Đánh giá chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh Viện Đa Khoa Vĩnh Long năm 2023
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá chất lượng cuộc sống và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh viện.
Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (TNDDTQ) là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất và được đánh giá là gánh nặng toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng nhanh chóng hàng năm do những thay đổi trong lối sống và thói quen ăn uống. Trên toàn cầu, số ca mắc bệnh TNDDTQ đã tăng từ 441,57 triệu vào năm 1990 lên 783,95 triệu vào năm 2019, tỷ lệ lưu hành chuẩn hóa theo tuổi của bệnh là 9574,45/100.000 dân vào năm 2019. Mặc dù kết quả điều trị bệnh TNDDTQ thuyên giảm khi phẫu thuật hoặc dùng thuốc nhưng bệnh nhân sẽ tái phát khi ngừng hoặc không tuân thủ điều trị, dẫn đến gánh nặng kinh tế về chi phí điều trị và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (CLCS) của người bệnh. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Hội Nội khoa, cả nước có khoảng 7 triệu người bị bệnh TNDDTQ. Trong đó, khoảng 60% không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng về hô hấp, hẹp thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đối tượng và tiêu chuẩn chon mẫu nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân có hội chứng TNDDTQ đến khám và điều trị tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long năm 2023
Tiêu chuẩn chon mẫu: Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên có điểm GERD-Q từ 8 điểm trở lên và được nội soi xác nhận là GERD theo tiêu chuẩn Los Angeles (1994) tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long năm 2023. Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu gồm:
Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện. Tất cả bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu trong khoảng thời gian từ tháng 04/2023 đến tháng 12/2023.
Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Số liệu được quản lý và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Các số liệu về điểm số chất lượng cuộc sống được biểu thị dưới dạng trung bình, độ lệch chuẩn. Thực hiện phép kiểm χ2 và ước tính mối liên quan giữa chất lượng cuộc sống không tốt với các yếu tố được thể hiện dưới dạng tỷ lệ (%), tỷ số chênh (OR), khoảng tin cậy 95% và xem xét sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p≤0,05.
Tỷ lệ bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long năm 2023 có chất lượng cuộc sống không tốt là 27,6%. Điểm Quality of Life in Reflux and Dyspepsia trung bình là 5,43±0,77. Các bệnh nhân trào ngược dạ dày-thực quản có thời gian mắc bệnh trên 1 năm, bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá và thời gian hoạt động tĩnh tại trên 1 giờ/ngày có chất lượng cuộc sống kém hơn so với nhóm còn lại, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Tỷ lệ bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long năm 2023 có chất lượng cuộc sống không tốt là 27,6% theo thang điểm QOLRAD. Đa phần đối tượng có chất lượng cuộc sống tốt ở các lĩnh vực cảm xúc, ăn uống và vận động, giao tiếp xã hội; chất lượng cuộc sống không tốt ở lĩnh vực rối loạn giấc ngủ và sức sống. Qua phân tích hồi quy logistic đa biến tìm ra 3 yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống mà sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ chất lượng cuộc sống không tốt ở các nhóm đối tượng có thời gian mắc bệnh trên 1 năm (OR=2,06; p=0,011); nhóm hiếm khi hút thuốc lá (OR=15,53; p<0,05),đối tượng dành nhiều thời gian trong ngày cho hoạt động tĩnh tại là 1-3giờ/ngày (OR=1,83; p=0,029) và 4-8giờ/ngày (OR=2,91; p=0,016). Cần thiết khảo sát và đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân TNDDTQ trong suốt thời gian điều trị, phát hiện sớm và kịp thời các yếu tố tác động đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân để can thiệp và hỗ trợ cải thiện đầy đủ và hiệu quả.
Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 72/2024