SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự thành thục sinh sản của cá ong bầu (Rhynchopetaltes oxyrhynchus Temminck & Schlegel, 1842) trong ao nuôi lót bạt

[30/05/2024 15:42]

Cá ong bầu (Rhynchopelates oxyrhynchus), đối tượng bản địa tiềm năng mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, các dữ liệu liên quan đến sự thành thục sinh sản của đối tượng này trong nuôi ao lót bạt vẫn chưa được thực hiện. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thành thục của cá ong bầu trong ao nuôi lót bạt nhằm chủ động được nguồn cá bố mẹ thành thục phục vụ sinh sản nhân tạo thông qua sự thay đổi về hệ số thành thục, đường kính tế bào trứng và nồng độ vitellogenin trong máu đối với cá cái và sự thành thục tuyến sinh dục đối với cá đực.

Ảnh minh họa: Internet

Cá ong bầu (Rhynchopetaltes oxyrhynchus) được xem như loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao ở đầm phá Tam Giang – tỉnh Thừa Thiên Huế, với đặc tính thịt thơm ngon, béo. Cá ong bầu có thể nuôi ở nhiều hình thức khác nhau như: trong ao đất, trong lồng bè, nuôi xen ghép hoặc nuôi chuyên canh nên được nhiều người nuôi lựa chọn. Cá ong bầu tiêu thụ trên thị trường chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Tuy nhiên, sản lượng loài cá này liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây do khai thác quá mức, số người đánh bắt tăng lên, số ngư cụ khai thác ngày càng nhiều, khai thác cá có kích thước nhỏ. Ngoài ra, sản lượng cá ong bầu suy giảm còn có nguyên nhân từ việc môi trường bị ô nhiễm.

Hiện nay, một số lượng nhỏ cá ong bầu tiêu thụ trên thị trường từ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu thông qua các hình thức nuôi như nuôi lồng hoặc nuôi xen ghép trong ao với các đối tượng nuôi khác. Mô hình nuôi chuyên canh cá ong bầu rất ít do nguồn giống phụ thuộc vào tự nhiên với số lượng rất hạn chế và biến động theo từng năm. Vì vậy, việc chủ động được nguồn giống ong bầu nhân tạo ở quy mô thương mại, chủ động cung cấp cho các hộ nuôi sẽ đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển nuôi đối tượng này theo hướng bền vững cho vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến nuôi vỗ thành thục cá ong bầu chỉ được thực hiện đối với hình thức nuôi lồng trên đầm phá Tam Giang. Cụ thể, kết quả thử nghiệm nuôi vỗ cá ong bầu với 3 loại thức ăn khác nhau (100% cá tạp, phối hợp cá tạp và thức ăn công nghiệp tỉ lệ 50:50, 100% thức ăn công nghiệp) trên đầm phá Tam Giang cho thấy khẩu phần ăn hoàn toàn bằng cá tạp được ghi nhận là phù hợp nhất đối với cá ong bầu với các kết quả về chỉ tiêu tăng trưởng, thành thục ở cá đực và cái cao hơn so với các nghiệm thức khác.  Quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ trên đầm phá Tam Giang có tính rủi ro cao do khí hậu khắc nghiệt tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Do vậy, chủ động nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao nuôi lót bạt được xem là một giải pháp tiềm năng nhằm đảm bảo được nguồn cá bố mẹ chất lượng phục vụ sinh sản nhân tạo đối tượng này.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thành thục sinh sản của cá ong bầu bố mẹ trong ao nuôi lót bạt thông qua xác định các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục đực và cái, hệ số thành thục, đường kính tế bào trứng và nồng độ vitellogenin trong huyết tương cá cái. Kết quả của nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng qui trình sản xuất giống nhân tạo cá ong bầu nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi ở tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy cá ong bầu bố mẹ có thể nuôi vỗ thành thục trong ao nuôi lót bạt với tỷ lệ sống lớn hơn 60%. Hệ số thành thục được ghi nhận cao nhất đạt 5,30% (cá cái) và 3,56% (cá đực). Hàm lượng Vtg huyết tương tăng dần theo thời gian nuôi vỗ với 102,0 ng/mL tại tháng 1 và đạt giá trị cao nhất 765,9 ng/mL vào tháng 8. Đối chiếu với kết quả cắt mô tế bào học cho thấy rằng tuyến sinh dục của cá ong bầu cái ở giai đoạn sớm của quá trình hấp thụ noãn hoàng vào tháng 7 và giai đoạn thành thục sinh sản xảy ra từ tháng 8 đến tháng 9 với đường kính trứng lớn hơn 400 μm. Đồng thời dựa trên kết quả thực tiễn sản xuất giống cá ong bầu trong thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023 cho thấy rằng mùa vụ sinh sản của cá kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 và thời điểm sinh sản chính của cá ong bầu được nuôi trong ao nuôi lót bạt ở miền Trung vào tháng 9 (dương lịch).

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài