SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tiềm năng probiotic của vi khuẩn phân lập từ hệ tiêu hóa của hàu Thái Bình Dương Crassotrea gigas nuôi tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, Việt Nam

[30/05/2024 15:01]

Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá tiềm năng probiotic của vi khuẩn phân lập từ hệ tiêu hóa của hàu biển Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) nuôi tại khu vực Ninh Hòa, Khánh Hòa, Việt Nam với định hướng phát triển sản phẩm probiotic phục vụ cho giai đoạn nuôi ấu trùng hàu và nuôi lưu hàu thương phẩm.

Ảnh minh họa: Internet

Trong số hơn 100 loại hàu đang được sử dụng làm thực phẩm và được đánh giá là món ẩm thực cao cấp trên khắp thế giới, hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas (TBD) là một trong những loại được nuôi và tiêu thụ nhiều nhất. Hàu TBD có chứa một lượng lớn acid amin thiết yếu (12,20 ÷ 14,14 g (100 g) −1), trong số đó leucine (2,81÷ 3,29 g (100 g) -1) và lysine (2,79 ÷ 3,28 g (100g)−1) là chủ yếu. Thịt hàu TBD cũng rất giàu acid béo không bão hòa đa, chiếm 42,26% ÷ 45,24% tổng acid béo trong đó hàm lượng DHA là 18,53% ÷ 21,16% tổng lượng acid béo và EPA là17,23% ÷ 18,68% tổng lượng acid béo. Hàu còn chứa một hàm lượng khoáng chất (Mg, Zn, Fe và Cu) đáng kể so với các loài thủy hải sản khác. Ngoài các đặc điểm dinh dưỡng cao như các loài hàu nói chung, hàu TBD đã được giới nghiên cứu báo cáo có giá trị dinh dưỡng đặc biệt liên quan đến các peptide sinh học có giá trị trong lĩnh vực thực phẩm sức khoẻ như peptide có thể ức chế men chuyển angiotensin I (ACE), hỗn hợp peptit giàu cysteine có khả năng kháng khuẩn;  hoạt  chất  thủy  phân  có  hoạt  tính  chống khối u và tác dụng kích thích miễn dịch trong chuột BALB/c; dịch thủy phân từ hàu Thái Bình Dương còn có khả năng chống viên (Qian và cs., 2020) hay tăng cường hocmon nam.

Probiotic mang lại lợi ích in vivo cho vật chủ thông qua các thuộc tính như sản xuất chất kháng khuẩn, cạnh tranh loại trừ mầm bệnh, điều hòa miễn dịch và kiểm soát hệ vi sinh vật chung. Tổn thất sản phầm hàu xảy ra trong suốt chu kỳ nuôi trồng thuỷ sản có thể bắt nguồn từ những thay đổi đối với hệ vi sinh vật của hàu. Do đó, phát triển chế phẩm probiotic cho hàu là một chủ đề được quan tâm nghiên cứu để đạt được những lợi ích như tăng khả năng chống chịu với các biến cố tử vong của hàu, kiểm soát chất lượng nước trại giống, hỗ trợ hàu phát triển tốt giữa khi môi trường sống thay đổi và thúc đẩy tăng trưởng trong quá trình nuôi hàu. Các nghiên cứu tập trung vào đánh giá vai trò của các chủng probiotic được bổ sung vào nước nuôi lưu trước khi đưa hàu ra thị trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy chế phẩm probiotic có thể phục hồi hệ vi sinh vật cho hàu nhờ đó cải thiện sức khỏe của hàu và tăng khả năng bảo quản trong vận chuyển. Đồng thời, probiotic còn có sự đóng góp vào hương vị và kết cấu thịt hàu. Các chủng probiotic điển hình đã được thử nghiệm trong nuôi hàu là thành viên của nhiều chi có tiềm năng lợi khuẩn như: Alteromonas, Phaeobacter, Enterococcus, Pseudoalteromonas, Aeromonas, Vibrio và một số trực khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng các chế phẩm sinh học thương mại được phát triển cho các ứng dụng nuôi trồng thuỷ sản nói chung thường có hiệu quả hạn chế khi áp dụng cho nuôi hàu vì có thể các ứng cử viên probiotic này không thích nghi đủ tốt với các điều kiện đặc biệt trong mô hàu hoặc có các đặc tính cần thiết cho các mầm bệnh cụ thể của hàu. Do đó, việc áp dụng các chế phẩm sinh học được phát triển từ các hệ vi sinh tự nhiên tiềm năng của hàu cũng đang được quan tâm. Các thử nghiệm kiểm tra các ứng viên probiotic được phân lập từ vật chủ mục tiêu cùng với các sản phẩm thương mại có sẵn ban đầu được phát triển cho các sinh vật khác không tìm thấy tác dụng bảo vệ đáng kể nào sau này. Đa số các chủng vi sinh vật được phẩn lập từ hệ vi sinh vật hàu hoặc họ hàng gần của hàu luôn hoạt động tốt hơn các sản phẩm probiotic có sẵn trên thị trường. Hơn nữa, hiện trên thị trường chưa có sản phẩm probiotic được thương mại hóa riêng cho hàu.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng probiotic của vi khuẩn phân lập từ hệ tiêu hóa của hàu Thái Bình Dương nuôi tại khu vực Ninh Hòa, Khánh Hòa, Việt Nam, từ đó định hướng phát triển sản phẩm probiotic phục vụ cho giai đoạn nuôi ấu trùng hàu và nuôi lưu hàu.

Từ hệ tiêu hóa của mẫu hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas nuôi tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, Việt Nam, nghiên cứu đã thu nhận được 22 chủng vi khuẩn, trong đó có 15 chủng gram dương và 7 chủng gram âm. Sau quá trình sàng lọc khả năng gây tan máu, kháng khuẩn V.parahaemolyticus, sinh enzyme ngoại bào và chịu mặn, 3 chủng N5, N7 và BS2 cho các kết quả tốt nhất. Việc định danh sử dụng chỉ thị 16S rRNA đã giúp xác định N5 và N7 thuộc nhóm Bacillus cereus và BS2 là chủng Enterobacter hormaechei. Do các tranh cãi về độ an toàn của các chủng vi khuẩn thành viên của nhóm Bacillus cereus khiứng dụng là probiotic, Enterobacter hormaechei được lựa chọn để nghiên cứu tiếp với định hướng probiotic cho hàu biển Thái Bình Dương Crassostrea gigas.

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài