SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sơ chế phụ phẩm rong nho (Caulerpa lentilliera) làm nguồn nguyên liệu sản xuất rong nho cháy tỏi

[30/05/2024 16:42]

Sơ chế phụ phẩm rong nho (Caulerpa lentilliera) làm nguồn nguyên liệu để sản xuất rong nho cháy tỏi đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, phụ phẩm rong nho sau khi phân loại, làm sạch được ngâm trong nước ngọt ở nhiệt độ phòng (26 ± 1ºC) trong thời gian 30 phút giúp loại bỏ tối đa mùi tanh và muối trong rong.

Ảnh minh họa: Internet

Rong nho (Caulerpa lentillifera) là loài rong thuộc bộ cầu lục Caulerpales, ngành rong lục Chlorophyta, rất phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bộ rong cầu lục Caulerpa rất đa dạng, trong đó rong nho là loài có giá trị nhất. Trên thế giới rong nho được biết đến từ những năm 70 của thế kỷ 16, song đến nay rong nho được trồng mạnh ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam tập trung các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với quy mô phát triển ngày càng lớn mạnh.

Rong nho chứa nhiều dưỡng chất cần thiết với hàm lượng cao như khoáng, chất xơ và một số vitamin thiết yếu. Bên cạnh đó rong nho còn chứa nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học như hoạt tính chống oxy hoá dạng phenol, có khả năng ngăn chặn các gốc tự do, làm giảm quá trình oxy hoá. Đặc biệt hàm lượng protein và lipit trong rong nho không cao nhưng chứa nhiều loại axit amin và axit béo cần thiết cho sự phát triển tế bào thần kinh và chữa trị các bệnh liên quan đến tim mạch.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay các doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa sản phẩm rong nho tươi và rong nho tách nước ra thị trường nội địa và xuất khẩu với mô quy ngày càng lớn, yêu cầu chất lượng rong nho ngày càng nghiêm ngặt.  Cụ thể những cọng rong phải có kích thước từ 6-9 cm, không bị dập, tiểu cầu dày, đều, mọng nước, màu rong xanh đặc trưng được sử dụng sản xuất rong nho tách nước và rong nho tươi. Phần còn lại có kích thước nhỏ hơn 6 cm, gãy tiểu cầu hoặc tiểu cầu thưa thớt, màu xanh không đều gọi là phụ phẩm rong nho. Phụ phẩm rong nho sau sản xuất rong nho tươi và rong nho tách nước chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng trên 30% tuỳ thuộc vào phương pháp trồng và thu hoạch. Nguồn nguyên liệu này nếu không có giải pháp đầu ra tốt thì chúng chỉ dùng để làm giống, phân bón hoặc thức ăn gia súc. Đến nay chưa có nhiều nghiên cứu tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng ngoài nhóm nghiên cứu của Lê Bền sản xuất bột rong từ phụ phẩm rong nho. Ngoài ra, hiện nay thị trường nội địa chỉ có sản phẩm rong biển cháy tỏi từ nguyên liệu rong mứt biển (Porphyra) thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta, rong mứt biển chứa nhiều nguyên tố vi lượng, hàm lượng chất xơ cao trong khi hàm lượng chất béo thấp, rất tốt cho sức khoẻ. Qua phân tích thành phần dinh dưỡng của phụ phẩm rong nho cho thấy, phụ phẩm rong nho có những thành phần dinh dưỡng tương đồng như rong mứt vì vậy việc nghiên cứu sơ chế phụ phẩm rong nho làm nguồn nguyên liệu sản xuất rong nho cháy tỏi có ý nghĩa đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm rong nho, đồng thời bổ sung thêm nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất rong biển cháy tỏi.

Nguyên liệu phụ phẩm rong nho là phần còn lại sau sản xuất rong nho tách nước và rong nho tươi thành phẩm tại Công ty TNHH GCAP VN nói riêng và tại các cơ sở sản xuất rong nho nói chung toàn hoàn có thể sử dụng làm nguồn nguyên liệu để sơ chế phục vụ sản xuất rong nho cháy tỏi này – một sản phẩm gia tăng từ phụ phẩm rong nho. Phụ phẩm rong nho sau khi loại bỏ tạp chất được ngâm trong nước ngọt thời gian 30 phút ở nhiệt độ phòng (26 ±1°C), sau đó chần 15 giây ở 85°C, tiếp tục ly tâm sau khi chần ở tốc độ 800 vòng trong thời gian 8 phút. Cuối cùng trải đều lớp rong dày 0,5± 0,2 cm trên vỉ và sấy lạnh kết hợp bơm nhiệt ở nhiệt độ 55°C trong 3 giờ, vận tốc gió 2 m/s sẽ thu được phụ phẩm rong nho khô có độ ẩm 4% và hoạt độ nước Aw = 0,52.

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài