SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ cứng đến một số chỉ tiêu sinh sản của cá chép (Cyprinus carpio Linnaeus, 1758)

[30/05/2024 16:08]

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng độ cứng của nước lên tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ sống và tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá chép.

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam xem cá là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người và là nguồn nguyên liệu cần thiết cho một số ngành công nghiệp chế biến thủy sản và một số sản phẩm từ cá được chiết xuất ra insulin, vitamin phục vụ cho phát triển y học. Cá chép (Cyprinus carpio L., 1758) có nguồn gốc từ các hồ và sông lớn ở Trung Quốc. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá chép là loài cá được nuôi phổ biến trong khắp ao, mương vườn, ruộng lúa, lồng bè. Amrit et al., ấp trứng trong hệ thống tuần hoàn đến giai đoạn tiêu thụ hết noãn hoàng đối với cá rô phi (Oreochromis niloticus) ở độ cứng nước 500 và 4.200 mg CaCO3.L-1so với 50 và 132 mg CaCO3.L-1 cho thấy tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống không khác nhau giữa các nghiệm thức có độ cứng khác nhau. Độ cứng nước cao và nồng độ Fe tổng số cao có thể tác dụng xấu đối với sự phát triển của phôi và cá bột. Sự ô nhiễm kim loại trong nước sông và bùn đáy dẫn tới sự tích tụ sinh học trong các loài cá tự nhiên và các loài cá nuôi từ nguồn nước sông, làm cho cá có thể bị rối loạn miễn dịch, mất cân bằng nội tiết hoặc bị stress về mặt sinh lý, làm thay đổi các thông số sinh hoá trong các mô và máu.  Chukwuma and Henry ghi nhận ở 27oC trong nước có độ cứng 20, 80, 160, 300 mg CaCO3.L-1 tỷ lệ thụ, nở trứng và tỷ lệ sống của Clarias gariepinus không ảnh hưởng đáng.

Tỷ lệ nở của tất cả trứng thấp nhất trong môi trường là 300 mg CaCO3.L-1.  Gonzal et al., nghiên cứu ấp trứng cá mè trắng (Hypophthalmychthis molitrix) trong 19 giờ, ở 26,5°C với các mức độ cứng của nước 100, 200, 300, 400, 500 và 600 mg CaCO3.L-1 cho rằng độ cứng của nước nên ở mức 300-500 mg CaCO3.L-1 để ấp trứng cá mè trắng thành công.  Rach et al., nghiên cứu ấp trứng cá mè trắng thụ tinh trong hệ thống tuần hoàn với 5 mức độ cứng của nước gồm 50, 100, 150, 200 và 250 mg CaCO3.L1 cho thấy tỷ lệ nở từ 13,6-38,8% do bị ảnh hưởng bởi độ cứng của nước (cao nhất ở 50 mg CaCO3.L-1 và thấp nhất ở 250 mg CaCO3.L-1).  Bhatnagar et al.,cho cho thấy độ cứng dưới 20 mg/L gây căng thẳng cho cá do sự thiếu hụt chất dinh dưỡng trong nước đối với trứng và ấu trùng thủy sản.  Độ cứng của nước ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng (Townsend et al,..) và ấu trùng cá (Silva et al,…). Độ cứng của nước đã được chứng minh có ảnh hưởng đến đến giai đoạn đầu đời của Oncorhynchus mykiss (Morgan et al,..). Molokwu and Okpowasili nghiên cứu ảnh hưởng của độ cứng của nước đối với khả năng nở và khả năng sống sót của ấu trùng của  trứng  cá Clarias gariepinus  khi  được  ấp ở 28°C với độ cứng của nước dao động từ 10 -700 mg CaCO3.L-1 ghi nhận tỷ lệ nở trung bình dao  động  trong  khoảng  42,3%  ở  độ  cứng  10 mg CaCO3.L-1 và 64,6% ở 2000 mg CaCO3.L-1, nghiên cứu cho kết quả tỷ lệ sống của ấu trùng cao  nhất  là  71,0%  được  ghi  nhận  ở  độ  cứng của nước là 60 mg CaCO3.L-1, kết quả khuyến nghị rằng nước rất mềm (0-10 mg CaCO3.L-1) và nước rất cứng (300 mg CaCO3.L-1 trở lên) không phù hợp để ấp trứng và nuôi ấu Clarias. Hiện nay, nghiên cứu trên cá chép có rất nhiều như nghiên cứu ảnh hưởng của ô xy hòa tan lên tăng trưởng của cá, nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng cá chép, mô tả về hình thái đá tai cá chép. Tuy nhiên, ảnh hưởng của độ cứng lên các chỉ tiêu sinh sản cá chép chưa được nghiên cứu nhiều. Chính vì thế tìm hiểu ảnh hưởng của độ cứng lên một số chỉ tiêu sinh sản cá chép được thực hiện nhằm góp phần cải thiện kỹ thuật sản xuất giống cá này.

Giai đoạn phát triển phôi cá chép độ cứng nước không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh; Tỷ lệ nở cao nhất là ở nghiệm thức 70 mg CaCO3.L-1(88,3%). Giai đoạn cá tiêu hết noãn hoàng tỷ lệ sống của cá ở các nghiệm thức 100, 130, 160, 190 mg CaCO3.L-1 tương đương nhau. Ở nghiệm thức độ cứng 70 mg CaCO3.L-1 có tỷ lệ sống cao nhất (83,3%) và tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá chép thấp nhất là 1,3%. Ấp trứng cá chép từ giai đoạn trứng đến cá tiêu hết noãn hoàng ở độ cứng thích hợp 70-100 CaCO3.L-1.

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài