SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mật độ ương lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá tai bồ (Platax teira) giai đoạn giống

[30/05/2024 16:23]

Trong một nghiên cứu về cá tai bồ (Platax teira) giai đoạn giống, ảnh hưởng của mật độ ương ở mức 1,0, 1,5, 2,0 và 2,5 con/L đã được đánh giá để xác định tác động của chúng đối với sự tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn.

Ảnh minh họa: Internet

Cá tai bồ hay cá tai tượng biển (Platax teiraForsskål, 1775) là một trong những loài cá biển ngày càng thu hút được sự quan tâm do đặc điểm sinh học độc đáo, ý nghĩa sinh thái và tiềm năng nuôi thương mại. Về phân loại, loài cá này thuộc họ cá tai tượng biển Ephippidae, bộ cá vược Perciformes, phân bố ở vùng biển nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cá tai bồ có giá trị kinh tế cao (150.000 – 450.000 đồng/kg), thịt thơm ngon, và được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, với hình thái cơ thể độc đáo, tập tính sống và bơi theo đàn quyến rũ, cá tai bồ nằm trong số những loài cá cảnh biển đáng chú ý, đặc biệt là với những bể cá cảnh công cộng hay thủy cung lớn. Do nhu cầu tăng cao trong khi khả năng cung cấp hạn chế, cá tai bồ đang đối mặt với nguy cơ khai thác quá mức ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên. Nuôi trồng thủy sản được xem là một hướng đi tích cực trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững nghề nuôi loài cá này. Tuy nhiên, cho đến nay, các thông tin liên quan đến đặc điểm sinh học, sinh sản, sinh thái, môi trường và kỹ thuật nuôi của cá tai bồ còn rất hạn chế gây khó khăn cho việc phát triển nghề nuôi đối tượng này.

Thực tiễn phát triển nghề nuôi cá biển đã cho thấy vai trò của việc xác định mật độ nuôi đối với hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường của quá trình sản xuất. Mật độ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến các chức năng sinh học và phúc lợi của cá, qua đó, tác động đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và sức khỏe tổng thể. Mật độ nuôi cao có thể dẫn đến sự cạnh tranh về không gian sống, gây suy giảm chất lượng nước, khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh ghi nhận ở nhiều loài cá. Ngược lại, mật độ quá thấp có thể không hiệu quả về mặt kinh tế và có thể dẫn đến việc sử dụng không gian và tài nguyên không hiệu quả. Đáng chú ý, mật độ nuôi tối ưu ở cá có sự phụ thuộc theo loài, giai đoạn phát triển, bên cạnh nhiều yếu tố khác bao gồm hệ thống nuôi, chế độ chăm sóc quản lý thức ăn, môi trường và dịch bệnh. Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng thường có mối quan hệ hình chuông giữa mật độ nuôi và các chỉ tiêu tăng trưởng của cá, cả mật độ quá thấp và quá cao đều dẫn đến tăng trưởng dưới mức tối ưu. Hiệu quả sử dụng thức ăn là một khía cạnh quan trọng khác bị ảnh hưởng bởi mật độ nuôi. Mật độ quá cao có thể dẫn đến cạnh tranh thức ăn cao hơn, tăng trưởng không đồng đều và tăng lượng chất thải, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ số thức ăn mà còn gây suy giảm chất lượng nước. Tỷ lệ sống cũng liên quan mật thiết với mật độ nuôi, nhất là ở mật độ cao, có thể làm trầm trọng thêm hiện tượng tấn công, ăn thịt lẫn nhau gây hao hụt lớn ở một số loài. Tóm lại, việc xác định mật độ nuôi tối ưu cho cá biển đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố sinh học, môi trường và kinh tế. Sự thiếu hụt các thông tin về vấn đề này trên cá tai bồ, đặc biệt là giai đoạn cá hương lên giống, là động lực để chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm xác định mật độ nuôi thích hợp, cân bằng được phúc lợi của cá và hiệu quả sản xuất, qua đó, góp phần phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi loài cá biển có giá trị kinh tế cao này.

Mật độ nuôi có ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ tiêu tăng trưởng chiều dài và khối lượng, mật độ sinh khối và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá tai bồ ở các nghiệm thức. Nhìn chung, các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, hệ số phân đàn và hiệu quả sử dụng thức ăn đạt được tốt nhất ở mật độ ương 1 con/L trong khi mật độ sinh khối đạt được có sự gia tăng tỷ lệ thuận với mật độ ương, cao nhất ở mật độ 2,5 con/L. Do đó, mật độ 1 con/L được xác định là phù hợp với ương cá tai bồ giai đoạn giống.

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài