Ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật u trong tủy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Các tác giả Trần Sơn Tùng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Dương Đại Hà - Trường Đại học Y Hà Nội, Lê Hồng Nhân - Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của ứng dụng hệ thống cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật u trong tủy tại Bệnh viện Việt Đức.
U tủy sống là tình trạng có những khối u phát triển trong tủy sống hoặc ở màng cứng tủy sống
Cùng với những tiến bộ mới nhất trong kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thần kinh và kỹ thuật vi phẫu, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u tủy sống vẫn còn là một thách thức đối với phẫu thuật viên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và tiến bộ trong phương pháp theo dõi thần kinh trong mổ (IONM) ngày nay dần dần đã trở thành một phương pháp hỗ trợ quan trọng trong việc theo dõi sinh lý điện dẫn truyền thần kinh nhất là đối với các tổn thương nội tủy, trong đó có u trong tủy. U trong tủy là loại u xuất phát từ tế bào thần kinh đệm của tủy sống, hoặc các loại u du căn từ hệ thống thần kinh hoặc các u ác tính không xuất phát từ mô thần kinh đệm. U trong tủy sống chiếm khoảng 2 - 4% các u của hệ thống thần kinh và chiếm 15% các u tủy sống nói chung.
Nghiên cứu tiến cứu, có can thiệp lâm sàng, không có nhóm chứng được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 2/2024 với 39 bệnh nhân được chẩn đoán là u trong tủy sống tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0, tính toán các chỉ số độ nhạy, độ đặc hiệu, các giá trị dương tính dự đoán, âm tính dự đoán và độ chính xác tổng thể.
Kết quả cho thấy tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 36,64, tỷ lệ lấy hết u là 61,5%. Điện sinh lý dẫn truyền cảm giác (SSEP) cho độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 64% và 82%. Điện sinh lý dẫn truyền vận động (MEP) cho độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 100% và 92%. Các tác giả đưa ra kết quả trong nghiên cứu này để làm nổi bật và nâng cao kiến thức về theo dõi thần kinh trong mổ và tầm quan trọng của ứng dụng hệ thống này nằm nâng cao hiệu quả phẫu thuật.
Hệ thống cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật thần kinh nói chung và phẫu thuật u trong tủy nói riêng đã có những bước tiến lớn trong nhiều năm qua. Điều này đã cho phép phẫu thuật viên có được thông tin đáng tin cậy hơn về các đường cảm giác và vận động của tủy sống trong quá trình phẫu thuật u trong tủy. Tuy nhiên, như được trình bày trong bài viết này của chúng tôi, với các giá trị độ nhạy, độ đặc hiệu, các giá trị dự đoán của SSEP và MEP, cảnh báo thần kinh trong phẫu thuật u trong tủy tại Việt Nam mới chỉ dừng vị trí là yếu tố tham khảo cho phẫu thuật viên trong việc đưa ra quyết định trong cuộc mổ và là chỉ số đối chứng với các biểu hiện lâm sàng sau mổ.
Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 176, Số 3 (2024)