồi dưỡng cho HS sự tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống

Những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc cần được gìn giữ và lan tỏa trong tâm thức của thế hệ trẻ để hình thành ở họ thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, bên cạnh tổ chức dạy học các nội dung GDNT được quy định, việc sử dụng các nguồn tư liệu, học liệu khác, trong đó có học liệu VHDG xứ Nghệ với những nội dung chọn lọc, hình thức phù hợp gắn với từng bậc học sẽ có ý nghĩa giúp HS nâng cao tình cảm thẩm mỹ, có thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng như giáo dục, bồi dưỡng cho HS tình yêu đối với quê hương, con người xứ Nghệ.

Yêu cầu đối với học liệu VHDG xứ Nghệ trong GDNT

Học liệu VHDG xứ Nghệ để giảng dạy trong các trường THPT tỉnh Nghệ An cơ bản phải được xây dựng trên cơ sở nền VHDG xứ Nghệ và cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

Phản ánh được những giá trị đặc sắc, độc đáo riêng biệt của nền âm nhạc, mỹ thuật dân gian xứ Nghệ.

Phục vụ thiết thực cho yêu cầu giảng dạy, học tập môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường THPT tỉnh Nghệ An.

Tạo hứng thú học tập môn Âm nhạc, Mỹ thuật của HS trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với chương trình giáo dục địa phương; đồng thời phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm), những năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo), năng lực đặc thù cho HS (năng lực âm nhạc, năng lực mỹ thuật).

Một số biện pháp GDNT thông qua việc sử dụng học liệu VHDG xứ Nghệ

1. Xác định mục tiêu GDNT thông qua việc sử dụng học liệu VHDG xứ Nghệ

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GDNT được định hướng nhằm“ góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho HS; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kỹ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục về đức, trí, thể, mỹ cho HS”.

GDNT thông qua việc sử dụng học liệu VHDG nói chung, học liệu VHDG xứ Nghệ nói riêng chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của văn hoá dân tộc. Từ đó, mỗi HS sẽ biết trân trọng và có ý thức gìn giữ, bảo vệ, phổ biến các loại giá trị, hình ảnh âm nhạc, mỹ thuật truyền thống; phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, mỹ thuật; vận dụng kiến thức, kỹ năng âm nhạc, mỹ thuật vào đời sống, đồng thời tiếp cận giá trị nghệ thuật và thành tựu khoa học, công nghệ của thời đại để tiếp nối các dòng chảy của nghệ thuật, qua đó bồi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.

2. Lựa chọn nội dung phù hợp để GDNT thông qua việc sử dụng học liệu VHDG xứ Nghệ

Đối với môn Mỹ thuật, cần khai thác từ nền VHDG xứ Nghệ để đưa vào nội dung giáo dục thông qua các sáng tạo nghệ thuật điêu khắc, phù điêu trên kiến trúc đình làng, nhà ở lâu đời, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nghệ An, các di tích còn lưu giữ các hình ảnh, vật dụng có trang trí mỹ thuật mang màu sắc, cách tạo hình đặc trưng của xứ Nghệ như: tranh dân gian Độc Lôi (Sưu tầm tại đền Độc Lôi, Nam Đàn, Nghệ An); các làng nghề: đan nứa trúc ở Xuân Nha (Hưng Nguyên), nghề rèn ở Nho Lâm; chạm trổ đá Diễn Bình, dệt Phường Lịch (Diễn Châu), làm gốm gia dụng bằng tay và bàn xoay ở Viên Thành (Yên Thành), nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu đan của đồng bào các dân tộc Thái, H'Mông; các tranh khắc gỗ, đồ gốm sứ và các hình thức, hoa tiết trang trí hoa văn trên trang phục, vật dụng các dân tộc thiểu số miền tây xứ Nghệ; những thành tựu và những nét riêng biệt, đặc sắc của nền mỹ thuật Nghệ An trong quá trình hội nhập với nền mỹ thuật Việt Nam và thế giới.

3. Đa dạng hoá các phương pháp và hình thức GDNT thông qua việc sử dụng nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ

Các nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn, thực hành cùng các nhà nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng di sản VHDG xứ Nghệ cũng là một “nguồn học liệu sống” mà các trường THPT tỉnh Nghệ An cần khai thác để làm phong phú, đa dạng hoá phương pháp, hình thức GDNT cho HS. Vì thế, các trường THPT cần có kế hoạch, ưu tiên thời gian và kinh phí để mời các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu về VHDG xứ Nghệ tham gia GDNT cho HS ở các hình thức, mức độ khác nhau: giới thiệu nền Âm nhạc, Mỹ thuật dân gian xứ Nghệ; truyền dạy dân ca xứ Nghệ; tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật; tổ chức triển lãm tranh tại nhà trường, trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các sân khấu kịch hát hoặc các không gian diễn xướng truyền thống. Việc tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu về VHDG xứ Nghệ sẽ góp phần nâng cao chất lượng của nội dung giảng dạy và phát triển năng lực thẩm mỹ, năng khiếu nghệ thuật cho HS gắn với con người, địa danh, hoạt động nghệ thuật cụ thể.

4. Đổi mới đánh giá kết quả GDNT thông qua việc sử dụng nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ

Để nâng cao chất lượng đánh giá kết quả GDNT cho HS ở các trường THPT tỉnh Nghệ An thông qua việc sử dụng nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ, giáo viên có thể đa dạng các hình thức đánh giá căn cứ vào khả năng tiếp thu, vận dụng sáng tạo tri thức của HS trong quá trình học tập từ nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ như: khi học trên lớp, khi tham gia các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về VHGD xứ Nghệ tại nhà trường; khi tham quan, trải nghiệm, thực hành di sản VHGD xứ Nghệ tại địa điểm thực tế; khi học tập về VHGD xứ Nghệ thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện… Từ đó sử dụng các hình thức: đánh giá chẩn đoán, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; đánh giá định tính và đánh giá định lượng để phù hợp với chương trình, nội dung, yêu cầu môn học. Đối với GDNT cho HS cấp THPT cần chú trọng đúng mức đến đánh giá định lượng, ở một số bài học nên dùng hình thức đánh giá bằng điểm số nhằm phát huy năng lực, tính tích cực, chủ động của HS trong việc học tập, tìm hiểu, khai thác các giá trị của nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ.

Nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ là cơ sở để xây dựng chương trình giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An và có vai trò quan trọng trong GDNT, hướng tới mục tiêu hướng nghiệp, hình thành phẩm chất, năng lực cho HS đáp ứng nhu cầu để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Với nội dung tập trung khai thác những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được bảo tồn, phát huy gắn với sự tiếp nối, phát triển của đời sống xã hội hiện nay về văn học, lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật… việc sử dụng nguồn học liệu VHDG xứ Nghệ để GDNT cho HS ở các trường THPT tỉnh Nghệ An không chỉ để nâng cao chất lượng GDNT, mà còn góp phần hình thành và phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất của mỗi HS, trao truyền, kết nối HS với những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của quê hương xứ Nghệ trong sự hội nhập giữa nền văn hóa các vùng miền và các quốc gia trên thế giới.

Tạp chí Khoa học Trường đại học Vinh - Tập 53, số 1C, 03/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài