Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững
Các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.
Thời gian qua, mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của doanh nghiệp và chính phủ các nước, tuy nhiên, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ. Theo ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh đang ngày càng được chú trọng.
Mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Công nghệ số giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh, giảm phát thải ra môi trường nên cuộc chuyển đổi kép là bạn đồng hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.
"Sản xuất thông minh giúp Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư tăng, lãi vay tăng. Năng suất lao động đã tăng 30% với sản phẩm LED (5,5 triệu SP/ tháng lên 7,5 triệu SP/ tháng) và tăng 37% với sản phẩm Phích (1,4 triệu SP/ tháng lên 1,9 triệu SP/ tháng)", ông Thăng nói.
Nói về kinh nghiệm chuyển đổi xanh, ông Poovathungal Itteera ROY - Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, Cụm Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric cũng đề cập đến một số lý do ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 55% chủ doanh nghiệp lo ngại khi đầu tư các hoạt động bền vững sẽ không mang lại lợi nhuận cho họ.
Hơn nữa, khó khăn về việc tiếp cận tài chính, công nghệ và chuyên môn cũng là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi xanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, một trong những lí do quan trọng đang “giữ chân” doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi này chính là sự thiếu hụt về dữ liệu hiện trường. Điều này khiến họ khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng các dự án, kế hoạch “xanh hoá” của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0”, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp... Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2021 - 2025).
Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện giải pháp bằng hành động thiết thực nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như: phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư, tài chính trợ vốn,...